TPHCM: Hàng trăm nghìn lao động mất việc được nhận trợ cấp thất nghiệp
TPHCM: Hàng trăm nghìn lao động mất việc được nhận trợ cấp thất nghiệp
Thùy Anh
Thứ hai, ngày 13/03/2023 11:32 AM (GMT+7)
Thời gian qua, do tác động của dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế, số lượng người lao động thất nghiệp, mất việc làm tại TPHCM gia tăng. Để hỗ trợ người lao động, TP đã có nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh việc giải quyết các chính sách liên quan tới bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Từ đầu tháng 12/2022, chị Nguyễn Thị Hà (33 tuổi, công nhân trong công ty điện tử có vốn Đài Loan ở quận 12) đã mất việc. Công ty gặp khó khăn, ngừng sản xuất nên chị rơi vào cảnh thất nghiệp, chị Hà đến Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM và được hướng dẫn làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN).
“Tôi bắt đầu hưởng TCTN từ tháng 1/2023, thời gian hưởng là 8 tháng với số tiền hơn 3 triệu đồng. Tuy số tiền không nhiều nhưng cũng đủ để tôi trang trải cuộc sống, vượt qua khó khăn trong giai đoạn này”, chị Hà nói.
Ngoài việc được hỗ trợ trợ giải quyết chế độ TCTN, lao động thất nghiệp còn được hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề.
Để hỗ trợ lao động thất nghiệp, giúp lao động tái trở lại thị trường lao động, vừa qua Sở LĐTBXH TP. HCM đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. HCM chủ động phương án tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm kết nối cung - cầu lao động để nhanh chóng tư vấn, cung cấp thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp và tổ chức cho người lao động. Bên cạnh đó, thực hiện kịp thời các chính sách bảo hiểm thất nghiệp (trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề) để người lao động có “điểm tựa” vượt qua giai đoạn khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết, Sở đã chỉ đạo 21 Phòng LĐTBXH nắm bắt tình hình các doanh nghiệp ở trên địa bàn, phối hợp với BHXH TPHCM rà soát lại các doanh nghiệp còn nợ đọng BHXH và có khả năng gián đoạn đơn hàng để có kế hoạch xử lý kịp thời, hạn chế tình trạng người lao động không được hưởng TCTN vì doanh nghiệp nợ bảo hiểm.
Ngoài ra, Sở LĐTBXH TPHCM cũng chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, kết nối người lao động mất việc với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng; phối hợp với các tổ chức đoàn thể huy động các nguồn lực xã hội chăm lo cho người lao động khi bị nghỉ việc.
Năm 2022, TP HCM có gần 104.000 doanh nghiệp, tổ chức tham gia BHTN. Trong đó, hơn 2,4 triệu người có giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc. Hơn 150.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN, trong đó hơn 145.000 người đã có quyết định hưởng TCTN. Tổng số tiền chi trả TCTN, hỗ trợ học nghề trong năm hơn 4.726 tỷ đồng. Riêng quý IV/2022, mức hưởng TCTN của lao động tại TP HCM cao nhất cả nước với 5,3 triệu đồng/tháng; thấp nhất là Quảng Nam 2,9 triệu đồng.
Chia sẻ với PV Báo Dân Việt, bà Lê Thị Bích Phượng - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu Việc làm TP.HCM cho biết, năm 2022, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp là 145.190 người, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2021 với tổng số tiền chi trả là hơn 3.693 tỷ đồng. Trong đó, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2022 có 62.833 là nam (độ tuổi trung bình là 37,9 tuổi) và 82.357 nữ (độ tuổi trung bình là 36,3 tuổi).
Trong quý 1/2023, trung tâm đã tiếp nhận hơn 27.300 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm hơn 6.000 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022. Thành phố đã ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho hơn 27.100 người lao động đủ điều kiện, giảm khoảng 5.000 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022. Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết, tính đến ngày 28/2, số lượng người lao động tham gia BHXH là 2,5 triệu người, chiếm 53,9 % lực lượng lao động; số lượng người tham gia BHTN là 2,45 triệu người, chiếm 52,2% số lao động tham gia bảo hiểm. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, TP.HCM đã mua bảo hiểm y tế cho các thành viên hộ nghèo, cận nghèo là hơn 106.500 thẻ với số tiền là 85,6 tỷ đồng.
Chú trọng tới hoạt động truyền thông tuyên truyền thực hiện chính sách BHTN
Bà Lê Thị Bích Phượng cho biết, BHTN là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ BHTN. Trong 3 tháng tính từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, lao động nộp hồ sơ hưởng TCTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thành để làm thủ tục.
"Mức hưởng TCTN hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc lương tối thiểu vùng. Thời gian hưởng tính theo số tháng đóng BHTN, đóng đủ 12-36 tháng được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp; đóng thêm đủ 12 tháng được hưởng thêm một tháng trợ cấp, tối đa không quá 12 tháng", bà Phượng nêu.
Cũng theo bà Phượng, để phát huy tối đa vai trò của chính sách BHTN, từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHTN, đặc biệt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề và duy trì việc làm, hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp, để giúp người lao động sớm tìm được việc làm, ổn định cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội.
Nhằm kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động ngày 9/3 vừa qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM đã tổ chức sàn giao dịch việc làm lần thứ 2 năm 2023 thu hút 10 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng 586 vị trí việc làm ở các ngành nghề: kế toán, nhân viên văn phòng, nhân viên kinh doanh, nhân viên kỹ thuật, nhân viên bán hàng, công nhân may…
Liên quan đến tình hình lao động tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, bà Phượng cho hay trước mắt, số công nhân này sẽ nghỉ việc nhưng vẫn được hưởng lương đến hết tháng 3. Bên cạnh đó, Trung tâm DVVL cũng kết nối giới thiệu việc làm cho gần 3.000 lao động thất nghiệp tại công ty.
Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đã chi khoảng 275 tỷ đồng để hỗ trợ công nhân bị mất việc, bình quân mỗi công nhân được nhận khoảng 116 triệu đồng/người, nhiều nhất 379 triệu đồng/người, thấp nhất 12 triệu đồng/người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.