Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) vừa cho biết sẽ có cuộc thanh tra toàn diện TikTok tại Việt Nam trong thời gian tới. Theo số liệu của DataReportal, tính đến tháng 2, Việt Nam xếp thứ 6 trong top 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới với khoảng 49,9 triệu người dùng.
Tuy sở hữu số lượng người dùng lớn và mới bùng nổ vài năm trở lại đây, nhưng TikTok liên tục vướng vào lùm xùm khi xuất hiện nội dung xấu độc như phim ngắn phản văn hóa, dung tục, các thông tin sai sự thật, truyền bá mê tín dị đoan, nhiều nội dung cổ xúy hành vi phạm tội.
Sáng 4/4, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, việc Bộ TTTT có cuộc thanh tra toàn diện TikTok tại Việt Nam trong thời gian tới là rất cần thiết.
Theo ông Nam, TikTok đang rất thịnh hành tại Việt Nam. Bên cạnh những thông tin giải trí hữu ích thì có không ít người đưa thông tin sai lệch, xấu độc, phản cảm, dung tục, mê tín dị đoan… ảnh hưởng tới giới trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ và học sinh.
"TikTok hay bất kỳ nền tảng mạng xã hội nào cũng có rất nhiều nguy cơ về thông tin sai lệch, thông tin độc hại không phù hợp với lứa tuổi, lan truyền những thông tin sai trái. Thời gian qua, TikTok đang nổi lên với giới trẻ, thậm chí khoảng 9-14 tuổi là nhóm sử dụng mạng xã hội này nhiều nhất.
Mạng xã hội thịnh hành này quy định rõ độ tuổi của người dùng TikTok là từ người đủ 13 tuổi trở lên nhưng những người dưới tuổi này cũng đã tham gia. Có những người làm clip lan truyền rất nhiều nội dung không chuẩn mực, tạo sự kịch tính làm cho bộ phận giới trẻ, nhận thức sai lệch về cuộc đời, trẻ nhỏ không có thông tin chính thống khi tiếp cận sẽ bị ảnh hưởng", ông Nam nhấn mạnh.
Theo ông Nam, có nhiều "chuyên gia hướng nghiệp TikTok, chuyên gia chữa bệnh TikTok…" chẳng có bằng chứng khoa học nào nhưng có lượng view cực lớn, ảnh hưởng cộng đồng. Nhiều chế độ ăn uống chẳng nghiên cứu về dinh dưỡng gì đã đẩy không ít người hiểu sai lệch vấn đề.
"Ví dụ, người đăng TikTok chỉ đưa 1 phần nội dung của câu chuyện làm cho người khác không nhìn thấy đầy đủ bản chất sự việc gây hoang mang, thậm chí chỉnh sửa loại bỏ bối cảnh… Ở nền tảng khác, việc này cũng có nhưng với TikTok cho phép các loại video ngắn, công cụ chỉnh sửa cho lên TikTok rất dễ, miễn phí. Nhiều người dựng những thông tin đó một cách đầy kịch tính, không đúng đắn. Khi người trẻ không được trang bị dễ tin thụ động. Điều này khiến không riêng gì Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới không khỏi lo lắng, có nơi đã cấm hay hạn chế TikTok vì lo ngại bảo mật", ông Nam nhấn mạnh.
Chuyên gia giáo dục cho rằng, ngay cả người lớn vì nhu cầu thư giãn cũng dễ nghiện TikTok, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng công việc trong cuộc sống thực. Vì thế, cần phải có những hình thức để quản lý cả về thời gian, độ tuổi.
"Không biết những khảo sát của Google chính xác đến mức nào nhưng Google Việt Nam đã đưa ra khuyến cáo 9 tuổi các em đã vào mạng xã hội nhưng đến 13 tuổi các em mới được trang bị các kỹ năng cơ bản về sống an toàn trên môi trường mạng. Đây là điều rất nguy hiểm bởi giờ truy cập vào mạng quá dễ luôn", ông Nam nêu quan điểm.
Trước những ảnh hưởng của TikTok trong giới trẻ, đặc biệt với trẻ nhỏ hiện nay, ông Nam cho rằng, ở nhiều như các quốc gia đã có biện pháp hạn chế một phần hoặc cấm luôn mạng xã hội này. Chính CEO TikTok cũng đã phải điều trần trước quốc hội Mỹ cũng nhiều vấn đề.
Một trong những lo ngại lớn nhất của giới chức Mỹ là việc quản lý dữ liệu của TikTok. Nền tảng mạng xã hội này bị nghi đánh cắp thông tin người dùng. CEO TikTok cũng thừa nhận không cho con dùng TikTok. Bản thân người làm họ cũng đã ý thức được nguy cơ nhưng họ lại kiếm tiền trên sự chú ý của những đứa trẻ ở các quốc gia khác, làm cho tư tưởng mọi người lệch lạc…", ông Nam nhấn mạnh.
PGS Trần Thành Nam cho hay, ở quốc gia khởi nghiệp như ở Việt Nam, phát triển công nghệ nhưng giờ ai cũng muốn trở thành những TikToker kiếm tiền, livestreamer bán hàng kiếm tiền thì làm gì khuyến khích ai học hành, phấn đấu nữa.
"Trong Quyết định số 830/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025" có sự kết hợp của 4 Bộ: Bộ TTTT, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục – Đào tạo để tham gia bảo vệ giới trẻ, các chiến lược ấy cũng đã áp dụng cho TikTok. Mạng xã hội khi vào quốc gia nào phải tuân thủ nét văn hoá của quốc gia đó như thuần phong mĩ tục… phải chịu trách nhiệm về mặt văn hoá để đảm bảo phát triển lành mạnh của người trẻ", ông Nam nói thêm.
TikTok là nền tảng video ngắn chủ động phân phối nội dung theo thuật toán tới người xem. Trong khi những nền tảng khác như Facebook, YouTube cung cấp nội dung dựa trên nhu cầu của người dùng.
Theo đại diện Bộ TTTT, Bộ sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm. Bộ cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng áp dụng nhiều giải pháp mạnh tay, triệt để.
Trong phiên chất vấn diễn ra hồi tháng 11/2022, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng từng cho biết Bộ sẽ thanh tra các nền tảng xuyên biên giới như TikTok về vấn đề quảng cáo. Bộ trưởng cũng thừa nhận vấn đề quảng cáo sai sự thật xuất hiện nhiều trên các nền tảng xuyên biên giới.