Cuối tháng 3, chúng tôi có chuyến công tác lên huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Tại thị trấn Sìn Hồ, đến thăm mô hình trồng dược liệu của HTX Mý Dao điều làm tôi ấn tượng hơn cả, đó là sâm đương quy - loài dược liệu không chỉ làm thuốc bổ cho sức khỏe con người mà còn được người dân nơi đây chế biến thành món ăn thơm ngon, bổ dưỡng.
Nói với tôi, anh Giàng Xuân Cường, Giám đốc HTX Mý Dao bảo, thị trấn Sìn Hồ nằm ở độ cao hơn 1.500 mét so với mực nước biển nên không khí mát mẻ quanh năm, rất phù hợp để trồng các loại cây dược liệu. Trong đó, cây sâm đương quy được bà con trồng nhiều nhất.
Lá, thân, rễ của cây sâm đương quy đều có thể làm thuốc. Dẫn tôi đi thăm vườn sâm đương quy trồng ngay sau nhà mình, anh Cường nhanh tay vặt một ít thân và lá sâm, tôi tò mò tiến lại hỏi "anh lấy về làm gì", anh nói "lát sẽ cho nhà báo thưởng thức món ăn đặc biệt khi đến Sìn Hồ".
Suốt đoạn đường từ vườn sâm đương quy về nhà anh Cường, trong đầu tôi chờ đợi món ăn mà anh Cường muốn nói tới là gì? Về đến nhà, anh Cường lấy miếng thịt treo gác bếp được gần 1 năm xuống. Quả thật, ban đầu nhìn miếng thịt đen sì sì, mùi vị cũng không có gì hấp dẫn.
Thấy vậy, anh Cường liền trấn an "nhà báo yên tâm đi, nhìn miếng thịt đen sì, không bắt mắt vậy thôi nhưng sau khi nướng lên, rửa với nước sạch, cạo hết phần đen, thái nhỏ rồi xào lên là thơm phưng phức ấy mà".
Sau khi thái miếng thịt treo gác bếp thành từng miếng nhỏ, anh Cường tiến hành rửa thân và lá sâm đương quy rồi thái phần thân dài khoảng 3 cm, lá thái nhỏ.
Đầu tiên anh Cường cho thịt vào chảo xào trước, thịt trước khi gác bếp đã được ướp sẵn muối nên anh chỉ cho thêm vài giọt nước mắm cho thơm. Xào thịt trên bếp khoảng 1 phút, anh bắt đầu cho sâm đương quy vào chảo, rồi đảo tay liên tục.
Tôi đứng cạnh anh Cường, thịt gác bếp xào không đã thơm nức rồi nhưng đến khi cho sâm đương quy vào xào cùng, hương vị của thịt và sâm hòa quyện vào nhau cho ra mùi hương thật khó tả. Anh Cường bảo, món này xào với lửa to chừng khoảng 5 phút là chín. Lúc anh Cường đổ ra đĩa, nếu ai như tôi là lần đầu tiên được nhìn cách chế biến món ăn này thì cứ ngỡ là rau cần nước vẫn hay ăn ở dưới xuôi.
Trước sức "hấp dẫn" của đĩa sâm đương quy xào thịt lợn gác bếp, tôi cùng người bạn đồng hành trong chuyến công tác đều mong được thưởng thức một món ăn đầy thi vị trên cao nguyên được ví như "Sa Pa thứ hai của Việt Nam". Và không chờ đợi lâu, một phần vì "tình cảm" với người bạn từ phương xa đến, anh Cường rót một chút riệu mời khách, đồng thời gắp thức ăn - gồm thịt, kèm sâm đương quy vào bát mời chúng tôi.
Anh Cường cũng không quên giới thiệu thêm, đây là thịt lợn đen treo gác bếp chứ không phải là thịt lợn trắng nên thịt lại càng thơm, ngon hơn. Quả đúng như lời anh nói, tôi đưa miếng thịt vào miệng, vị của nó béo ngậy, thơm của từng thớ thịt. Rồi tôi bắt đầu thưởng thức sâm đương quy xào, vị của nó thoang thoảng của vị thuốc, phần thân ăn giòn, mát. Bữa trưa hôm đó, đĩa thịt lợn treo gác bếp xào sâm đương quy là hết đầu tiên.
Theo Đông y, sâm đương quy có vị ngọt, hơi cay, mùi thơm, tính ôn; quy vào 3 kinh: Tâm, Can, Tỳ. Mỗi bộ phận cây đương quy đều có tác dụng chữa bệnh: quy đầu có tác dụng chỉ huyết, quy thân có tác dụng bổ huyết, quy vĩ có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, còn khi dùng toàn quy lại có tác dụng hòa huyết, vừa bổ huyết vừa hoạt huyết; ngoài ra còn có tác dụng nhuận táo, thông kinh, chỉ thống.
Chính vì vậy, Đương quy là một vị thuốc rất phổ thông trong Đông y dùng để chữa các chứng phụ nữ kinh nguyệt không đều, đau bụng khi thấy kinh, hay thiếu máu, xanh xao, chân tay đau nhức. Đương quy có mặt ở rất nhiều thang thuốc cổ điển như: Tứ vật, Bát vị, Thập toàn đại bổ. Bên cạnh đó, Đương quy còn được dùng làm gia vị vì có vị ngọt, hơi cay và có mùi thơm dễ chịu, ăn rất ngon. Và dưới đây là một số món ăn bổ dưỡng có mặt đương quy.