Chúng tôi biết đến K’Jona khi về làng dệt thổ cẩm Đam Pao (xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) ghi nhận sự phát triển của làng nghề . K’Jona là người thường xuyên thiêu thụ sản phẩm cho các nghệ nhân dệt thổ cẩm tại đây, chính cách làm này được xem là "cứu tinh" của nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Clip: Chàng trai K'Jona kết hợp vải thổ cẩm với các chất liệu vải khác nhau để tạo nên những bộ trang phụ ấn tượng, tạo ra một hướng đi mới cho nghề dệt thổ của người K'Ho.
Gặp K’Jona trong chính cửa hàng của chàng trai người K’Ho (nhánh Mạ) này tại TP. Đà Lạt, phóng viên thấy sự chuyên nghiệp của chàng trai này. Những bản thiết kế trang phục vẽ bằng tay, những hạt cườm, đá được đính thủ công lên những chiếc váy kết hợp thổ cẩm với chất liệu vải hiện đại rất cuốn hút người xem.
K’Jona cho biết, anh sinh ra và lớn lên tại vùng quê đa số người dân tộc thiểu số Đạ Ploa (huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng). Ngày còn nhỏ, anh thường thấy các mẹ, các dì quay tơ, dệt vải nên anh rất thích nghề làm thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Cứ ngày qua ngày, đam mê thổ cẩm lại càng lớn dần trong chàng trai này. Đến khi học lớp 6, K’Jona lại thấy mình có năng khiếu hội họa, anh đã vẽ rất nhiều.
"Mặc dù ba mong muốn mình học ngành y, tuy nhiên mình đã đi theo sự đam mê riêng. Mình quyết định học thiết kế thời trang tại khoa Thiết kế thời trang, trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Sau khi tốt nghiệp năm 2011, mình đã sang Malaysia làm trợ lý cho nhà thiết kế Ridzuan Bohari tại thủ đô Kuala Lumpur.
Tại Malaysia, anh cùng nhà thiết kế Ridzuan Bohari đã tham gia nhiều tuần lễ thời trang tại Kuala Lumpur (Kuala Lumpur Fashion Week) vào các năm 2013, 2014, 2016 và tuần lễ thời trang Malaysia 2015 (Malaysia Fashion Week 2015)… Thế nhưng, trong thâm tâm K'Jona vẫn mong muốn làm gì đó cho dân tộc mình, cho bản thân mình. "Điều mình mong muốn nhất vẫn là nâng tầm sản phẩm thổ cẩm của dân tộc, của bản làng nơi mình sinh ra và lớn lên. Vì vậy, mình đã từ bỏ mức lương hơn 30 triệu đồng để về Việt Nam lập nghiệp" - K’Jona chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, nhà thiết kế K’Jona cho biết, gần 10 năm sống và làm việc tại Malaysia đã giúp anh tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm, cách làm việc chuyên nghiệp trong lĩnh vực thiết kế thời trang. Chính vì vậy, năm 2019 khi về Việt Nam, anh đã ấp ủ để rồi tháng 4/2020 đã mở cửa hàng áo cưới. Sau khi ổn định công việc, K’Jona bắt đầu lên ý tưởng cho những bộ trang phục kết hợp vừa hiện đại và truyền thống, giữa thổ cẩm với các chất liệu vải khác nhau.
Bên những trang phục do chính mình thiết kế, K’Jona cho hay: "Những bộ váy cưới, trang phục dạ hội hay váy thì rất bình thường, tôi muốn tạo điểm nhấn bởi những họa tiết thổ cẩm với các loại chất liệu khác như cotton, vải lưới, vải voan, nhung, nỉ, da, vải tafta. Thế nhưng, cách phối hợp này phải hài hòa, có điểm nhất và rất nhẹ nhàng bởi thổ cẩm truyền thống của người K’ho rất thô, cứng. Chính vì vậy, những sản phẩm của tôi luôn được giới trẻ đánh giá là độc đáo, khó tìm và rất bắt mắt".
Tâm sự với phóng viên, K’Jona chia sẻ, thời gian qua ngoài Đam Pao (xã Đạ Đờn) anh còn lang thang khắp các buôn làng như Păng Tiêng (xã Lát), Đưng K’Nớ (huyện Lạc Dương) để tăng sự đa dạng cho các chi tiết thổ cẩm trong bộ sưu tập của mình. K’Jona tâm niệm, càng làm đa dạng sản phẩm, bộ sưu tập của mình thì thổ cẩm của người dân địa phương sẽ được tiêu thụ được nhiều, nghề truyền thống sẽ không bị mai một mà ngày càng phát triển.
"Hiện nay, các sản phẩm thổ cẩm phối hợp với các chất liệu vải khác nhau của mình chủ yếu cung cấp cho phái nữ. Đến nay, sản phẩm của tôi đã được các khách hàng tại Mỹ, Canada hay Malaysia đặt hàng, sử dụng. Đây là một tín hiệu đáng mừng, thế nhưng mục tiêu của tôi còn lớn hơn. Trong thời gian tới tôi sẽ tìm hiểu để kết hợp với một số của hàng ở nước ngoài để trưng bày sản phẩm, để thổ cẩm của mình được làn tỏa, nhiều người biết đến hơn.
Kế hoạch 5 năm nữa, tôi sẽ xây dựng được kênh phân phối trang phục kết hợp các chi tiết thổ cẩm lớn hơn. Đặc biệt, tôi đang xây dựng kế hoạch phân phối, giới thiệu sản phẩm thổ cẩm tại quê nhà Đạ Huoai, tại đây có rất nhiều du khách, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh. Đây sẽ là cơ hội để thổ cẩm địa phương vươn tầm, phát triển hơn nữa", K’Jona nói về dự định của mình trong tương lai.
Đối tượng khách hàng mà K’Jona hướng đến là khách du lịch nước ngoài và các bạn trẻ thích phong cách "độc lạ". Theo K’Jona, hiện có rất nhiều các cặp đôi thuê hoặc đặt may những bộ váy cưới có kết hợp thổ cẩm để tạo nên những bộ ảnh cưới độc đáo, đáng nhớ. Hay những buổi tiệc cưới, dạ hội thì trang phục kết hợp thổ cẩm cũng được sử dụng rất nhiều.
"Tôi mong muốn việc làm, cách kết hợp thổ cẩm của mình sẽ một phần nào đó giúp cho những nghệ nhân, người dệt thổ cẩm giữ được nghề truyền thống của ông cha. Hơn thế nữa, tôi muốn nâng tầm thổ cẩm đi xa hơn, cao hơn, không chỉ mang tính chất buôn làng, làng nghề. Thổ cẩm phải là sản phẩm đặc trưng của Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Sản phẩm này cũng làm tăng thêm sức hút, sự đa dạng của du lịch, phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập cho người dân tộc thiểu số", nhà thiết kế K’Jona chia sẻ.