TP.HCM có hơn 400 cơ sở kinh doanh karaoke phục vụ nhu cầu giải trí cho người dân, tuy nhiên hiện tại chỉ còn khoảng 50 cơ sở được hoạt động. Có quá nhiều những tồn tại, vi phạm về phòng cháy chữa cháy, dù doanh nghiệp kinh doanh đã cố gắng đáp ứng, nhưng vẫn không đủ điều kiện mở cửa. Karaoke "mắc kẹt" quy định phòng cháy chữa cháy, ngoài những hệ lụy đã xảy ra về mất an toàn, câu chuyện thua lỗ của doanh nghiệp, lao động mất việc làm, và cả chuyện lén lút hoạt động, người dân chấp nhận hát karaoke giải trí "chui" cũng đang khiến cơ quan quản lý đau đầu.
TP.HCM có 400 cơ sở karaoke nhưng hiện chỉ còn 53 cơ sở hoạt động. Với nhu cầu vui chơi giải trí cho hàng triệu người dân TP, con số này sẽ không đáp ứng đủ. Và điều này dẫn đến tình trạng người dân chấp nhận đi hát "chui", bởi quán karaoke sẽ hoạt động "chui".
Tại tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để dịch vụ karaoke hoạt động lành mạnh, an toàn” tổ chức cuối tuần qua ở TP.HCM, đại diện UBND quận 10, nơi được biết đến có nhiều cơ sở kinh doanh karaoke nhất TP.HCM, cho biết quận đã tìm rất nhiều giải pháp, nhưng chưa thể gỡ vướng.
Theo ông Lữ Quốc Dũng, Phó Trưởng phòng VH-TT quận 10, hiện lực lượng chức năng của quận cũng như các phường phải thường xuyên chia lịch để đi kiểm tra các cơ sở karaoke. Bên cạnh việc giám sát cấp quận, phường, cả các tổ dân phố cũng có sự giám sát. Với những cơ sở vi phạm sẽ xử phạt theo quy định.
Tuy nhiên, ông Dũng cho biết do các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn nên lực lượng chức năng cũng tập trung nhắc nhở, nâng cao nhận thức, vận động các doanh nghiệp hoàn thiện các quy định đáp ứng đúng yêu cầu PCCC, để hoạt động trở lại.
Phó Phòng VH-TT quận Bình Thạnh Đinh Quốc Bảo cho hay, quận có 11 cơ sở karaoke. Trước đây có 6 cơ sở phải tạm ngưng để khắc phục, hiện có 5 cơ sở đã khắc phục và hoạt động trở lại. Nhiệm vụ của quận là tiếp tục kiểm tra công tác khắc phục, hỗ trợ thêm các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong thẩm quyền của quận.
Ông Bảo kiến nghị trong quá trình yêu cầu các doanh nghiệp khắc phục theo quy định chung, có nội dung nào không phù hợp, cơ quan quản lý nhà nước của TP.HCM mạnh dạn tháo gỡ. Song song đó, cần tập hợp lại các khó khăn thực sự của doanh nghiệp, để đề xuất với các cơ quan chức năng điều chỉnh phù hợp hơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Trưởng phòng VH-TT Gò Vấp, cho rằng khi các cơ sở kinh doanh karaoke ngừng hoạt động kéo theo đó là người lao động mất việc, ngừng việc, mà phía sau là cả gia đình của họ. Hơn nữa, loại hình dịch vụ karaoke vừa đóng góp vào nguồn ngân sách của địa phương, vừa đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh của người dân.
Hiện nay, các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đang gặp khó khăn vì vướng những điều kiện, quy định về PCCC mới. Đặc thù của loại hình này không chỉ riêng ở quận Gò Vấp, mà cả TP.HCM.
"Các cơ sở kinh doanh karaoke thường đi thuê lại nhà của người dân và chuyển đổi công năng, cải tạo lại. Do vậy, cơ quan chức năng cần có lộ trình, thời gian để các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke khắc phục những tồn tại hiện nay", ông Thanh nói.
Thượng tá Nguyễn Văn Nhứt, Phó Trưởng Công an quận 1, nhìn nhận hiện nay quy chuẩn về PCCC còn nhiều bất cập, hệ thống karaoke gặp khó nhưng đơn vị quản lý cũng khó không kém.
Theo Thượng tá Nhứt, quy chuẩn đối với các cơ sở karaoke thay đổi liên tục. Tại các cơ sở karaoke, nhiều hạng mục đã được nghiệm thu đưa vào hoạt động, nhưng khi có quy định mới thì phải nghiệm thu lại.
Dẫn chứng của ông Nhứt cho thấy trên địa bàn quận 1 có 10 cơ sở đăng ký hoạt động karaoke. Trong đó có 4 cơ sở đã bị đình chỉ hoạt động, 6 cơ sở còn lại thì tạm ngưng sửa chữa.
Thượng tá Nguyễn Văn Nhứt cho rằng việc có nhiều quy định cũng bắt nguồn từ thực tế đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Chưa kể, một số cơ sở thiếu ý thức, kinh doanh nhiều loại hình cấm, khi có sự cố xảy ra thì thiệt hại rất nghiêm trọng.
Tuy nhiên, ông Nhứt cũng chia sẻ với các khó khăn của cơ sở karaoke. Theo ông, những quy định hiện nay thì rất khó để các cơ sở đáp ứng quy chuẩn.
Với đặc thù của TP.HCM, các ban ngành cần nghiên cứu, đề xuất các phương án tháo gỡ, nhất là khi TP.HCM đang đề xuất có những cơ chế chính sách đặc thù vượt trội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
"Những tiêu chuẩn quá khó sẽ gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và người lao động. Từ những khó khăn đó dẫn đến doanh nghiệp có nhiều bức xúc, có doanh nghiệp lén lút hoạt động", ông Nhứt lý giải.