Đây là nhận định được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đưa ra tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội quý I và nhiệm vụ, giải pháp quý II với chủ đề "Thúc đẩy đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm", do UBND TP.HCM tổ chức, diễn ra sáng nay (1/4).
Mở đầu phiên họp, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, lưu ý một số vấn đề, thứ nhất là thực tế tình hình kinh tế 3 năm nay tại TP.HCM đang diễn biến theo đúng dự báo của các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học trong và ngoài nước. Bởi, TP.HCM hội nhập sâu rộng nên bị ảnh hưởng ít nhiều là khó tránh khỏi.
Thứ 2, năm 2021 chúng ta phải chiến đấu với đại dịch và vượt qua trong điều kiện hết sức ngặt nghèo.
Thứ 3, năm 2022 là năm phục hồi, dự tính sẽ cố gắng lấy lại những gì đã mất của năm đại dịch, đề ra chủ đề "quyết tâm chiến đấu tìm lại những gì đã mất", và thực tế trong năm 2022 TP đã đạt được những chỉ số kinh tế cũng đáng kể.
"Tuy nhiên, từ cuối 2022 - đầu 2023, trước tình hình phức tạp của tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới, TP cũng dự báo năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn, thử thách. Vì thế, mục tiêu đặt ra của chúng ta trong năm nay là chủ động thích ứng để vượt qua khó khăn, đặt ra mục tiêu thấp hơn nhưng không ngờ rằng kết quả thực tế lại thấp hơn mức đề ra sâu như thế", ông Nên nhận định.
Cũng theo Bí thư Thành Ủy TP.HCM, những ngày qua, TP.HCM đặc biệt cảm ơn ý kiến của các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách… đã đặt ra những ý kiến khách quan, tương đối chính xác về tình hình, các hiến kế rất hay… đúng theo tinh thần "cả nước vì TP.HCM", và đây cũng tạo ra động lực để chúng ta xem lại mình, để cố gắng và hoàn thiện hơn.
Tôi ví dụ việc hồi phục kinh tế của TP cũng như việc chữa trị trong ngành y. Nền kinh tế có tác động là có, nhưng chúng ta điều trị đúng phác đồ chưa? Nhiều chuyên gia cũng đã thẳng thắn nhìn nhận rằng, hậu quả của "cơn bệnh" với kinh tế TP.HCM chưa thực sự mạnh đâu! Vì vậy, tôi muốn các ban ngành, các chuyên gia hãy nhìn nhận trong từng ngành, lĩnh vực, khía cạnh… để có cái nhìn khách quan, từ đó nhận định việc đã làm, đang làm và sẽ làm để phục hồi trong quý 2 như thế nào?
Hoặc hãy coi việc phục hồi kinh tế như một cuộc đua thể thao, chúng ta đã thua một bàn rồi, chúng ta có niềm tin để tạo nên chiến thắng bù lại cho bàn thua của quý 1 hay không?
Các ban ngành hãy đặt câu hỏi, sự nỗ lực của chúng ta, được ví như sự tận tình của các y bác sĩ trong điều trị bệnh tật, liệu chúng ta đã cố gắng hết sức chưa?
Công tác triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách đã nghiêm túc chưa, từng đồng chí đã nghiêm túc chưa?
"Hôm nay có các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạt định chính sách, các ban ngành… hãy nói hết ra để chúng ta cùng khắc phục những điểm còn hạn chế. Tôi cần nghe các đồng chí nói thật, nói ngắn gọn, súc tích các vấn đề cốt lõi, không cần kính thưa, dạ thưa gì ở đây", ông Nên chỉ đạo.
Trước đó, dữ liệu từ Cục Thống kê TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn trong quý I/2023, đặc biệt dựa trên dữ liệu của Tổng cục Thống kê để so sánh các chỉ số của TP.HCM với các địa phương khác trên cả nước.
Theo đó, GRDP của TP.HCM trong quý đầu năm ước đạt khoảng 360.000 tỷ đồng, chỉ tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương.
Cụ thể, khu vực dịch vụ (chiếm hơn 65% GRDP của thành phố) chỉ tăng 2,07%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm trong tốc độ tăng chung. Điều đáng nói, có đến 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm gồm vận tải kho bãi (giảm 0,63%), thông tin và truyền thông (giảm 2,7%), kinh doanh bất động sản (giảm 16,2%) và y tế và hoạt động cứu trợ xã hội (giảm 4,82%).
Điểm sáng là 5/9 ngành dịch vụ còn lại có mức tăng trưởng khá như bán buôn, bán lẻ tăng 3,81%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,53%; dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học - công nghệ tăng 6,68%; giáo dục và đào tạo tăng 7,01%. Riêng ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống có mức tăng cao nhất với 24,34% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 3,6%, làm giảm 0,91 điểm phần trăm. Còn khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản dù tăng 2,06% nhưng cũng chỉ đóng góp 0,01 điểm phần trăm vào tốc độ tăng chung.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn TP cũng giảm 0,9% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,1%,sản xuất và phân phối điện tăng 1,4% và cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 5,3%.
Cục Thống kê TP.HCM cũng ghi nhận vốn đầu tư của doanh nghiệp FDI thực hiện quý I/2023 ước đạt 7.853 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ và chiếm 11,3% trong tổng vốn đầu tư thực hiện toàn TP. Nguồn vốn này tập trung tăng cao ở một số ngành như kinh doanh bất động sản, sản xuất công nghiệp và y tế.
Bình quân 3 tháng đầu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của TP tăng 4,5%. Trong đó, chỉ có nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giao thông giảm lần lượt giảm 0,3% và 1,27%.
9 nhóm ngành còn lại đều ghi nhận tăng, trong đó các nhóm tăng cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,67%, đồ uống thuốc lá tăng 4,64%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,78%, văn hóa giải trí tăng 6,46% và giáo dục tăng 15,28%...