Dân Việt

"Điệp khúc" ở Lạng Sơn: Nguy cơ ùn ứ xe hàng vì bến bãi chật hẹp, chậm phát triển

Gia Tưởng 02/04/2023 07:45 GMT+7
Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn vừa đề nghị phối hợp điều tiết từ xa đối với hàng hóa xuất khẩu từ nội địa lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh để tránh ùn ứ. Đây có thể coi như một "điệp khúc" cứ đến hẹn lại lên, lặp đi lặp lại nhiều lần thời gian qua.

Công văn "đến hẹn lại lên"

Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn vừa có công văn số 421 ngày 28/3/2023 đề nghị phối hợp điều tiết từ xa đối với hàng hóa xuất khẩu từ nội địa lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh. 

Nội dung của công văn nêu rõ: Thời gian gần đây (cao điểm từ tuần cuối tháng 3/2023), lượng hàng hóa nông sản, trái cây tươi từ các tỉnh, thành trên cả nước được vận chuyển lên địa bàn tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc ngày càng tăng dần. 

Cùng đó, một lượng lớn phương tiện sau khi giao trả hàng hoá (xe không) lưu lại các bãi xe tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh khiến sức chứa xe hàng mới trong các bến bãi giảm xuống (do xe không bên Việt Nam chờ lấy hàng nhập khẩu và xe không bên Trung Quốc chờ lấy hàng xuất khẩu và làm thủ tục xuất cảnh). 

Thống kê từ ngày 23/3 đến hết ngày 26/3 lượng phương tiện chở hàng hoá vào khu vực cửa khẩu đạt hơn 1.800 lượt xe; trong khi đó năng lực thông quan xuất khẩu bình quân trong ngày tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh chỉ lần lượt là 150 xe/ngày và 202 xe/ngày với mặt hàng chủ yếu là trái cây tươi như sầu riêng, thanh long, mít, xoài, dưa hấu... Lượng phương tiện tồn tại khu vực cửa khẩu bình quân từ 1.126 xe/ ngày (xe không hàng 350xe/ngày, xe có hàng 776 xe/ngày).

Nghịch Lý ở Lạng Sơn cứ xe hàng xuất khẩu đông lại kêu khó  - Ảnh 1.

Xe chở nông sản của Việt Nam chuẩn bị xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Gia Tưởng.

"Hiện nay số lượng phương tiện đi vào khu vực cửa khẩu đã quá tải so với mặt bằng sử dụng của các bến bãi; cùng với năng lực thông quan như hiện nay, để giải phóng xong lượng xe chở hàng hóa đang tồn chờ xuất khẩu tại các bến bãi cần khoảng trên 5 ngày", đại diện Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn nêu rõ.

Ngành Công Thương Lạng Sơn dự báo trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh vào mùa vụ thu hoạch hàng nông sản của 2 nước Việt Nam và Trung Quốc, khi nhu cầu tiêu dùng, mua bán và thông quan tại tất cả các cửa khẩu đường bộ đều tăng mạnh, lượng phương tiện vận tải hàng hóa xuất khẩu tiếp tục dồn về sẽ gây nên tình trạng ùn ứ diện rộng tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh. 

"Điều này sẽ gây khó khăn cho công tác điều tiết phương tiện, giữ gìn an ninh trật tự, công tác quản lý, đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh; tiềm ẩn nguy cơ làm trì trệ năng lực thông quan xuất khẩu hàng hóa và phát sinh tăng chi phí, thiệt hại về kinh tế cho lái xe, doanh nghiệp", Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh.

Nghịch Lý ở Lạng Sơn cứ xe hàng xuất khẩu đông lại kêu khó  - Ảnh 2.

Xe hàng hóa xuất nhập khẩu tại của khẩu Hữu Nghị hàng ngày đang được các cơ quan chức năng khuyến cáo về tình trạng ùn ứ. Ảnh: Gia Tưởng.

Trước những khó khăn trên, để hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là hàng nông sản, hoa quả không bị ùn ứ, lưu bãi trong thời gian dài, suy giảm về chất lượng, gây thiệt hại về kinh tế, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan tích cực phối hợp, triển khai một số nội dung.

Trong đó, đề nghị các tỉnh, thành phố có mặt hàng hoa quả tươi xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn thông tin rộng rãi tới các doanh nghiệp, thương nhân về tình trạng phương tiện chở trái cây tươi đổ dồn về cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh của tỉnh Lạng Sơn, gây nên tình trạng ùn ứ dọc tuyến đường quốc lộ, quá tải tại các bến bãi và gây khó khăn trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại khu vực cửa khẩu. 

Đồng thời, khuyến cáo các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa cân nhắc, chủ động điều tiết hàng hóa lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh một cách hợp lý để tránh phát sinh thêm các chi phí lưu kho bãi và giảm thiểu rủi ro hàng hóa bị hư hỏng cho doanh nghiệp.

Cùng đó, tăng cường triển khai công tác hỗ trợ kết nối thị trường, đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ trong nước, tập trung vào các loại trái cây, nông sản như: Sầu riêng, thanh long, mít, xoài, dưa hấu,... đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường khác. Các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, vận tải, xuất khẩu hàng hóa có liên quan.

Nghịch Lý ở Lạng Sơn cứ xe hàng xuất khẩu đông lại kêu khó  - Ảnh 3.

Xe chờ đến lượt đưa hàng xuất khẩu sang Trung Quốc tại khu vực của khẩu Tân Thanh

Ngoài ra, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình thông quan tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, năng lực thông quan hàng hóa, lượng xe hàng chờ xuất khẩu, đặc biệt là trong thời điểm vào mùa vụ thu hoạch và xuất khẩu của nhiều mặt hàng trái cây tươi; kịp thời nắm bắt, cập nhật những chính sách thay đổi bên phía Trung Quốc nhằm góp phần điều phối hoạt động xuất nhập khẩu một cách chủ động, thông suốt và hiệu quả.

Cần mở rộng bến bãi và cơ sở hạ tầng cửa khẩu

Ghi nhận của PV Dân Việt trong những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 cho thấy, hiện trên địa bàn Lạng Sơn 2 đơn vị kinh doanh dịch vụ bến xe quy mô lớn. Tại cửa khẩu Hữu Nghị là Công ty cổ phần Xuân Cương (Công ty Xuân Cương), còn tại cửa khẩu Tân Thanh là Công ty cổ phần thương mại Bảo Nguyên (Công ty Bảo Nguyên). 

Trên thực tế, hiện nay bến xe khách của Công ty Xuân Cương đang hoạt động có diện tích 25,8ha với công suất chứa tối đa 800 xe container. Đứng trước nhu giao thương kinh tế giữa hai nước Việt – Trung, ngày 23/11/2020 Công ty Xuân Cương đã có tờ trình 166 gửi UBND tỉnh Lạng Sơn về việc xin chủ trương mở rộng dự án bến xe với quy mô lên đến 146 ha sức chứa từ 4.000-5.000 xe container, một năm đáp ứng được 1,8-2,0 triệu lượt xe, tổng số hàng hóa trung chuyển bốc xếp là 15 triệu tấn, đáp ứng việc làm cho 2200 lao động. Tổng số vốn 3684 tỷ đồng dự kiến khởi công vào quý III năm 2022, đưa vào sử dụng giai đoạn một từ 2022- 2025, hoàn thiện dự án năm 2030. 

Ông Nguyễn Hồng Cương, Tổng Giám đốc Công ty Xuân Cương khẳng định: Với dự án mở rộng bãi xe, chúng tôi mong muốn góp phần tạo nên tổ hợp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa mang tầm quốc tế, xứng đáng với vai trò của cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trong tương lai. 

Riêng về công nghệ số, ông Cương tiết lộ sẽ đầu tư một khoản vốn lớn (có thể lên tới cả triệu USD) để đưa công nghệ số vào quản lý giúp minh bạch hóa, dù khách hàng ở bất cứ đâu chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh truy cập cũng biết hàng hóa của mình đang ở khâu nào, chỗ nào trong cửa khẩu.

Nghịch Lý ở Lạng Sơn cứ xe hàng xuất khẩu đông lại kêu khó  - Ảnh 4.

Mô hình xin mở rộng bến xe Hữu Nghị trong tương lai. Ảnh: Gia Tưởng.

Còn tại cửa khẩu Tân Thanh, Công ty Bảo Nguyên cũng đang triển khai dịch vụ khai thác bến bãi xe phục vụ xuất nhập khẩu. Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Công ty Bảo Nguyên cho biết, hiện sức chứa của bến khoảng 750 xe, công ty đang thi công giai đoạn 2 để nâng công suất của bến lên 1.200 xe hàng. 

Là người hoạt động kinh tế ở cửa khẩu lâu năm, ông Tuấn nhấn mạnh, trong những lần hội đàm trước đây, phía Trung Quốc luôn đề nghị Việt Nam không chỉ mở rộng bến bãi cho xe hàng đỗ, mà còn mở rộng cả làn đường, từ 2 làn xe hiện nay lên 6 làn xe trong tương lai để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của 2 nước. 

Nghịch Lý ở Lạng Sơn cứ xe hàng xuất khẩu đông lại kêu khó  - Ảnh 5.

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn trao đổi thông tin về hoạt động ở các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh với PV Dân Việt. Ảnh: Gia Tưởng.

Về những kiến nghị này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, ngày 30/9/2021, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản số 415/BC-UBND gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng báo cáo về việc tháo gỡ một số khó khăn trong thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn. 

Sau đó, Chính phủ đã giao UBND tỉnh thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch, UBND tỉnh lại giao cho Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn triển khai việc này theo đúng yêu cầu và quy định. "Đến nay tỉnh đang phải chờ điều chỉnh quy hoạch chung", ông Thiệu chia sẻ.

Để tìm hiểu rõ hơn về việc thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch, PV cũng đã liên lạc với ông Lê Văn Thắng - Trưởng Ban Quản lý kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn để làm việc. Ông Thắng hứa sẽ chờ trả lời các vấn đề báo Dân Việt đặt ra trong thời gian thích hợp.

Hiện nay nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc rất lớn, năm sau cao hơn năm trước. Lạng Sơn là cửa ngõ giao thương lớn nhất giữa nước ta với nước bạn, do đó nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp đang rất trông chờ vào các động thái tích cực và thiết thực của chính quyền tỉnh Lạng Sơn, trong đó có việc khai thông luồng xuất khẩu nông sản và nhập khẩu hàng hóa nguyên phụ liệu phục vụ phát triển kinh tế, ổn định sản xuất.