Hằng ngày, khi hoàng hôn buông xuống, dọc mé biển đường 3-2 nối dài, không khí bắt đầu trở nên nhộn nhịp. Hàng chục ngư dân tỏa ra từ các con kênh, ngã ba sông bắt đầu chuyến đi săn cá gỏi.
Anh Nguyễn Văn Bằng ở phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá, cho biết sau Tết Nguyên đán, khi cơn gió bấc bắt đầu thổi mạnh cũng là lúc những con cá biển như cá đối, cá gỏi… bơi vào gần bờ tìm bạn tình sinh sản. Những người làm nghề lưới cá gần bờ như anh cũng vào mùa làm ăn. Người thì giăng lưới, người đi câu gần như suốt ngày đêm để bắt cá.
“Hơn tháng trước tôi đi giăng lưới cá đối, giờ cá đối ít, tôi chuyển sang lưới cá gỏi. Sáng giờ tôi giăng lưới được gần chục ký. Tranh thủ cơm nước xong, nghỉ ngơi tí xíu tôi lại chạy xuồng đi giăng lưới tiếp” - anh Bằng nói.
Theo anh Bằng, nghề lưới cá gần bờ kéo dài từ khoảng tháng 11 đến tháng 5 âm lịch hằng năm, ngoài đánh bắt cá gỏi, cá đối còn có cả cá kèo. Thời điểm cá rộ nhất là sau Tết Nguyên đán đến hết tháng 3, nếu trúng mỗi ngày người dân có thể đánh lưới được 30-40kg cá, thậm chí nhiều hơn.
“Ðợt này cá gỏi vào bờ nhiều nên tôi kiếm cũng được kha khá. Cá gỏi thịt ngọt, ít xương nên chế biến được nhiều món, ngon nhất là làm gỏi. Hiện cá gỏi bán được 40.000 đồng/kg, chịu khó mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng” - anh Bằng nói.
Những người làm nghề lưới cá gỏi cho biết sáng sớm khoảng 5 giờ họ bắt đầu chạy xuồng ra biển tìm vị trí thuận lợi thả lưới, khoảng 3-4 giờ sau đi thăm. Cứ như vậy, lênh đênh suốt trên biển cho đến khi hết mùa.
Ngoài giăng lưới, ngư dân còn sáng tạo thêm hình thức bắt cá gỏi khá thú vị gọi là chạy cá gỏi. Họ dùng chiếc vỏ lãi dài, để đá một bên vỏ cho nghiêng lé đé mặt nước và nổ máy chạy liên lục. Khi vỏ đi trúng vào bầy cá gỏi, những con cá hoảng sợ nhảy lên khỏi mặt nước biển và rơi vào vỏ lãi lúc nào không hay.
Ông Nguyễn Thành Nam ở huyện Hòn Ðất, tỉnh Kiên Giang, chia sẻ: “Nếu chạy cá gỏi thì chỉ làm vào ban đêm, vì ban ngày bắt không được nhiều cá. Hình thức này khá đơn giản, chỉ cần đợi trời tối, treo thêm cái đèn để hắt ánh sáng xiên xuống một phần vỏ và mặt biển rồi nổ máy. Cá gỏi thấy ánh sáng sẽ lao vào, lúc đó chiếc vỏ chạy tới tạo tiếng động mạnh khiến chúng sợ, nhảy tứ tung và nhảy lên vỏ lãi”.
Theo ông Nam, nghề chạy cá gỏi thường mỗi người chỉ đi một vỏ, dễ giữ thăng bằng vì một mé vỏ nghiêng lé đé nước để đón cá. Do phải chạy xuyên đêm nên chi phí xăng dầu cao nhưng bù lại dính cá nhiều hơn. Mỗi đêm sau khi trừ chi phí ông Nam vẫn còn được vài trăm ngàn đồng để lo cho gia đình.
“Hôm nào chạy trúng cá thì làm suốt đêm, có được tiền nhiều. Hôm nào chạy đến nửa đêm mà thấy cá ít thì kiếm chỗ, tắt máy ngủ, sáng về sớm” - ông Nam cho biết.
Khi ánh nắng chiều tắt hẳn, cuộc trò chuyện với những người dân làm nghề lưới cá gần bờ gần cũng vào hồi kết. Lần lượt những người săn cá gỏi tháo dây neo, đội đèn pha lên đầu, nổ máy đưa chiếc vỏ lãi xé nước lao ra biển bắt đầu cuộc mưu sinh, đến rạng sáng mới vào bến mang cá bán cho thương lái. Thời gian chủ yếu họ ở trên mặt nước nhiều hơn trên bờ, đêm thì ngủ trên xuồng neo ngoài biển để tránh muỗi, ngày rút vào những tán cây bần, dừa nước ven các kênh, rạch, sông sát biển tránh nắng…
Ðến khi hết mùa gió bấc, họ lại tiếp tục lênh đênh trên các vùng biển xa hơn đi giăng lưới cá chẽm, cá vồ chó, không thì vào các con sông lớn giăng lưới cá lăng, cá vồ sông… Cứ như vậy, cuộc đời của những người làm nghề chài lưới trôi theo dòng nước để mưu sinh…