Dân Việt

Đại biểu Quốc hội: Lợi tức chuyển đổi đất rất lớn nên hầu hết các đại gia đều kinh doanh bất động sản

PV 07/04/2023 13:46 GMT+7
Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đinh Ngọc Minh (Cà Mau), chênh lệch lợi tức từ việc chuyển đổi các loại đất không phải đất ở sang đất ở rất lớn, nhất là khu vực đô thị, có nơi chênh lệch hàng chục triệu/m2.

Sáng 7/4, tiếp tục chương trình làm việc, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phát biểu ý kiến, ĐBQH Đinh Ngọc Minh nêu vấn đề, hiện nay 70% khiếu kiện liên quan tới đất đai, sửa luật lần này, cơ quan soạn thảo đánh giá tác động xem giảm khiếu kiện như thế nào khi triển khai luật?

Đại biểu Quốc hội: Lợi tức chuyển đổi đất rất lớn nên hầu hết các đại gia đều kinh doanh bất động sản - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh: Lợi tức chuyển đổi đất rất lớn nên hầu hết các đại gia đều kinh doanh bất động sản. Ảnh QH

Theo ĐB Minh qua nghiên cứu ông thấy một số điều quy định khác nhau nên thực thi sẽ khác nhau và làm tăng nguy cơ khiếu kiện. Ông dẫn chứng tại Điều 10 quy định phân ra rất nhiều loại đất, nhưng Điều 117 quy định chỉ có một số loại đất được chuyển đổi mục đích sử dụng.

Bên cạnh đó, chênh lệch lợi tức từ việc chuyển đổi các loại đất không phải đất ở sang đất ở rất lớn, nhất là khu vực đô thị, có nơi chênh lệch hàng chục triệu/m2.

ĐB Minh cho rằng, phần lợi tức này chủ yếu doanh nghiệp bất động sản được hưởng. "Điều này cũng trả lời cho câu hỏi hầu hết các đại gia của ta đều kinh doanh bất động sản và nhà thầu".

"Sửa luật lần này có phân phối phần lợi tức, tức là địa tô đất cho toàn dân theo Hiến pháp hay không?", ĐB Minh hỏi và nói, đất đai là sở hữu toàn dân, hướng điều tiết lợi tức như thế nào chưa thấy trong dự thảo luật.

Đại biểu Quốc hội: Lợi tức chuyển đổi đất rất lớn nên hầu hết các đại gia đều kinh doanh bất động sản - Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân: Cần có đơn vị sự nghiệp công lập về tư vấn, định giá đất. Ảnh QH

Góp ý ở góc độ khác, ĐBQH, Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành uỷ TP.HCM cho rằng, bên cạnh doanh nghiệp tư nhân hoạt động về định giá đất, cần có đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước hoạt động trên lĩnh vực này.

Ông  phân tích, nếu doanh nghiệp nhà nước chuyển nhượng đất là tài sản công, bắt buộc đơn vị kiểm tra giá đất phải là một đơn vị công lập. Hơn nữa, nếu đất do Nhà nước thu hồi để sử dụng chung, đơn vị thẩm định cũng phải là đơn vị sự nghiệp công lập, có như vậy mới đảm bảo trách nhiệm của Nhà nước trong việc quản lý tài sản. Còn nếu là giao dịch vật tư nhân, có quyền chọn đơn vị tư vấn là tư nhân.

Vẫn theo ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân, trong hệ thống nhà nước cấp tỉnh và một số cấp huyện cần hình thành đơn vị sự nghiệp làm nhiệm vụ tư vấn, định giá đất để Nhà nước sử dụng hoặc để nhân dân đối chiếu.

Về quyền và nghĩa vụ của đơn vị tư vấn định giá đất, đại biểu cho rằng để hoạt động định giá đất có cơ sở khách quan cần sử dụng tư liệu quốc gia về đất. Đây là điều kiện bắt buộc để hoạt động định giá đất, dù là đơn vị tư nhân hay công lập.

Đại biểu Lê Xuân Thân cũng tán thành việc nên có một hội đồng thẩm định giá đất, đồng thời cần quy định rõ Chủ tịch của hội đồng này là Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện và cơ quan chuyên môn về tài chính, về tài nguyên và môi trường là cấp phó và các đại diện một số sở, ngành.

Đại biểu Quốc hội: Lợi tức chuyển đổi đất rất lớn nên hầu hết các đại gia đều kinh doanh bất động sản - Ảnh 4.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Ảnh QH

Sau khi nghe các ĐBQH góp ý, trong phần giải trình, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, qua theo dõi có trên 50% vấn đề ĐBQH quan tâm đề cập là về tài chính đất và định giá đất. Nhấn mạnh vấn đề này là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, nếu giải quyết được vấn đề này thì các vấn đề khác cũng được giải quyết từ tranh chấp về đất đai, khiếu nại tố cáo…Do đó từ các Luật Đất đai trong suốt thời gian qua từ 1993 đến nay, các cơ quan kiên trì tìm bài toàn giải quyết tài chính đất đai, vấn đề giá thị trường. Mục tiêu đặt ra là phù hợp với giá thị trường.

Phó Thủ tướng Chính phủ chia sẻ với 4 phương pháp tính hiện nay nhưng cũng chưa bao giờ có giá chính xác. Nguyên nhân là do thông số đầu vào không chính xác. Lần này dự thảo Luật xác định không tuyệt đối nhưng bảo đảm cơ sở khoa học, thu thấp giá đúng. Để làm được điều này người dân cần giao dịch đất đai trên sàn, có đăng kí với văn phòng với giá đúng. Trên cơ sở thu thập đầu vào đúng từ sàn giao dịch, cơ sở dữ liệu đất đai, người dân đăng kí thực hiện chuyển quyền đăng kí ở văn phòng để có dữ liệu, và có phương pháp tính đúng từ có thông tin trên bản đồ từ đó tính toán và đưa ra giá trị chuẩn…