Sâu bệnh gây hại "tấn công" lúa xuân
Vụ xuân năm 2023, tỉnh Nam Định gieo cấy 71.200 ha lúa. Phấn đấu năng suất đạt 68 tạ/ha trở lên; sản lượng lúa đạt 487.000 tấn trở lên, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 75% sản lượng.
Theo Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định, những ngày vừa qua do ảnh hưởng của không khí lạnh, có mưa phùn kéo dài, trời âm u, ẩm độ không khí cao đã tạo thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại.
Hiện nay, bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện với tỷ lệ bệnh nơi cao từ 5 - 7% trên giống nhiễm (BC15, Nếp Đài Loan, Nếp Nhung, Đài thơm 8…) tại xã Nghĩa Lợi, Nghĩa Bình (huyện Nghĩa Hưng); xã Giao Nhân, Giao Tiến (huyện Giao Thủy)… Dự báo bệnh sẽ tiếp tục lây lan và gây hại mạnh trên giống nhiễm trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, sâu cuốn lá nhỏ lứa 1 trưởng thành đã xuất hiện rải rác ở các địa phương trong tỉnh như xã Giao Hải, Giao Tiến (huyện Giao Thủy), xã Thọ Nghiệp (huyện Xuân Trường), xã Nghĩa Tân, Nghĩa Lợi (huyện Nghĩa Hưng…).
Nơi cao 1 - 2 con/m2, cục bộ 5 - 7 con/m2, mật độ trứng và sâu non tuổi 1 nơi cao 20 - 40 con+quả/m2, cục bộ 100 - 150 con+quả/m2. Mật độ sâu cao hơn cùng kỳ năm trước, sâu non nở rộ từ ngày 4 - 7/4 gây hại cục bộ diện lúa tốt sớm, ven làng phía Nam tỉnh.
Ông Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định cho biết, hiện nay ngoài bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ thì bệnh rầy lưng trắng cũng đã xuất hiện với mật độ thấp, nơi cao 50 - 100 con/m2; bệnh khô vằn xuất hiện trên diện tích lúa tốt sớm, dự báo sẽ lây lan nhanh trong thời gian tới.
"Hiện nay, toàn tỉnh Nam Định có 224 ha nhiễm lúa cỏ tập trung tại các huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng, Xuân Trường... Ngoài ra, đối tượng chuột gây hại rải rác, nơi cao 3 - 5%, mức độ gây hại cao hơn cùng kỳ năm trước", ông Chính thông tin thêm.
Chủ động phòng trừ sâu bệnh trên lúa
Trước tình hình trên, để đảm bảo giành kết quả cao trong sản xuất lúa vụ Xuân 2023, ông Trần Ngọc Chính đề nghị các địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, điều tra phát hiện, xác định những diện tích có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh cao để tổ chức phòng trừ kịp thời theo nguyên tắc "4 đúng".
Đối với bệnh đạo ôn lá, không bón thêm phân đạm, không phun phân bón lá, thuốc kích thích sinh trưởng cho những diện tích đã nhiễm bệnh. Dùng thuốc đặc hiệu để phòng trừ khi bệnh chớm xuất hiện, nhất là các giống nhiễm như BC15, Nếp, Khang dân18, TBR225, Q5, QR1, Thiên ưu 8, Đài thơm 8, Phúc Thái 168...
"Với bệnh khô vằn, cần phát hiện và phun trừ cho những diện tích lúa tốt khi bệnh chớm xuất hiện. Riêng, bệnh sâu cuốn lá nhỏ lứa 1, phun trừ sâu tập trung từ ngày 5 - 8/4 cho những diện tích lúa tốt sớm, ven làng có mật độ sâu ≥20 con/m2", ông Chính lưu ý.
Ông Chính khuyến cáo thêm, do sâu cuốn lá nhỏ phân bố cục bộ, diện gây hại hẹp nên chỉ phun trừ khi sâu lộ tuổi 2, 3; tránh phun thuốc tràn lan gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn người dân tăng cường điều tra, phát hiện lúa cỏ (lúa ma, lúa dại - PV) để nhổ bỏ bằng tay, đây là công việc rất hiệu quả để tiêu diệt nguồn lây lan.
Ngoài ra, tích cực diệt chuột bằng các biện pháp, chú trọng biện pháp thủ công như đào bắt kết hợp với các loại bẫy. Tuyệt đối không dùng điện và các biện pháp dễ gây nguy hiểm cho người, vật nuôi để diệt chuột.