"Chẳng ai muốn rời bỏ quê hương, rời nơi chôn nhau cắt rốn của mình, nên phải xin ý kiến dân đàng hoàng, tôn trọng dân, dân họ đồng ý thì nhà nước mới cho làm", lãnh đạo thị uỷ Hoài Nhơn (Bình Định) khẳng định với Dân Việt, khi mở đầu câu chuyện về dự án gang thép được tỉnh chấp thuận chủ trương, dự kiến xây ở thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ).
Lộ Diêu ở xã Hoài Mỹ (thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), mang vẻ đẹp hoang sơ, nơi đây người dân sống yên bình. Clip: Dũ Tuấn.
Trong quá khứ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Định đã từng chấm dứt, không thu hút dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội có tổng mức đầu tư 22 tỷ USD của nhà đầu tư Thái Lan, lúc đó là vào năm 2016.
Quyết định này từng "áp lực" vì trước đó, Bình Định rất háo hức, tha thiết và tốn nhiều công sức, mời gọi đầu tư dự án.
Dự án lọc hoá dầu mang lại những giá trị "khổng lồ" về thu ngân sách, đời sống kinh tế của dân, nhưng cũng sẽ rất nguy hiểm, bởi nhà máy ở sát Quy Nhơn, cách cầu Nhơn Hội, nằm ngay trên đầm Thị Nại, sẽ tác động lớn đến môi trường biển.
Cái giá phải trả khi biển ô nhiễm rất lớn, việc làm nông nghiệp và ngư nghiệp của bà con có nguy cơ bị tổn thất.
Nghĩ đến tương lai, lãnh đạo Bình Định đã kiên định khước từ dự án, tìm hướng khác để gìn giữ biển, vịnh Quy Nhơn.
Hiện tại cho thấy, đây là quyết định "mạnh mẽ, táo bạo" nhưng rất sáng suốt của lãnh đạo Bình Định, được sự ủng hộ của người dân.
Quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo Bình Định qua các thời kỳ, thể hiện sự kiên định "không đánh đổi môi trường, lấy lợi ích kinh tế", nhiều doanh nghiệp đến tỉnh này làm ăn, rất yên tâm.
Lần này, UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ đầu tư dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu – một vùng biển đẹp hoang sơ nổi tiếng, tổng vốn 53.500 tỷ đồng với nhiều kỳ vọng.
Tỉnh cũng chuẩn bị rất kỹ lưỡng, khi thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện dự án, đóng vai trò Trưởng Ban là sự "góp mặt" của ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; hàng chục thành viên khác là lãnh đạo một số đơn vị, Sở ngành của tỉnh.
Thế nhưng, dự án gang thép này lại đang bị vấp phải những lo ngại của người dân, dư luận.
Bài học về sự cố Formosa Hà Tĩnh trước đây vẫn còn, bởi vậy việc lo lắng cho Lộ Diêu và vùng biển Bình Định, thậm chí là biển miền Trung, là điều dễ hiểu.
Tôi đi dọc bờ biển Lộ Diêu, trên những bãi cát trắng mịn, thoai thoải, trải dài mênh mông, nhìn thuyền thúng xếp lớp sát bờ, từng trận sóng ì ầm vỗ vào đá tung bọt trắng xoá, thấm lạnh vì gió biển.
Đêm Lộ Diêu yên bình, nhẹ nhàng bên tiếng sóng vỗ, trong những bữa cơm ở góc nhà của các ngư dân, nông dân, giờ đây không chỉ có câu chuyện đánh bắt, ra đồng vào sáng sớm, mà xen vào đó là nỗi lo về dự án gang thép. Dù họ chỉ mới nghe tin qua báo chí, chưa được mời họp dân.
Lộ Diêu - làng biển khác biệt và được tạo thành từ "hình hài" đặc biệt, đây có di tích lịch sử là nơi cập bến tàu không số và có đến 141 liệt sĩ trong thôn hy sinh, được khắc tên trên bia tưởng niệm.
Thời chiến, dân Lộ Diêu anh dũng chiến đấu, thời bình, họ chọn cách tương trợ, sát cánh cùng nhau, giữ gìn nếp sống, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Theo cha đi biển lúc 8 tuổi, lúc này đã 60 tuổi nhưng ông Trần Văn Hải (thôn Lộ Diêu) vẫn còn bám biển, yêu nghề, nghe tin tỉnh chấp thuận dự án gang thép dự kiến xây ở quê, người làm nghề biển như ông, rất lo.
Hơn 5 thập kỉ "kinh nghiệm" làm ngư dân, ông Hải cười bảo, cả đời tui coi biển cả như cái nhà, mảnh đất để kiếm cơm, nuôi nấng gia đình.
Tuổi lớn, sức khoẻ không còn như hồi thanh niên, ông Hải chọn đánh bắt gần bờ, mỗi ngày lao động kiếm "thù lao" từ 500 ngàn đến 2 - 3 triệu đồng, cũng có hôm trắng tay nhưng được sống ở quê, đối với ông là niềm vui lớn lao.
Lộ Diêu bảo bọc cho dân làng tất cả, sự sống, kế sinh nhai. Trước đây, nhiều người ở làng từng có ý định ra đi kiếm sống, nhưng đều quay trở về, vì quá nhớ quê hương.
Cả bốn mùa, ngày nào những ngư dân Lộ Diêu cũng í ới gọi nhau bơi thuyền thúng, mang dụng cụ, đi thả lưới, đánh bắt. Thành quả một đêm lao động miệt mài của những ngư dân là đủ đầy ốc, mực, tôm, ghẹ, cá tươi…
Cụ Trần Thanh Quang (70 tuổi) là lão làng, sống lâu năm ở Lộ Diêu. Từng lênh đênh trên biển mưu sinh hơn 1 thập kỉ, giờ đây tuổi cao lại bệnh tật không thể đi biển, nhưng thế hệ con cháu của cụ, vẫn đều đặn nối tiếp nhau vươn khơi, đánh bắt xa bờ.
"Trước đây hộ nghèo toàn thôn có đến mấy trăm hộ, nhờ sự đồng lòng giúp nhau thoát nghèo, giờ chỉ còn vài hộ, ở Hoài Mỹ thì không có nơi nào tuyệt vời như Lộ Diêu. Thôn chúng tôi có nhà 2,3 tầng, nhờ ngư dân chịu khó mưu sinh từ nghề đánh bắt xa bờ, gần bờ", cụ Quang chia sẻ.
Cụ Quang bảo rằng, khi nghe tin tỉnh chấp thuận dự án gang thép, dân rất lo lắng. "Nếu đặt dự án gang thép ở quê hương và buộc người dân di dời, chúng tôi nhất định không đồng tình, không đi. Còn dự án du lịch về đây và để bà con ở lại, dân chúng tôi thoả mái, ủng hộ"-cụ Quang nói.
Ông Nguyễn Trọng Viên (71 tuổi, thương binh hạng 3/4), Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Lộ Diêu cho biết, Lộ Diêu có 563 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu, người dân sống bằng nghề đánh bắt trên biển, làm nông và lâm nghiệp. Tính đến thời điểm này, ở Lộ Diêu có 180 chiếc tàu đánh cá, trong đó có 68 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.
Theo ông Viên, bản thân là cán bộ thôn nên được cán bộ thị xã Hoài Nhơn thông báo mời họp về triển khai dự án, còn chính quyền chưa tổ chức lấy ý kiến người dân.
Gặp chúng tôi khi mới vừa họp trên xã về, ông nói: "Tỉnh muốn thực hiện dự án thì nhân dân ủng hộ chủ trương, nhưng phải đảm bảo cuộc sống của người dân, phải tốt hơn khi chưa có dự án, làm gì thì làm nhưng thế hệ đời sau phải phát triển, ổn định hơn hiện tại. Đã có người dân bày tỏ ý kiến lo ngại, không muốn đi, nhất là những người sống lâu năm gắn bó với mảnh đất này".
"Dư luận trong dân có nghe về dự án nhưng chúng tôi chưa thấy lấy ý kiến người dân, xã cũng chưa có bất kỳ thông tin cụ thể nào về dự án này nên không thể cung cấp thông tin gì thêm. Thông tin gần sát nhất, nên hỏi UBND thị xã Hoài Nhơn, hoặc Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh", ông Nguyễn Lê Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn Lê Đăng Tuấn từ chối trả lời báo chí và cho biết, UBND tỉnh Bình Định sẽ tổ chức họp báo về dự án gang thép này.
Một lãnh đạo Thị uỷ Hoài Nhơn nói với Dân Việt, đến lúc này tương lai về dự án gang thép "vẫn chưa nói gì được", bởi tất cả đều chờ Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thông qua chủ trương chính sách bồi thường cụ thể, để khi xin ý kiến "dân hỏi, thì lãnh đạo phải trả lời".
"Dân đồng tình thì nhà nước mới cho làm, dân không đồng tình thì chưa thể làm", lãnh đạo thị xã Hoài Nhơn nói.
Nếu làm dự án gang thép, chắc chắn không thể lấy di tích và rừng phòng hộ ven biển Lộ Diêu.
Di tích tàu không số, bia ghi công khắc tên 141 liệt sĩ của thôn Lộ Diêu, lăng cúng làng chài, cũng phải được "bảo tồn, phát huy". Rừng phòng hộ ven biển thì cam kết giữ lại, trở thành lâm viên.
"Tất nhiên, khi làm dự án phải xin ý kiến dân đàng hoàng, phân tích mặt được và không được, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của dân rồi mới quyết định, đâu phải muốn làm là làm", vị này khẳng định.
Trả lời báo giới, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng, dự án gang thép định triển khai tại Lộ Diêu hiện "chưa làm gì, bây giờ mới ở bước xây dựng kế hoạch, sau này sẽ triển khai cụ thể".
Trước việc nhiều người dân địa phương lo ngại, không muốn thực hiện dự án này tại Lộ Diêu, ông Thanh nói: "Tất nhiên khi nào làm dự án là phải lấy ý kiến người dân".
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định cho biết, việc thẩm định dự án thuộc thẩm quyền của trung ương.
Cụ thể, thẩm định việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất rừng thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thẩm định về đánh giá tác động môi trường là Bộ Tài nguyên và Môi trường, thẩm định công nghệ là Bộ Khoa học và Công nghệ.
Các Bộ này thẩm định xong sẽ trình Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo các thủ tục về đầu tư, không ảnh hưởng đến môi trường.
"Khi có sự đồng thuận từ người dân, mình mới làm", Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh.
Việc tại sao dự án đã khảo sát, nghiên cứu dự định làm ở ven biển các xã Mỹ An, Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ), bây giờ lại chọn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn), ông Thanh nói: "Việc này do nhà đầu tư làm khảo sát, địa điểm nào phù hợp, đáp ứng điều kiện thực hiện dự án thì họ đề xuất" và cho biết: "Về nguyên tắc, dự án không để ảnh hưởng đến danh thắng, di tích lịch sử tàu không số tại Lộ Diêu".