Việc Ukraine hoãn tái thiết có nguy cơ khiến đất nước rơi vào tình trạng tăng trưởng thấp, hoặc không tăng trưởng, và đối mặt với những thách thức xã hội to lớn sau khi chiến sự kết thúc
Nước Nga đang đẩy mạnh cuộc tấn công để bước vào năm thứ hai của cuộc chiến, nhưng nhiệm vụ tái thiết Ukraine đã dần rõ ràng hơn. Hàng trăm nghìn ngôi nhà, trường học, bệnh viện và nhà máy đã bị phá hủy cùng với các cơ sở năng lượng quan trọng và hàng dặm đường bộ, đường ray xe lửa và cảng biển.
Các ước tính ban đầu về chi phí xây dựng lại cơ sở hạ tầng vật chất Ukraine nằm trong khoảng từ 138 tỷ đô la đến 750 tỷ đô la.
Gần đây, khi Ngân hàng Thế giới công bố đánh giá thiệt hại mới nhất đối với Ukraine bị chiến sự tàn phá, họ thông báo rằng chi phí phục hồi và xây dựng lại đã tăng lên 411 tỷ đô la. Tuy nhiên, điều nó không nói lên rõ là ai sẽ chi trả cho điều đó.
Đối với Ukraine, câu trả lời có vẻ hiển nhiên: Tịch thu khoảng 300 tỷ đô la tài sản ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga mà các ngân hàng phương Tây đã đóng băng kể từ cuộc tấn công vào năm ngoái. Khi chiến sự tiếp diễn, ý tưởng này đã có được những người ủng hộ.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết điều cần thiết là phải duy trì hoạt động của chính phủ Ukraine, khu vực doanh nghiệp tư nhân và các nỗ lực phục hồi ngay cả trong bối cảnh các cuộc tấn công và giao tranh ác liệt ở miền đông đất nước. Ngân hàng này cho biết, việc Ukraine hoãn tái thiết có nguy cơ khiến đất nước "rơi vào tình trạng tăng trưởng thấp, hoặc không tăng trưởng và đối mặt với những thách thức xã hội to lớn sau khi chiến sự kết thúc".
Về nguyên tắc, rõ ràng là Nga phải trả tiền cho việc tái thiết Ukraine. Nhưng việc biến nguyên tắc đó thành thực tiễn là rất khó
Liên minh Châu Âu đã tuyên bố mong muốn sử dụng ngân quỹ của Điện Kremlin để chi trả cho việc tái thiết ở Ukraine. Với sự thúc giục của một số quốc gia Đông Âu và Baltic, khối này đã triệu tập một nhóm làm việc vào tháng trước để đánh giá khả năng lấy số tiền đó, cũng như tài sản bị phong tỏa thuộc sở hữu của các cá nhân đã vi phạm lệnh trừng phạt của Châu Âu.
Thủ tướng Ulf Kristersson của Thụy Điển, người đang giữ chức chủ tịch Hội đồng Liên minh Châu Âu, cho biết: "Về nguyên tắc, rõ ràng là Nga phải trả tiền cho việc tái thiết Ukraine".
Đồng thời, ông lưu ý: "Việc biến nguyên tắc đó thành thực tiễn là rất khó. Điều này phải được thực hiện theo luật pháp EU và quốc tế, và hiện tại không có mô hình trực tiếp nào cho việc này", ông Kristersson nói thêm.
Việc tịch thu các tài khoản của Nga có thể làm xói mòn niềm tin vào đồng đô la, loại tiền tệ được sử dụng rộng rãi nhất cho thương mại và giao dịch trên thế giới
Các quan chức hàng đầu khác, ở Hoa Kỳ và các nơi khác, tỏ ra hoài nghi hơn. Sau chuyến thăm Kyiv vào tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L. Yellen đã nhắc lại những cảnh báo của bà về những trở ngại pháp lý xung quanh vấn đề này.
Còn Chính phủ Thụy Sĩ tuyên bố rằng việc tịch thu tài sản tư nhân của Nga từ các ngân hàng sẽ vi phạm Hiến pháp Thụy Sĩ cũng như các thỏa thuận quốc tế.
Có thể thấy, cuộc tranh luận pháp lý chỉ là một khúc mắc trong mớ lo ngại về đạo đức, chính trị và kinh tế mà khả năng tịch thu khối tài sản dự trữ của Nga đặt ra. Bà Yellen và những người khác đã lập luận rằng việc tịch thu các tài khoản của Nga có thể làm xói mòn niềm tin vào đồng đô la, loại tiền tệ được sử dụng rộng rãi nhất cho thương mại và giao dịch trên thế giới.
Nếu điều này được thi hành, các quốc gia nước ngoài khác có thể miễn cưỡng hơn trong việc giao dịch giữ tiền, hoặc đổ tiền đầu tư vào trong các ngân hàng của Hoa Kỳ, vì sợ rằng nó cũng có thể bị tịch thu.
Việc tịch thu sẽ làm xói mòn niềm tin vào hệ thống luật pháp và thỏa thuận quốc tế mà các chính phủ phương Tây vốn đã lên tiếng bênh vực một cách mạnh mẽ nhất.
Đồng thời, các chuyên gia lo ngại rằng một động thái như vậy có thể khiến tài sản của Mỹ và Châu Âu được nắm giữ ở các quốc gia khác có nguy cơ bị bất ổn hơn trong tương lai nếu có tranh chấp quốc tế. Cũng có những lo ngại rằng việc tịch thu sẽ làm xói mòn niềm tin vào hệ thống luật pháp và thỏa thuận quốc tế mà các chính phủ phương Tây vốn đã lên tiếng bênh vực một cách mạnh mẽ nhất.
Nhưng việc Nga tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraine, cáo buộc tội ác chiến tranh đối với Tổng thống Vladimir V. Putin và khó khăn trong việc siết chặt kinh tế của Nga khi nhu cầu về năng lượng và các mặt hàng xuất khẩu khác của nước này vẫn ở mức cao đã giúp ý tưởng này ngày càng có cơ sở để nghĩ tới.
Ngoài ra, có một quan điểm gây nhiều khó chịu đó là, chi phí tái thiết Ukraine sau khi chiến tranh kết thúc sẽ vượt xa số tiền mà ngay cả các đồng minh giàu có như Hoa Kỳ và Châu Âu có thể sẵn sàng chi trả.
Bởi Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Anh và các đồng minh khác đã đổ hàng tỷ đô la vào nỗ lực chiến tranh của Ukraine, cũng như xe tăng, tên lửa, đạn dược, máy bay không người lái và các thiết bị quân sự khác. Và trong những tuần gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã phê duyệt khoản vay lớn nhất từ trước đến nay 15,6 tỷ đô la - chỉ để giữ cho nền kinh tế đang gặp khó khăn của Ukraine tồn tại. Nhưng sự hỗ trợ của các tổ chức không phải là vô tận.
"Nếu bây giờ khó có được tài trợ để duy trì cơ sở hạ tầng hoặc nhà ở, thì tại sao việc có được tài trợ sau này sẽ lại dễ dàng hơn?", Tymofiy Mylovanov, hiệu trưởng Trường Kinh tế Kiev và là Cựu Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế và Thương mại Ukraine (2019–2020) cho biết.
Thật điên rồ khi lập luận rằng việc tịch thu tài sản còn gây bất ổn hơn là xảy ra chiến tranh xâm lược
Laurence Tribe, giáo sư đại học về luật hiến pháp tại Harvard theo đó đã lập luận rằng luật năm 1977, Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế, trao cho tổng thống Hoa Kỳ quyền tịch thu tài sản có chủ quyền của Nga và tái sử dụng chúng cho Ukraine.
Chính quyền Hoa Kỳ trước đây đã tịch thu tài sản của Iraq và Iran và chuyển hướng chúng để bồi thường cho các nạn nhân của bạo lực, giải quyết các vụ kiện hoặc cung cấp hỗ trợ tài chính.
Ông Tribe thừa nhận rằng những tính toán về hiệu ứng dây chuyền đối với đồng đô la, hoặc tài sản đầu tư cuối cùng sẽ quan trọng hơn đối với các nhà hoạch định chính sách hơn là những tính toán pháp lý. Nhưng ông ấy thấy những mối quan tâm chính trị rộng lớn hơn đó là không thuyết phục.
Ông Tribe nói trong một cuộc phỏng vấn rằng: "Thật điên rồ khi lập luận rằng việc tịch thu tài sản còn gây bất ổn hơn là xảy ra chiến tranh xâm lược. Có quan điểm còn cho rằng, sự sống còn của nền kinh tế toàn cầu bị đe dọa bởi cách hành xử của Nga hơn là bởi bất kỳ sự trả đũa tài chính nào".
Và ông nói thêm, lấy hàng tỷ đô la có ý nghĩa hơn nhiều như một biện pháp răn đe hoặc trừng phạt hơn là chỉ thay nhau đưa ra các cáo buộc tội ác chiến tranh.
Những tiếng nói nổi bật khác ở Hoa Kỳ đã tán thành quan điểm này. Lawrence H. Summers - cựu Bộ trưởng Tài chính; Robert B. Zoellick- cựu chủ tịch Ngân hàng Thế giới và đại diện thương mại Hoa Kỳ; và Philip D. Zelikow- một nhà sử học tại Đại học Virginia và là cựu cố vấn của Bộ Ngoại giao Mỹ, đã đưa ra quan điểm của họ trong một bài bình luận trên tờ The Washington Post.
Họ viết: "Chuyển giao nguồn ngoại hối dự trữ bị đóng băng của Nga sẽ là đúng đắn về mặt đạo đức, khôn ngoan về mặt chiến lược và phù hợp về mặt chính trị".
Một số quốc gia ngoài Ukraine đã thực hiện các bước để thu hồi tài sản nước ngoài thuộc sở hữu của các cá nhân và tổ chức Nga và sử dụng tiền để tái thiết. Vào tháng 12/2022, chính phủ Canada đã bắt đầu quá trình tịch thu 26 triệu đô la thuộc sở hữu của nhà tài phiệt Nga Roman Abramovich sau khi thông qua luật nới lỏng việc tịch thu tài sản tư nhân của Nga từ các cá nhân đang bị trừng phạt.
*Trọng tâm chính không nên tập trung vào việc tịch thu tài sản tư nhân, việc này sẽ phức tạp và tốn thời gian hơn nhiều về mặt pháp lý, mà là hàng trăm tỷ đô la thuộc sở hữu của ngân hàng trung ương Nga
Một thẩm phán liên bang ở Manhattan vào tháng trước đã cho phép tịch thu 5,4 triệu đô la từ một doanh nhân Nga khác đang đối mặt với lệnh trừng phạt, Konstantin Malofeev. Và Estonia cũng đang tìm cách thông qua luật trao cho chính phủ ở đó những quyền hạn tương tự.
Nhưng ông Tribe, ông Summers và những người khác lập luận rằng trọng tâm chính không nên tập trung vào việc tịch thu tài sản tư nhân, việc này sẽ phức tạp và tốn thời gian hơn nhiều về mặt pháp lý, mà là hàng trăm tỷ đô la thuộc sở hữu của ngân hàng trung ương Nga.
Bởi trong năm qua, nền kinh tế Ukraine đã bị thu hẹp một phần ba. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, chiến tranh đã đẩy hơn 7 triệu người vào cảnh nghèo đói và đảo ngược 15 năm tiến bộ phát triển của quốc gia này.
"Công trường xây dựng lớn nhất thế giới": Cuộc đua tái thiết Ukraine đang diễn ra
Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, đã so sánh kế hoạch tái thiết Ukraine với Kế hoạch Marshall, chương trình của Hoa Kỳ cung cấp viện trợ cho Tây Âu sau Thế chiến II. Các ước tính ban đầu về chi phí xây dựng lại cơ sở hạ tầng vật chất nằm trong khoảng từ 138 tỷ đô la đến 750 tỷ đô la.
Ông Zelensky và các đồng minh của ông muốn sử dụng việc xây dựng lại để kết nối liền mạch cơ sở hạ tầng của Ukraine với phần còn lại của Châu Âu. Tuy nhiên, liệu" tất cả số vàng trong cơn sốt vàng" rất được mong đợi này có thành hiện thực hay không thì còn lâu mới chắc chắn.
Bởi Ukraine, nền kinh tế đã suy giảm 30% trong năm ngoái, rất cần tiền để tiếp tục hoạt động và sửa chữa khẩn cấp. Viện trợ tái thiết dài hạn sẽ không chỉ phụ thuộc vào kết quả của cuộc chiến, mà còn phụ thuộc vào số tiền mà Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ và các đồng minh khác đã chi trả.
Nhưng các nhà đầu tư tư nhân rất ít người sẵn sàng mạo hiểm cam kết chi tiền ngay bây giờ, vì xung đột đã trở nên nghiêm trọng.
Ukraine và một số quốc gia Châu Âu đang nỗ lực để tịch thu tài sản phong tỏa của Nga ở nước ngoài, nhưng một số người hoài nghi, bao gồm cả các quan chức trong chính quyền Biden, đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp của một động thái như vậy.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số công ty đang bắt đầu chuẩn bị sẵn sàng và có một số hồ sơ theo dõi vào thời điểm này, khi cho rằng nguồn tài trợ tái thiết Uraine sẽ đến", Tymofiy Mylovanov, cựu bộ trưởng kinh tế, chủ tịch của Trường Kinh tế Kiev cho biết. "Sẽ có rất nhiều nguồn tài trợ từ khắp nơi trên thế giới", ông ấy nói, và các doanh nghiệp đang nói rằng "chúng tôi muốn trở thành một phần của nó".
Gần đây, hơn 300 công ty từ 22 quốc gia đã đăng ký tham dự hội nghị và triển lãm thương mại Tái xây dựng Ukraine tại Warsaw. Hơn 700 công ty Pháp đã đổ xô đến một hội nghị do Tổng thống Emmanuel Macron tổ chức vào tháng 12/2022.
Thậm chí, Liên đoàn Công nghiệp Phần Lan đã tài trợ cho một hội thảo trực tuyến kéo dài cả ngày với các quan chức Ukraine để các công ty có thể giới thiệu các nhà máy xử lý nước thải, máy biến áp, máy tuốt lúa và công nghệ nhà tái chế của họ.
Các công ty tấm lợp Latvian và các chuyên gia thương mại Hàn Quốc. Các nhà sản xuất pin nhiên liệu từ Đan Mạch và các nhà sản xuất gỗ từ Áo. Những gã khổng lồ cổ phần tư nhân từ New York và các nhà điều hành nhà máy bê tông từ Đức. Hàng nghìn doanh nghiệp trên toàn cầu đang chuẩn bị sẵn sàng cho một cơn sốt vàng có thể trị giá hàng tỷ đô la: tái thiết Ukraine sau khi chiến sự kết thúc.
Sergiy Tsivkach, giám đốc điều hành của Ukraine Invest, văn phòng chính phủ chuyên thu hút đầu tư nước ngoài, rất vui vì được quan tâm. Ông ấy đã ở Lviv để gặp gỡ các nhà đầu tư quốc tế. Nhưng ông nhấn mạnh một điểm quan trọng.
"Tất cả họ đều nói: Chúng tôi muốn giúp tái thiết Ukraine", ông Tsivkach nói. "Nhưng bạn muốn đầu tư tiền của mình vào hay bạn muốn bán dịch vụ hoặc hàng hóa? Đây là hai điều khác nhau". Câu trả lời là hầu hết đều quan tâm đến việc bán một cái gì đó, ông nói.
Nhưng đối với các doanh nghiệp, một vấn đề quan trọng là ai sẽ kiểm soát nguồn tiền tái thiết đổ vào Ukraine. Đây là một câu hỏi mà Châu Âu, Hoa Kỳ và các tổ chức toàn cầu như Ngân hàng Thế giới - những nhà tài trợ và cho vay lớn nhất đang tranh luận sôi nổi.
"Ai sẽ trả tiền ccho việc tái thiết này?", Domenico Campogrande, tổng giám đốc của Liên đoàn Công nghiệp Xây dựng Châu Âu, phát biểu từ sân khấu. Phía Ukraine đã nói rõ rằng sẽ có phần thưởng cho các nhà đầu tư sớm khi tiến hành tái thiết sau chiến tranh. Nhưng rõ ràng, cơ hội đó mang rủi ro rất cao.
Huỳnh Dũng- Theo Nytimes/Aljazeera/Nytimes