Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2016 đến nay, Hội Nông dân huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã triển khai mô hình "đàn dê thoát nghèo". Để có nguồn kinh phí mua tặng dê giống cho hội viên nghèo trên địa bàn huyện Chư Sê, Hội Nông dân huyện đã vận động các hội viên đóng góp.
Khi triển khai mô hình này, mỗi hội viên nghèo sẽ được nhận 4 con dê sinh sản. Khi đàn dê phát triển từ 10 con trở lên, các hộ được nhận phải hoàn trả lại số lượng dê ban đầu đã cấp để tiếp tục cấp cho các hội viên khó khăn khác.
Gia đình ông Văn Ngọc Toàn (trú tại thôn O Grưng, xã Ia Ko, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) trước đây thuộc hộ nghèo của xã. Thời gian đầu, ông mua 3 sào đất của người địa phương để trồng cà phê xen canh với 100 trụ tiêu. Tuy nhiên, trong quá trình canh tác, do ảnh hưởng bởi thời tiết thất thường nên tiêu và cà phê đạt năng suất thấp, số ít bị nhiễm bệnh chết khiến gia đình ông lao đao. Trước tình hình đó, vào năm 2021 thì Hội Nông dân huyện Chư Sê đã trao tặng cho gia đình ông 4 con dê.
Với khát vọng của mình, ông Toàn đã học hỏi kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc, các bệnh thường gặp ở loài động vật này ở các lớp tập huấn do các cấp hội nông dân tổ chức và trên các trang mạng xã hội và các hộ lân cận.
Sau hơn hai năm, đàn dê sinh trưởng và phát triển ổn định. Gia đình ông đã bán được 5 con dê thịt. "Hiện tại, bầy dê của tôi còn 12 con lớn, nhỏ. Nhờ chăn dê thuận lợi mà gia đình tôi đã thoát khỏi đói nghèo, đời sống ngày càng đi lên. Ngoài ra, tôi đã lấy số tiền từ việc bán dê để sửa chữa lại chuồng trại và mua thêm giống gia cầm để chăn nuôi, cải thiện thêm thu nhập", ông Toàn bộc bạch.
Giống như ông Toàn, anh Siu Bur (trú tại thôn O Bung, xã Ia Ko, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) cũng được trao tặng 4 con dê từ chương trình "Đàn dê thoát nghèo" vào năm 2021. Sau đó, gia đình anh đầu tư xây dựng chuồng trại, mua giống cỏ về trồng để chăn nuôi dê.
"Từ 4 con dê được hỗ trợ, số đàn tăng khoảng 10 con. Với mức giá từ 80 - 100 ngàn đồng/kg hơi đã giúp gia đình tôi có nguồn thu ổn định và đã vươn lên thoát nghèo", anh Bur chia sẻ.
Ông Nguyễn Duy Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Ko (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) cho hay, so với các loài động vật khác thì nuôi dê đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Thức ăn của dê là cỏ, lá cây các loại và phụ phẩm nông nghiệp nên dễ tìm nguồn thức ăn ngoài tự nhiên và dê cũng ít bị bệnh. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ của loài động vật này ổn định, lại cho thu nhập quanh năm.
"Đã có nhiều hộ dân trên địa bàn xã thoát nghèo từ mô hình này. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình trên địa bàn để giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững", ông Khánh cho hay.
Theo thống kê của Hội Nông dân huyện Chư Sê, hơn 7 năm qua, các cấp Hội trong huyện đã trao tặng, luân chuyển 105 con dê theo mô hình "Đàn dê thoát nghèo". Từ đó, nâng tổng số đàn dê lên thành 155 đàn với 930 con dê sinh sản. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là hơn 1,5 tỷ đồng. Mô hình này cũng đã giúp đỡ cho 84 hộ hội viên vươn lên thoát nghèo, trong đó 47 hộ hội viên là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Hữu Tỵ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) cho biết, mô hình "Đàn dê thoát nghèo" đã mang lại hiệu quả, qua đó giúp cho nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu chính đáng. Ngoài ra, nó còn tạo cú hích cho các hộ dân khác mạnh dạn đầu tư nuôi dê.
"Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục phát triển, luân chuyển, nhân rộng mô hình "Đàn dê thoát nghèo" cho các hộ hội viên nghèo trên địa bàn huyện để giúp họ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững", ông Tỵ thông tin thêm.
CLIP: Hội viên nông dân ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) chăm sóc đàn dê sinh sản. Mô hình nuôi dê sinh sản đang giúp nhiều hộ nông dân ở đây vươn lên thoát nghèo, tăng thu nhập.