Thị trường rượu, bia online vẫn tỏ ra lộn xộn. Khảo sát của phóng viên Dân Việt cho thấy có khá ít website bán rượu đáp ứng được các quy chuẩn do các cơ quan chức năng ban hành. Không những thiếu cảnh báo về tác hại khi sử dụng rượu, một số gian hàng kinh doanh rượu còn đăng tải những dòng thông tin dễ gây hiểu lầm như một thứ thức uống có lợi cho tinh thần. Ví dụ như "Mạnh mẽ, hài hòa thanh lịch, nam tính với vẻ hào nhoáng đến nao lòng" – nội dung giới thiệu rượu Hennessy XO tại website Rượu ngoại giá sỉ; hay như quảng cáo rượu Chivas trên gian hàng website Rượu ngoại Anh Minh "mang đến những nốt hương mới và tương phản cho tinh thần".
Không chỉ lộn xộn ở mặt thông tin quảng cáo từ các nhãn rượu có thương hiệu. Trên internet còn tồn tại các hoạt động mua bán rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng dưới hình thức "rượu nhà làm", "rượu nấu truyền thống" như rượu thuốc, rượu nếp, rượu tẻ, rượu ngô, rượu nút lá chuối.
Hiện nay, dù các mặt hàng rượu trên 15 độ không còn bị cấm kinh doanh trên nền tảng internet, website. Nhưng để bán hàng mà không vi phạm, các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ chặt chẽ các quy định. Ví dụ như thực hiện biện pháp ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử.
Trong đó, quy định bắt buộc kênh bán hành phải kiểm soát khai báo tên, tuổi của người truy cập để hạn chế tiếp cận với người dưới 18 tuổi. Thông tin về sản phẩm rượu, bia trên website thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân bán rượu, bia cũng không được liên kết, quảng bá đến các tài khoản người dùng chưa đủ 18 tuổi.
Bên cạnh đó, nội dung quảng cáo cũng không được thể hiện các nội dung nhằm khuyến khích uống rượu, bia. Nghiêm cấm truyền tải thông tin rượu, bia có tác dụng tạo sự trưởng thành, thành đạt, thân thiện, hấp dẫn về giới tính. Đồng thời nội dung không được hướng đến trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai.
Tổ chức, cá nhân bán rượu, bia có trách nhiệm kiểm tra tuổi của người nhận hàng trong trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người đó, bảo đảm người nhận hàng phải từ đủ 18 tuổi trở lên khi giao hàng. Mặt khác, các thương nhân, tổ chức, cá nhân bán rượu trên môi trường mạng, còn cần phải đáp ứng các quy định tại Điều 6 Nghị định số 24/2020/NĐ-CP khi thực hiện thủ tục thông báo, đăng ký website/ứng dụng thương mại điện tử. Quy định về quảng cáo sản phẩm cũng được yêu cầu nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, thực trạng nêu trên cho thấy nhiều gian hàng thương mại điện tử kinh doanh rượu, bia còn chưa đáp ứng theo quy định, thể hiện sự thiếu tuân thủ. Dù theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định 117/2020/NĐ-CP hành vi vi phạm các quy định quảng cáo rượu bia sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với cá nhân, và 40 triệu – 60 triệu đồng đối với tổ chức.
Liên quan đến việc kiểm soát các gian hàng thương mại điện tử kinh doanh sản phẩm thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện (trong đó có rượu, bia) Cục thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương đã yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân thực hiện rà soát quy trình, biện pháp kiểm duyệt.
Yêu cầu này xuất phát từ nhiều phản ảnh về việc một số đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các sản phẩm thuộc danh mục nêu trên. Cục thương mại điện tử và Kinh tế số đề nghị các cơ quan vào cuộc ngăn chặn, loại bỏ các gian hàng, sản phẩm không đáp ứng các quy định pháp luật trên website và ứng dụng thương mại điện tử.
Tác hại của rượu, bia đối với các vấn đề xã hội như an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế là không phải bàn cãi. Đặc biệt, tiềm ẩn về nguy cơ sức khỏe con người còn phức tạp hơn nếu sử dụng những sản phẩm rượu, bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tuy vậy, để thực sự kiểm soát lại không hề đơn giản. Nhất là với thời bùng nổ của các gian hàng thương mại điện tử.
Trong đó, phải kể tới việc nhiều cá nhân bán rượu nhưng không có kho chứa hàng, sản phẩm không có hóa đơn chứng từ. Nhiều cơ sở có đăng thông tin mua bán rượu, bia nhưng không đăng ký nên cơ quan chức năng thiếu cơ sở quản lý. Chia sẻ với phóng viên, một số cán bộ quản lý thị trường cho rằng do quy định hiện hành về việc cấm quảng cáo rượu trên 15 độ cồn trên mạng xã hội còn lỏng lẻo nên việc xử lý còn nhiều vướng mắc.
Cụ thể, các hành vi vi phạm về quảng cáo rượu, bia, đã đặt ra trong một số nghị định xử phạt trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, quy định chỉ đặt ra phạm vi trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối mà không đề cập tới việc xử lý trên mạng xã hội.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng cần đặt ra các quy định cụ thể hơn về quảng cáo rượu, bia trên internet thay vì chung chung như hiện nay để ngăn chặn, thay vì đuổi theo vi phạm như hiện nay. Cùng với đó, lực lượng chức năng cần thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quyết liệt hơn đối với hoạt động quảng cáo, kinh doanh bia, rượu trên tất cả các phương tiện, nền tảng thuơng mại điện tử.