Xây dựng công trình phục vụ sản xuất trên đất trồng lúa: Quy định rõ tiêu chí để hạn chế xin - cho
Xây dựng công trình phục vụ sản xuất trên đất trồng lúa: Quy định rõ tiêu chí để hạn chế xin - cho
K.Nguyên
Thứ năm, ngày 23/03/2023 14:15 PM (GMT+7)
Đó là một trong những góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Bộ NNPTNT tổng hợp trong báo cáo số 1657/BNN-BC-PC gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả đóng góp ý kiến của Bộ NNPTNT đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Trong số các ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi đến Bộ NNPTNT, vấn đề quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, quản lý đất trồng lúa rất được quan tâm.
Quản lý chặt chẽ đất trồng lúa
Báo cáo của Bộ NNPTNT khẳng định, Nghị quyết số 19- NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba yếu tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; nguồn lực của đất nước phải tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Theo đó, các chính sách quản lý đất đai trong nông nghiệp cần được quan tâm bởi là tiền đề, là tư liệu sản xuất để phát triển nông nghiệp và thực hiện các quan điểm, mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 19- NQ/TW.
Theo đó, các ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi đến Bộ NNPTNT đề nghị dự thảo Luật hoàn thiện tại một số quy định sau:
Về tập trung, tích tụ, hạn mức, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp chủ trương tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hoá, áp dụng công nghệ cao gắn với chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp đã được thể hiện tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Dự thảo Luật đã thể chế nội dung này khi sửa đổi các quy định về hạn mức chuyển nhượng, mở rộng đối tượng tiếp cận đất nông nghiệp, tập trung, tích tụ đất nông nghiệp.
Tuy nhiên, đề nghị bổ sung đối tượng là tổ chức kinh tế, hộ gia đình không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, không cùng xã phường, thị trấn được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp. Đồng thời, xem xét quy định về hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của tổ chức để đảm bảo thực hiện quy định quy mô tích tụ đất nông nghiệp phù hợp tại Điều 186.
Làm rõ về thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với hoạt động tập trung, tích tụ đất nông nghiệp. Hiện nay, tại dự thảo Luật (Điều 185) mới chỉ quy định tập trung đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quyết định, còn tích tụ đất nông nghiệp chưa có quy định. Đồng thời, nên căn cứ quy mô để quy định thẩm quyền cho phép tập trung đất nông nghiệp;
Các ý kiến cũng đề nghị chỉnh sửa quy định tại khoản 2 Điều 92 để đảm bảo hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi được bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất cho cả phần hạn mức nhận chuyển nhượng hợp pháp.
Về đất trồng lúa và quy định cho phép được xây dựng công trình trên đất nông nghiệp và đất trồng lúa, để đảm bảo thống nhất việc kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đề nghị bổ sung vào điểm b khoản 2 Điều 64 dự thảo Luật việc xác định chỉ tiêu các loại đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất,... đã được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia và diện tích các loại đất theo nhu cầu sử dụng đất cấp tỉnh;
Bổ sung vào điểm c khoản 2 Điều 65 dự thảo Luật việc xác định chỉ tiêu các loại đất đã được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và diện tích các loại đất theo nhu cầu sử dụng đất cấp huyện, gồm đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất,...;
Bổ sung vào khoản 4 Điều 176: “Nhà nước có chính sách bảo vệ đất chuyên trồng lúa nước (đất trồng lúa 02 vụ trở lên), không được chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước tại khu vực quản lý nghiêm ngặt theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trừ những trường hợp đặc biệt quan trọng cần thu hồi đất để sử dụng vào mục đích công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định và các công trình hạ tầng phục vụ quản lý chặt chẽ các khu vực này; hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp”.
Khoản 3 Điều 172 dự thảo Luật quy định: “Người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan, được sử dụng một tỷ lệ đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch.
Đối với quy định "Người sử dụng đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa và được sử dụng một tỷ lệ đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp nhưng không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa theo quy hoạch, phù hợp với quy định của pháp luật”, Bộ NNPTNT nhất trí về chủ trương thể chế hoá nội dung “tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch” tuy nhiên, cần làm rõ một số nội dung sau: Quy mô diện tích sản xuất nông nghiệp bao nhiêu ha thì cần thiết phải được xây dựng công trình? tỷ lệ xây dựng bao nhiêu?
"Đặc biệt đối với đất trồng lúa việc quy định quy mô, tỷ lệ được xây dựng công trình cần có tính toán phù hợp, đảm bảo tiêu chí tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa. Cần có quy định cơ quan chuyên môn nào cho phép, chịu trách nhiệm việc xây dựng công trình này để không ảnh hưởng đến chất lượng đất, khu vực đất đã quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Cần quy định tiêu chí rõ ràng, hạn chế việc xin-cho", báo cáo của Bộ NNPTNT khẳng định.
Quản lý việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng
Về thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất trồng lúa, các ý kiến đóng góp gửi về Bộ NNPTNT cơ bản nhất trí với chủ trương phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng, theo đó phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng trước khi Ủy ban nhân dân có thẩm quyền quyết định bằng văn bản để thực hiện.
Tuy nhiên, quy định quản lý chuyển mục đích các loại đất này trong thời gian qua cũng xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn quản lý, giảm thiểu tác động có tính cục bộ, lợi ích của địa phương mà thiếu cân nhắc đảm bảo sự phát triển hài hoà giữa các địa phương, khu vực và phát triển bền vững quốc gia nhất là đảm bảo về chiến lược an ninh lương thực (giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa), thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, nhằm hạn chế, phòng ngừa những hành vi tiêu cực ngay từ sớm.
Theo đó, đề nghị cần phải có các lộ trình tăng cường thể chế pháp lý, đồng thời đối với các dự án lớn yêu cầu sử dụng nhiều diện tích đất vẫn cần phải có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ theo quy mô phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Lâm nghiệp. Đối với các dự án có quy mô chuyển mục đích sử dụng đất nhỏ hơn, phân cấp cho địa phương như quy định tại Điều 122 của dự thảo Luật, đồng thời cần bổ sung quy định nghiêm cấm việc chia nhỏ các dự án.
Về phân loại đất nông nghiệp, Bộ NNPTNT đề nghị xem xét, nghiên cứu bổ sung để quy định cụ thể, tránh chồng chéo, khó phân biệt xác định loại đất xây dựng một số công trình: Thuộc loại đất chăn nuôi tập trung/đất nông nghiệp khác (tại điểm g, khoản 1, Điều 10) và đất khu nông nghiệp tập trung (tại khoản 1, Điều 187).
Về bồi thường cây trồng, vật nuôi (Điều 100), đề nghị dự thảo Luật chỉnh sửa để đảm bảo quy định cụ thể việc xác định giá trị thiệt hại, đơn giá bồi thường phù hợp với từng đối tượng là cây ngắn ngày, cây dài ngày, đối tượng nuôi là gia súc, gia cầm, động vật khác, thủy sản.
Đến hết ngày 15/3/2023, Bộ đã nhận được 87 ý kiến góp ý bằng văn bản và 14 ý kiến tại Hội nghị lấy ý kiến. Các ý kiến góp ý tập trung vào 12/16 chương và 65/236 Điều của dự thảo Luật.
Tin cùng sự kiện: Góp ý Dự thảo Luật đất đai sửa đổi
Vui lòng nhập nội dung bình luận.