Trong vài tuần qua, Thommamoon Khowasat đã cẩn thận giải thích cho con gái 4 tuổi rằng đám mây màu vàng mà họ nhìn thấy bên ngoài cửa sổ thực ra là mối đe dọa cho sức khỏe của cô bé. Đó cũng là nỗi sợ hãi bao trùm miền Bắc Thái Lan, khiến hàng triệu người cảm thấy khó thở.
Việc đốt trang trại và tình trạng cháy rừng trên diện rộng đã tạo ra lớp sương dày đặc bao trùm các khu vực, khiến nhiều người dân gặp vấn đề về đường hô hấp.
Tại tỉnh Chiang Rai - điểm du lịch nổi tiếng - và cả thủ đô Bangkok, người dân luôn kiểm tra chất lượng không khí mỗi ngày.
"Tôi cảm thấy tiếc cho con gái mình", Khowasat chia sẻ. Anh chưa từng nhìn thấy lớp sương mù dày đặc như thế này trong 20 năm sống ở Chiang Rai.
"Vì còn nhỏ, con bé không hiểu và chỉ nghĩ rằng đó là sương mù tự nhiên, nhưng thực tế đó là sương độc", anh nói thêm.
Những ngày qua, con gái của Khowasat luôn phải ở nhà. Tuy nhiên, ngay cả khi gia đình anh bật máy lọc không khí liên tục, chất lượng không khí vẫn bị ảnh hưởng, theo BBC.
Tại huyện Mae Chan, bác sĩ Veera Isarathanan cũng lo ngại trẻ sơ sinh sẽ bị ảnh hưởng vì tiếp xúc với không khí ô nhiễm. Những đứa trẻ này không được đeo khẩu trang và ngay cả khi có máy lọc không khí trong phòng chăm sóc, chúng vẫn có thể gặp nguy hiểm.
"(Thật buồn) khi trẻ sơ sinh phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm như thế này. Phổi của chúng chỉ mới bắt đầu hoạt động", tiến sĩ Isarathanan nói.
Thái Lan phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí hàng năm - đặc biệt là vào mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 - chủ yếu do việc đốt rác, phát quang ruộng mía và lúa của nông dân.
Nhưng năm nay, sương mù đặc biệt tồi tệ.
Vào ngày 10/3, cơ quan y tế Thái Lan báo cáo trong 9 tuần đầu tiên của năm, hơn 1,3 triệu người đã mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí. Trong đó, gần 200.000 trường hợp được ghi nhận trong tuần đầu tiên của tháng 3.
Ở Chiang Rai, sương mù dày đặc đến mức che khuất những ngọn núi nổi tiếng trong khu vực, và những tán lá xanh tốt chuyển thành màu xám. Từ góc quay trên cao, các tòa nhà, công viên và đường phố đều bị sương mù che phủ.
Nồng độ bụi mịn PM 2.5 cũng tăng vọt. Hôm 27/3, truyền thông địa phương đưa tin huyện Mae Sai - phía bắc tỉnh Chiang Rai - ghi nhận nồng độ bụi mịn PM2.5 gấp 76,3 lần so với giá trị chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), theo IQAir.
Tiếp xúc với bụi mịn có thể gây bỏng, ngứa, ho và tức ngực. Những triệu chứng này càng trầm trọng ở những người có tiền sử bệnh tim hoặc phổi.
Tại Chiang Rai, chính quyền địa phương đã triển khai xe cứu hỏa phun nước vào không khí, nhưng đó chỉ là một biện pháp ngắn hạn. Các nhà chức trách cảnh báo kịch bản nghiệt ngã sẽ còn kéo dài trong những ngày tới.
Hôm 27/3, khoảng 200 người ở quận Mae Sai, Chiang Rai, đã biểu tình bên ngoài văn phòng chính quyền địa phương yêu cầu hành động.
"Ngày nay, người dân Mae Sai sống trong cảnh khốn cùng. Cả già lẫn trẻ đều sống trong khó khăn", Somyot Nittayaroj, một trong những người biểu tình, nói. Anh cho biết thêm tình trạng sương mù trở nên tồi tệ hơn trong 2-3 năm qua.
Vào ngày biểu tình, chất lượng không khí ở các khu vực của Chiang Rai cao hơn gần 125 lần so với giới hạn an toàn của WHO.
Một phóng viên của Thai PBS tại Chiang Rai cũng thực hiện một cuộc khảo sát ngẫu nhiên ngày 30/3 tại các cửa hàng thiết bị điện và được biết rằng họ đã hết máy lọc không khí.
Cuối tuần qua, những tấm biển ghi “Hãy cứu lấy Mae Sai” đã được treo khắp các nơi công cộng.
Một số người biểu tình cho rằng Thái Lan nên đàm phán với Myanmar và các quốc gia láng giềng khác để ngăn chặn tình trạng đốt rác nông nghiệp góp phần gây sương mù. Dữ liệu vệ tinh cho thấy nhiều điểm nóng cháy rừng nằm ở Myanmar và Lào. Các đám cháy cũng được phát hiện ở Campuchia.
Tuy nhiên, phần lớn tình trạng ô nhiễm vẫn bắt nguồn từ khu vực trong nước. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã chỉ đạo các nhà lập pháp truy bắt thủ phạm gây cháy rừng và áp dụng luật hạn chế đốt rác nông nghiệp. Song những biện pháp này rất khó triển khai vì đối với nông dân, đây là phương pháp giải phóng mặt bằng dễ và rẻ nhất.