Ngày 10/4, theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, trên đại công trường xây dựng sân bay Long Thành hiện cơ bản đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, đa số người dân đã dời đi, nhường đất xây dựng sân bay.
Tuy nhiên qua quan sát, phóng viên vẫn phát hiện còn lại một số căn nhà nằm lọt thỏm, cố bám trụ lại ở một khu đất giữa công trường.
Cụ thể, tại công trường vị trí thuộc ấp Suối Trầu 1, xã Bình Sơn, có 2 hộ dân vẫn bám trụ sinh sống dù xung quanh chỉ có đất và bụi. Ngoài ra, còn có khoảng 3 căn nhà khác chủ đã di dời nhưng chưa chịu dỡ nhà, bàn giao đất để xây dựng sân bay.
Ông Lê Minh Quang, một trong 2 hộ dân đang sinh sống giữa công trường cho biết, ông ở lại đây trong thời gian chờ có chỗ dời đi. Hiện tại cuộc sống giữa công trường vất vả, thiếu thốn, bụi bẩn... Thứ duy nhất còn lại là điện nước vẫn đủ để sinh hoạt.
Do có công ăn việc làm nên mỗi ngày ông Quang cũng rời nhà đi làm thuê làm mướn từ sáng sớm, đến tối lại về căn nhà giữa công trường để ngủ.
"Ngày xưa gia đình tôi có 2 thửa đất (có 600m2 đất thổ cư) nhưng thửa đất có nhà ở kiên cố lại đứng tên vợ tôi. Nhưng vào năm 2021, vợ chồng tôi ly hôn. Vợ tôi và con được bồi thường hỗ trợ tái định cư, hiện đã xây nhà ở ổn định. Riêng tôi đã nhận tiền bồi thường đất nhưng vì không có nhà nên không có thêm suất tái định cư vì thế tôi phải ở tạm căn nhà cũ ở công trường. Tôi đã có đơn gửi chính quyền địa phương đề nghị giải quyết thêm một suất tái định cư đối với thửa đất bị thu hồi đứng tên tôi và hiện vẫn chờ giải quyết xong mới đi", ông Quang cho hay.
Ngoài ông Quang ra, gần đó còn có hộ gia đình bà Hoàng Thị Thúy, cũng là hộ đang bám trụ lại giống như ông Quang. Ngoài ra, có 2 căn nhà của ông Ngô Quang Hạnh và bà Đỗ Thị Yến (chưa bàn giao mặt bằng) bị đất bao quanh, nhà nằm thấp bên dưới bị che khuất.
Trong đó nhà ông Hạnh do không còn người ở nên cửa mở toang, khắp nhà bụi đỏ phủ đặc. Cơ bản chỉ còn căn nhà tứ bề là bụi đất, mọi thứ đều được đưa đi nơi khác hết nên không còn gì.
Tương tự nhà của bà Yến do chưa giải quyết xong tái định cư nên vẫn chưa chấp nhận bàn giao mặt bằng, mặc cho nhà trơ trọi trên đại công trường.
Khi nói về các trường hợp này, chia sẻ với báo chí, lãnh đạo UBND xã Bình Sơn, huyện Long Thành cho biết thời gian qua huyện và xã đã liên tục gõ cửa từng nhà, gặp gỡ từng người để vận động. Chính quyền địa phương cũng giải thích cho người dân về các vướng mắc, những quy định pháp lý... tuy nhiên nhiều người dân vẫn không chấp nhận lời giải thích.
Cụ thể đối với trường hợp hộ ông Lê Văn Thành và bà Hoàng Thị Thúy, theo phương án tái định cư của của tỉnh Đồng Nai đã được duyệt, tất cả người dân đều phải bốc thăm như nhau. Trong đó, ví dụ lô nhà vườn diện tích từ 250m2 trở lên, người dân sẽ có cơ hội bốc thăm được lô góc có diện tích lớn hơn, nhưng cũng có những người bốc thăm vào vị trí 250m2. Nhưng về cơ bản phù hợp với tinh thần của Đảng và Nhà nước là nơi ở mới sẽ bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã Bình Sơn, ông Thành và bà Thúy không chịu bốc thăm lô 250m2 mà đề nghị bốc thăm chỉ định lô đất vườn có diện tích 300m2. Như vậy đòi hỏi này không phù hợp với phương án đã được duyệt. Hiện xã cũng vận động rất nhiều lần và gửi thông báo bốc thăm đến lần thứ 5 nhưng những người này vẫn không có mặt để bốc thăm.
Trường hợp ông Lê Minh Quang xin thêm một suất tái định cư nhưng trên thực tế vợ chồng ông Quang ly hôn tháng 5/2021, sau thời điểm thông báo thu hồi đất (ngày 28/12/2018), tài sản chung đã xem xét tái định cư. Xã và huyện đã vận động, giải thích là phải chờ sau khi giải quyết cho toàn bộ người dân trong sân bay mới được xem xét có cấp tái định cư cho các trường hợp khác có nguyện vọng bố trí tái định cư. Dù vậy ông Quang vẫn nhất quyết được bốc thăm tái định cư mới chịu rời đi.
Riêng với đơn đề nghị giải quyết tái định cư thêm hộ phụ của bà Đỗ Thị Yến, chính quyền địa phương đối chiếu quy định thấy không phù hợp.
Tuy nhiên xét ở khía cạnh khác, bà Yến là hộ nghèo, ở tại địa phương từ 1975 đến nay và là mẹ đơn thân do đó xã và huyện đã thống nhất báo cáo lên UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, có chính sách hỗ trợ khác đối với bà Yến bằng hình thức giao cho một suất đất ở tối thiểu trong khu tái định cư. Và với trường hợp này bà Yến phải chấp hành đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Được biết tính đến cuối tháng 3/2023, đã có gần 4.000 hộ dân thuộc dự án Sân bay Long Thành được bố trí tái định cư.
Ngoài các hộ dân đã được bố trí tái định cư, hiện còn có 198 hộ khác đang tiếp tục được các cơ quan chức năng rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ để tổ chức bốc thăm vị trí đất tái định cư. Ngoài ra, thông qua công tác xét duyệt, Hội đồng tái định cư cấp xã đã xét không đủ điều kiện bố trí tái định cư đối với 709 hộ dân khác thuộc khu vực dự án.
Ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết, địa phương đã rất nhiều lần đến tận nơi vận động, thuyết phục người dân ra khỏi đại công trường sân bay Long Thành tuy nhiên nhiều người chưa chịu đi. Theo ông Tiếp thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục vận động người dân nhưng nếu vẫn không được sẽ tiến hành cưỡng chế, buộc di dời.