Hôm nay 30/3, tại TP.Cần Thơ, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) hối hợp với một số đơn vị có liên quan tổ chức hội thảo với chủ đề "Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu".
Tại hội thảo, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTN) cho biết, để giữ ổn định diện tích, sản lượng lúa gạo trong hiện tại cũng như tương lai, phải tạo ra niềm tin cho người dân cảm thấy không bị thiệt thòi, nhỏ bé.
Để làm được điều này, cần có sự đóng góp rất quan trọng từ các yếu tố kỹ thuật cũng như tổ chức sản xuất. Về vấn đề này, Bộ NNPTNT rất quan tâm và mong muốn IRRI cũng như các đơn vị có liên quan đồng hành.
Cũng tại hội thảo, ông Tùng giới thiệu về đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL mà Cục Trồng trọt đang làm dự thảo.
Ông Tùng cho rằng, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL là hình thức tổ chức sản xuất mới, góp phần thúc đẩy việc sản xuất lúa gạo được tốt hơn trong thời gian tới. Khi thành công ở ĐBSCL, đề án sẽ mở rộng ra các vùng miền khác.
"Mong đợi của đề án là giảm giá thành sản xuất lúa của người dân, cụ thể là giảm giống còn 80kg/kg, giảm phân bón và thuốc trừ sâu 30%, giảm nước tưới 30%, đồng thời giảm thất thoát sau thu hoạch xuống dưới 8%, giảm phát thải trên 10%. Từ đó, sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam tăng hơn 20%, sẽ giúp thu nhập người dân trồng lúa tăng" - ông Tùng nói.
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nói thêm, ngành lúa gạo hiện nay chưa phát huy mạnh mẽ các yếu tố kỹ thuật, để nâng cao thật sự thu nhập cho người dân.
Ngoài ra, việc cạnh tranh về thu nhập giữa sản xuất lúa gạo so với các ngành hàng khác (cây ăn trái, thủy sản) đang bị áp lực rất lớn và gây thách thức cho các chuyên gia, nhà tổ chức sản xuất ở từng tỉnh, thành khi phải ổn định được lương thực toàn cầu.
"Chúng ta có 500 triệu tấn gạo lưu hành trên thế giới và 50 triệu tấn gạo về thương mại hàng năm. Chỉ cần một biến động nhỏ khoảng vài trăm nghìn tấn gạo thương mại thôi sẽ có thể xảy ra biến động về xã hội và các lĩnh vực khác" - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thông tin.
Ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ cho biết, hiện nay, cây lúa vẫn được xác định là có vai trò quan trọng đối với kinh tế của vùng ĐBSCL. Theo Nghị quyết 34, vùng ĐBSCL được giao đảm bảo an ninh lượng thực.
Tuy nhiên, hiện nay, sản xuất lúa ở ĐBSCL nói chung và TP.Cần Thơ nói riêng còn nhiều khó khăn, kỹ thuật còn phải tiếp tục cải thiện, người dân vẫn còn gieo sạ mật độ cao, sử dụng phân thuốc gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, theo ông Nghiêm, sản xuất lúa ở ĐBSCL còn chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu và nguồn nước từ sông Mê Kông. "Sản xuất lúa ở ĐBSCL chịu ảnh hưởng lớn từ việc điều tiết nước ở thượng nguồn Mê Kông, tức có thể gặp rủi ro" - Phó giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ nói.
Cũng tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng như doanh nghiệp đưa ra nhiều ý kiến về việc cần tăng cường đưa cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa.
Đại diện Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền cho hay, mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL mà Công ty và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hợp tác triển khai mang lại hiệu quả cao.
Những năm qua, đã có 494 mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu được thực hiện khắp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Báo cáo kết quả cho thấy, mô hình đã giảm lượng giống gieo sạ xuống dưới 80kg/ha, giảm lượng phân bón và phù hợp theo từng điều kiện canh tác, quản lý nước tưới hiệu quả, giảm đổ ngã, thu hoạch đúng độ chín...
Đặc biệt, các mô hình đều cho năng suất tăng vượt trội so với đối chứng từ 200 – 870kg/ha, lợi nhuận bình quân tăng 3,5-5,9 triệu đồng/ha.
Theo Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền, mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL thành công cả về quy trình, giải pháp lẫn công tác chuyển giao kỹ thuật canh tác cho bà con nông dân. Do đó, đề xuất nhân rộng trong thời gian tới.