Đa Nhĩ Cổn là con trai thứ 14 của Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích, sinh ngày 25/10 năm Vạn Lịch thứ 40 nhà Minh (17/11/1612 dương lịch), là em khác mẹ với Thái Tông Hoàng Thái Cực.
Theo ghi chép, Đa Nhĩ Cổn có tướng mạo giống Nỗ Nhĩ Cáp Xích nhất nên được yêu mến, thậm chí người sáng lập Hậu Kim còn từng có ý cho người con trai thứ 14 này kế vị chức Hãn của mình. Nhưng năm 1626, Nỗ Nhĩ Cáp Xích qua đời, mẹ của Đa Nhĩ Cổn bị bức phải tự tử. Đa Nhĩ Cổn chưa đầy 15 tuổi, đương nhiên không thể có sức để tranh đoạt ngôi Hãn.
Thời Hoàng Thái Cực, với tài năng và sự trung thành, Đa Nhĩ Cổn đã vượt qua các anh em khác để trở thành nhân vật quyền lực bậc nhất trong triều, được phong làm Nhuệ Thân Vương, nắm quyền Chính Bạch Kỳ, tham gia việc quốc gia đại sự và lấy em của Trang phi làm vợ.
Khi Hoàng Thái Cực mất, lại xảy ra tranh ngôi vị, nhanh chóng hình thành hai phái đối lập nghiêm trọng, giữa Đa Nhĩ Cổn và Túc thân vương Hào Cách - con trai trưởng của Hoàng Thái Cực. Hai bên đều nắm nhiều binh quyền, nhất thời bị kích động, không ai chịu kém. Nhưng lại không dám động binh đao, do không nắm được phần thắng.
Cuối cùng, trong hội nghị Ngũ đại thần, Đa Nhĩ Cổn đã từ chối lên kế vị và đề nghị Phúc Lâm là con trai thứ 9 của Hoàng Thái Cực kế vị, đồng thời bản thân mình và Trịnh thân vương Tế Nhĩ Cáp Lang cùng làm phụ chính. Đề nghị này đã đạt được sự đồng thuận các bên, tránh sự tàn sát lẫn nhau trong nội bộ Thanh triều, nhất là khi thời khắc sụp đổ của nhà Minh đã tới.
Đa Nhĩ Cổn tuy không làm Hoàng đế, nhưng cũng đập tan giấc mơ của đối thủ chính trị Hào Cách, tăng cường mạnh mẽ quyền lợi và địa vị của bản thân, trở thành người thống trị thực sự của vương triều Mãn Thanh.
Mấy tháng sau, Đa Nhĩ Cổn nhanh nhạy nắm thời cơ, nhận sự thỉnh cầu của Ngô Tam Quế tổng binh Sơn Hải Quan triều Minh, đích thân dẫn đại binh vào Trung Nguyên, đánh bại nghĩa quân nông dân do Lý Tự Thành lãnh đạo, thẳng tiến chiếm Bắc Kinh.
Tháng 9 năm Thuận Trị thứ nhất (1644), Đa Nhĩ Cổn đưa Hoàng Thái hậu và Hoàng đế nhỏ Phúc Lâm vào Bắc Kinh nắm Trung nguyên, hiện thực hóa giấc mơ của Nỗ Nhĩ Cáp Xích và Hoàng Thái Cực. Đa Nhĩ Cổn có vai trò quan trọng trong lịch sử thay đổi hai triều Minh Thanh, quyền lực và địa vị ngày càng cao. Từ "Thúc phụ nhiếp chính vương" lên "Hoàng thúc phụ nhiếp chính vương", cho tới "Hoàng phụ nhiếp chính vương" như Thái thượng hoàng rồi. Nhưng Đa Nhĩ Cổn rất hiểu chuyện nên thường xuyên nhắc các đại thần không chỉ nghe theo mình, mà còn cần tôn trọng triều đình và tận trung với Hoàng đế.
Đa Nhĩ Cổn lập đại công, quyền bính nghiêng ngả triều đình, nhưng lại không trường thọ. Tháng 11 năm Thuận Trị thứ 7 (1650), Đa Nhĩ Cổn đi săn và bệnh mất vào ngày 9/12 (tức 31/12/1650 dương lịch), thọ 39 tuổi. Khi linh cữu về Bắc Kinh, Thuận Trị hoàng đế đích thân dẫn đại thần ra thành quỳ đón.
Tuy nhiên, tới tháng 2 năm Thuận Trị thứ 8 (1651), những phe phái và đại thần ngày trước bị Đa Nhĩ Cổn đè nén, cùng nhau liên thủ, nói Đa Nhĩ Cổn chuyên quyền, có mưu đồ làm phản. Thuận Trị vừa mới đích thân nắm quyền đã hạ chiếu, hủy bỏ tất cả vinh quang của Đa Nhĩ Cổn, phá lăng mộ, chặt đầu đem thị chúng. Chỉ trong vòng 2 tháng, danh tiếng của Đa Nhĩ Cổn mất sạch. Tới năm Càn Long thứ 43 (1778), hơn 100 năm sau, Đa Nhĩ Cổn mới được phục hồi lại thanh danh.