Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia (KNQG), từ năm 2017 đến nay, đơn vị đã xây dựng hơn 100 mô hình cơ giới hoá phục vụ sản xuất nông nghiệp đại điền. Các mô hình đều có mục tiêu "giảm chi phí, giảm thất thoát, giảm phác thải" và "tăng năng suất lao động, tiết kiệm và nâng cao hiệu suất sử dụng vật tư đầu vào", tạo sản phẩm có quy mô sản xuất lớn, có dư địa thị trường và phải được cấp mã số vùng trùng, truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chất lượng.
Nổi bật đó là xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ tại các tỉnh phía Bắc. Trong đó, 36 mô hình áp dụng cơ giới hoá tại 13 tỉnh, thành phố phía Bắc: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế.
Xây dựng 36 mô hình tổ chức quản lý sản xuất, liên kết HTX với doanh nghiệp từ sản xuất - thu hoạch - chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đại diện HTX, doanh nghiệp tạo liên kết chuỗi trong sản xuất, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Thành lập được 24 Tổ dịch vụ cơ giới hoá, tổ chức sản xuất 36 mô hình (30 – 50ha/mô hình), quy mô 1.840 ha với 7.580 hộ nông dân tham gia, bình quân các mô hình cho lợi nhuận cao hơn sản xuất đại trà là 6,5 - 6,8 triệu đồng/ha.
Trong đó, lợi nhuận tăng do sử dụng mạ khay, cấy máy chiếm 28%; Giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật và công phun thuốc 10%; Tăng năng suất và giá bán là 62%.
Theo đó, Tổ dịch vụ cơ giới hóa đã làm dịch vụ mở rộng được 15.200 ha, giảm tối thiểu 13% giá dịch vụ mạ khay máy cấy so với giá dịch vụ cùng loại tại địa phương, đem lại lợi nhuận cho nông dân trên 135 tỷ đồng. Hoạt động của Tổ dịch vụ còn góp phần tích cực vào công cuộc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, khắc phục tình trạng thiếu lao động trầm trọng lúc thời vụ.
Bên cạnh đó, Trung tâm KNQG đã xây dựng 6 mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý gốc rạ trên đồng ruộng vụ xuân phục vụ sản xuất lúa vụ mùa với qui mô 600 ha; 6 mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh sản xuất phân hữu cơ sinh học từ rơm rạ và từ chăn nuôi gà, lợn; 4 mô hình ứng dụng phân bón hữu cơ sản xuất rau ướng hữu cơ và 6 mô hình sản xuất 150 ha lúa hữu cơ, quy mô 15 ha/mô hình trở lên, giảm chi phí phân bón, hiệu quả kinh tế tăng 10% so với sản xuất đại trà. Đồng thời làm tốt công tác huấn luyện đào tạo và truyền thông.
Ngoài việc xây dựng các mô hình trình diễn, Trung tâm KNQG đã tổ chức 7 Diễn đàn, toạ đàm về chủ đề "cơ giới đồng bộ" trong sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh phía Bắc, đã thu hút gần 40 lượt tỉnh/thành tham dự với gần 1.400 đại biểu tham gia; đồng thời phối hợp với truyền thông đại chúng tuyên truyền trên 300 tin, bài, phóng sự về vai trò, ý nghĩa cũng như hiệu quả của cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá… góp phần thúc đẩy việc áp dụng cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp được mở rộng.
Đánh giá kết quả triển khai các mô hình cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp đại điền, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm KNQG cho biết, từ hiệu quả của các mô hình đã góp phần khắc phục sự dàn trải, manh mún, đồng thời khẳng định và chứng minh được tính hiệu quả, ưu việt khi tích tụ ruộng đất để áp dụng cơ giới hoá đồng bộ vào sản xuất, gắn với quy chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng sản phẩm.
Cùng với đó, giúp nâng cao nhận thức, kiến thức cho nông dân về phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết, thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả, chuyển sang đầu tư sản xuất liên kết, liên doanh, hợp tác để để nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo, tăng khả năng cạnh tranh, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Đồng thời nâng cao nhận thức cho bà con nông dân về thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất lúa, lợi ích của việc cơ giới hóa vừa giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, vừa giảm chi phí, bảo đảm được hiệu quả sản xuất, đồng thời giảm tổn thất, nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm.