Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy của các nước, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình hữu nghị, vì hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới; Việt Nam không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam luôn trân trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp trên tinh thần Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga, luôn ghi nhớ sự giúp đỡ của nhân dân Nga dành cho nhân dân Việt Nam trong lúc khó khăn; quan tâm thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, trong đó có hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư, khoa học, kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch, thể thao… vì lợi ích của cả hai bên và gắn kết nhân dân hai nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nga D. Chernyshenko khẳng định, Chính phủ Liên bang Nga coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của mình tại khu vực; chia sẻ quan điểm của Việt Nam về việc tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, bảo đảm lợi ích của cả hai bên; bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục duy trì tiếp xúc, trao đổi nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc và đề xuất các biện pháp triển khai hợp tác song phương.
Ký thỏa thuận hợp tác công nghệ cao
Sáng 6/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Chính phủ Nga Dmitry Chernyshenko đồng chủ trì Khóa họp lần thứ 24 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học – kỹ thuật.
Tại Khóa họp, hai phân ban đã cùng nhau rà soát, tổng kết việc triển khai Biên bản Khóa họp lần thứ 23, đồng thời đề xuất, trao đổi và thống nhất các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư, khoa học – kỹ thuật, văn hóa – du lịch, cũng như kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong một số dự án hợp tác.
Về lĩnh vực kinh tế - thương mại, hai bên thống nhất triển khai có hiệu quả Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu, tạo điều kiện tiếp cận thị trường của nhau, nhất là các mặt hàng hai bên có thế mạnh và không cạnh tranh trực tiếp.
Về lĩnh vực giáo dục – đào tạo, hai bên thống nhất sớm ký Hiệp định trong lĩnh vực giáo dục trên cơ sở Hiệp định năm 2005, tổ chức Diễn đàn các hiệu trưởng đại học Việt Nam và Nga lần II, phối hợp trong công tác giảng dạy tiếng Việt và tiếng Nga.
Về lĩnh vực văn hóa - thể thao, hai bên thống nhất sẽ tổ chức Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam trong năm 2023, triển khai hiệu quả hơn nữa Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2022 – 2024, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thể thao thành tích cao…
Bên cạnh đó, hai Bên cho rằng, Ủy ban liên Chính phủ cần phát huy hơn nữa vai trò điều phối các dự án, thỏa thuận hợp tác giữa hai nước, tiếp tục đề xuất các hướng hợp tác mới, triển vọng như ứng phó với biến đổi khí hậu, chính phủ số, đáp ứng lợi ích chung của hai quốc gia; khẳng định việc chuẩn bị chu đáo cho các nội dung của Khóa họp cũng Biên bản Khóa họp lần thứ 24 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Nga sẽ đóng góp quan trọng đưa các thỏa thuận đi vào chiều sâu, thực chất.
Kết thúc Khóa họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Dmitry Chernyshenko đã ký Biên bản Khóa họp lần thứ 24 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học – kỹ thuật và thống nhất Khóa họp tiếp theo sẽ được tổ chức tại Nga vào năm 2024, chứng kiến Lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ cao.
Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Nga: Nga khẳng định là đối tác quốc tế đáng tin cậy
Trong khuôn khổ khóa họp đã diễn ra diễn đàn "Việt Nam – Liên bang Nga: Cơ hội hợp tác mới và các lĩnh vực tiềm năng" đã thu hút trên 200 doanh nghiệp hai nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Dmitry Chernyshenko bày tỏ: Đối với Liên bang Nga, Việt Nam luôn là một đối tác quan trọng hàng đầu tại Đông Nam Á. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia đầu tiên và duy nhất trong khu vực có Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu. Hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Liên bang Nga đã được hưởng những lợi ích đáng kể từ Hiệp định. Liên bang Nga và Việt Nam sẵn sàng thảo luận về các biện pháp mới để khai thác hiệu quả hơn nữa Hiệp định này.
Phó Thủ tướng Dmitry Chernyshenko khẳng định với các doanh nghiệp Việt Nam rằng Liên bang Nga là một đối tác quốc tế đáng tin cậy. Ưu tiên hàng đầu của Liên bang Nga là phát triển một nền kinh tế mở, hỗ trợ doanh nghiệp tự do kinh doanh. Doanh nghiệp Nga làm việc với các đối tác trên cơ sở tôn trọng các cam kết và nghĩa vụ trong hợp đồng, trung thực và cởi mở trong công việc.
Ngoài ra, Chính phủ Liên bang Nga ưu tiên các hướng phát triển mới trong lĩnh vực khoa học, giáo dục, công nghệ số, du lịch và sẵn sàng chia sẻ các thành tựu, cũng như công nghệ trong các lĩnh vực này trong các dự án chung của hai nước, Chính phủ Nga cũng đang nỗ lực giải quyết các vấn đề tồn tại trong vận tải và logistics để thúc đẩy hợp tác thương mại với các nước,đồng thời sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi và cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài phát triển tại thị trường Nga…
Ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu có hiệu lực năm 2016, thương mại song phương Việt Nam - Liên bang Nga đã bứt tốc mạnh mẽ, tăng gấp đôi giai đoạn 2016 - 2021, tương ứng với mức tăng trưởng thường niên khoảng 15% và đạt hơn 5,5 tỷ USD vào năm 2021.
Năm 2022, do tác động của nhiều yếu tố, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đã bị ảnh hưởng đáng kể. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, thương mại hai chiều năm 2022 đạt 3,55 tỷ USD giảm 35,4% so với năm 2021; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 1,55 tỷ USD, giảm 51,4%; nhập khẩu đạt 1,99 tỷ USD, giảm 13,2%.
Về đầu tư, tính đến tháng 3 năm 2023, Liên bang Nga có 171 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt trên 970 triệu USD, đứng thứ 28/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Các dự án đầu tư của Nga tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực khai khoáng với tổng vốn đăng ký đạt 531,2 triệu USD, chiếm 54,7% tổng vốn đăng ký đầu tư; tiếp theo là ngành dịch vụ với 203,7 triệu USD; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 131,2 triệu USD
Trong khi đó, Việt Nam hiện có 17 dự án đầu tư sang Liên bang Nga đang còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 1,63 tỷ USD. Nga là địa bàn đứng thứ 4 về vốn trên 78 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài, chiếm 7% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.