Ốc móng tay ở Cà Mau nó lạ lắm, mập mạp cứ phải gọi là "ốc móng chân cái", bắt lên đãi nhà giàu
Ốc móng tay ở Cà Mau nó lạ lắm, mập mập cứ phải gọi là muốn nướng ăn ngay
Thứ tư, ngày 29/03/2023 18:51 PM (GMT+7)
Ông Thấm tuổi đã 59, dạn dày sương gió, dù mới lặn ngụp cả nửa ngày bắt ốc móng tay chúa trên biển về nhưng trông ông không có vẻ gì mệt mỏi. Ông vui vẻ cho biết, con ốc móng tay chúa xuất hiện ở vùng biển Cà Mau lúc nào không rõ, nhưng cách đây gần chục năm, bà con nơi đây phát hiện ra chúng...
“Nói về đặc sản xứ này, phải kể đến con móng tay ở biển Gò Công...”, từ sự giới thiệu của anh Quách Văn Sển, công chức xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, (tỉnh Cà Mau) chúng tôi hào hứng đến nhà ông Nguyễn Văn Thấm, ấp Gò Công thuộc địa bàn xã để tìm hiểu về nghề mò con móng tay (ốc móng tay chúa, lớn hơn ốc móng tay thường).
Đồng hồ chỉ hơn 2 giờ chiều, ông Thấm bảo: “Vừa mới mò con móng tay về, đã ghé cân cho vựa rồi. Hôm nay bán xô ngang lớn nhỏ được 3,3 kg, giá 350 ngàn đồng/kg, tổng cộng hơn 1 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Văn Thấm, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, (tỉnh Cà Mau) mô tả lại việc lặn cào bắt con ốc móng tay chúa trên biển.
Tuổi đã 59, dạn dày sương gió, dù mới lặn ngụp cả nửa ngày trên biển về nhưng trông ông không có vẻ gì mệt mỏi.
Ông vui vẻ cho biết, con móng tay xuất hiện ở vùng biển Cà Mau lúc nào không rõ, nhưng cách đây gần chục năm, bà con nơi đây phát hiện ra chúng. Ban đầu vì lạ, ít người biết ăn nên giá bán ốc móng tay này rất thấp. ư
Các vựa thu mua hải sản tại địa phương phải cất công đi chào hàng nhiều nơi, dần dần thực khách thưởng thức thấy ngon nên lượng tiêu thụ ốc móng tay tăng mạnh...
Theo đó, giá trị con móng tay được xếp vào hàng đặc sản, giá cả cũng khá cao, từ đó, cả xóm ông cùng rủ nhau làm nghề này.
“Trước đây chỉ bắt con móng tay trên bãi cạn, mỗi ngày chờ con nước ròng lồi bãi lên rồi dùng cào, cào đụng hang (hang làm nơi cục đất cứng - PV) thì thọc sâu cánh tay vào để bắt. Nhưng về sau nhiều người làm nghề bắt con móng tay, trên bãi cạn nguồn nên chúng tôi sắm máy lặn ra khơi lặn bắt.
Mỗi ngày đi từ 6-7 giờ sáng, đến trưa thấy mệt thì về. Lặn bắt con móng tay ngoài biển khơi có mệt hơn bắt trên bãi cạn nhưng được cái không phụ thuộc vào con nước lớn ròng. Con móng tay có quanh năm, vì vậy, hễ biển không động, chịu khó đi lặn cào bắt là có tiền”, ông Thấm chia sẻ.
Ốc móng tay chúa loại 1 (từ 8-14 con/kg) hiện có giá thu mua tại vựa 400 ngàn đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Đượm, vợ ông Thấm, tâm sự, trước đây nhà bà làm nghề lưới 3 màng, hoạt động trong vùng cấm nên thường xuyên bị ngành chức năng xử phạt, cuộc sống khá bấp bênh.
Từ ngày chuyển sang nghề bắt con móng tay chúa, thu nhập hết sức ổn định, tinh thần thoải mái, không còn cảnh tránh né, mặc cảm khi gặp những người thực thi nhiệm vụ ven biển.
Không riêng ở bãi biển Gò Công, con móng tay còn có ở cửa Rạch Tàu (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), cửa Hố Gùi (xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn) và ra tận Hòn Khoai.
Ngư trường rộng lớn, thuận lợi cho người làm nghề bắt ốc móng tay chúa, cứ bãi này giảm thì di chuyển sang bãi kia. Chồng bà Đượm là người chịu khó, có nhiều kinh nghiệm bắt ốc móng tay nên mỗi chuyến ra khơi đều mang về thấp nhất 600-700 ngàn đồng.
Vợ anh Sơn Mỹ (ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) mang sản phẩm ốc móng tay chúa do chồng lặn bắt được trong ngày đến bán cho vựa, thu được hơn 1 triệu đồng.
Anh Đoàn Minh Trọng, chủ vựa thu mua hải sản tại ấp Gò công, cho biết, hiện tại, ốc móng tay chúa có giá khá cao.
Cụ thể, ốc móng tay chúa loại 1 (từ 8-14 con/kg), vựa anh mua vào với giá 400 ngàn đồng/kg; loại 2 (khoảng trên 14-20 con/kg) giá 200 ngàn đồng.
Giá mua xô ngang ốc móng tay chúa tuỳ lớn nhỏ, khoảng 350 ngàn đồng/kg. Mỗi ngày vựa anh thu mua được từ 100-200 kg ốc móng tay chúa, phân phối đến 13 tỉnh, thành.
Bà con sau khi mò con móng tay xong là đến cân cho vựa ngay và anh phải dùng ô xy bảo quản để ốc được tươi sống.
Người bán ít nhất cũng được 400 ngàn đồng, người nhiều có khi 2-3 triệu đồng. Cũng thông tin từ anh Trọng, ở miền Nam, chỉ có Cà Mau và khu vực biển Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) có con ốc móng tay chúa này.
Bí thư kiêm Trưởng ấp Gò Công Lý Minh Trí cho biết, ấp hiện có hơn 70 hộ làm nghề bắt ốc móng tay chúa này. Nhờ đó đã giải quyết được công ăn việc làm cho các hộ, đồng thời hạn chế được việc vi phạm đánh bắt hải sản trong vùng cấm.
Tuy vậy, việc lặn dưới đáy biển sâu 10-20m nước bắt ốc móng tay chúa khá nguy hiểm nên ông khuyến cáo bà con phải hết sức cẩn thận để bảo đảm an toàn tính mạng.
Nhân viên quán Hải sản Biển Cà Mau chế biến ốc móng tay chúa phục vụ khách.
Thịt thơm, ngọt, mềm, ốc móng tay chúa có thể chế biến nhiều món ăn như: xào lá quế, hấp gừng, sấy mỡ tỏi, nướng mỡ hành… Tại quán Hải sản Biển Cà Mau, khách thường dùng nhất là món xào lá quế và nướng mỡ hành (trong ảnh).
Tìm hiểu về “kênh” phân phối loại đặc sản này tại TP Cà Mau, chúng tôi được giới thiệu đến quán Hải sản Biển Cà Mau (số 218, Trần Hưng Đạo, Phường 5).
Anh Lâm Chí Linh, quản lý quán, cho biết, quán là đầu mối nhập nguồn ốc móng tay chúa ở Gò Công và phân phối cho hơn chục quán lớn, nhỏ trên địa bàn như: Phượng Vĩ, Tân Tân Quán, Đào Hoa Đảo… với số lượng từ 30-40 kg.
Tại quán, mỗi ngày cũng tiêu thụ từ 15-16 kg ốc móng tay chúa (phần nhiều là khách du lịch). Ngoài phục vụ tại chỗ, quán còn đóng ô xy cung cấp cho khách hàng có nhu cầu mua về nhà dùng, làm quà biếu…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.