Dân Việt

Hội Nông dân-Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang: Chung tay phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ngọc Quyên 10/04/2023 18:47 GMT+7
Hội Nông dân cùng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang thực hiện nhiều phần việc góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025, trong đó giảm nghèo bền vững, giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer được quan tâm, chú trọng.

Thời gian qua, Hội Nông dân cùng với Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang thực hiện nhiều phần việc thiết thực, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Theo Hội Nông dân tỉnh, từ đầu năm 2022 đến nay, Hội tổ chức hơn 30 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có hơn 130 hội viên nông dân là đồng bào dân tộc Khmer.

Kiên Giang: Chăm lo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Hội Nông dân cùng với Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang thực hiện nhiều phần việc thiết thực hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: NQ.

Đến nay tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh trên 44 tỷ đồng. Số vốn này thực hiện 379 dự án, cho hơn 2.000 hộ vay, trong đó 55 hộ dân tộc Khmer; thực hiện mô hình khuyến nông trên 95ha lúa, rau màu với 132 hộ dân, trong đó có 20 hộ là đồng bào dân tộc Khmer.

Bên cạnh đó, các cấp Hội còn xây dựng 76 căn nhà, trong đó 10 căn nhà cho đồng bào dân tộc Khmer.

Trong căn nhà Đại đoàn kết vừa được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ, bà Thị Nho, dân tộc Khmer, ngụ ấp Tà Keo Vàm, xã Phi Thông (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang), chia sẻ: "Có được căn nhà mái tole, vách tường, nền lát gạch như vầy là ước mơ của gia đình tôi. Được Hội hỗ trợ 50 triệu đồng, các con tôi làm công nhân cũng cố gắng dành dụm góp thêm. Có nhà mới, mấy đứa nhỏ đi xa về có chỗ nghỉ ngơi, gia đình cũng ấm cúng hơn".

Kiên Giang: Chăm lo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Phụ nữ huyện Châu Thành (Kiên Giang) được Đoàn y, bác sĩ thiện nguyện TP.HCM khám sức khỏe và tầm soát ung thư. Ảnh: NQ.

Đang chờ đến lượt siêu âm, chị Thị Bé Hai (ngụ ấp Minh Hưng, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành) cho biết, chị rất vui khi có cơ hội được khám sức khỏe tổng quát. Việc này với chị là quá sức và xa xỉ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, quanh năm chị sống bằng nghề làm thuê. Chồng chị Hai đi ghe biển cũng vừa mất việc vì bị tai nạn lao động. Gia đình chị có 4 đứa con.

"Từ trước tới nay tôi chưa được khám sức khỏe lần nào. Nay có đoàn khám miễn phí nên tôi đi khám, nhờ vậy mà biết mình cần phải điều trị sớm bệnh phụ khoa", chị Hai bộc bạch.

Hội Nông dân-Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang: Chung tay phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Ông Doãn Tấn Đạt (thứ năm, từ phải qua), Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang trao quyết định bàn giao nhà Đại đoàn kết cho gia đình bà Thị Nho, ngụ ấp Tà Keo Vàm, xã Phi Thông (TP. Rạch Giá). Ảnh: NQ.

Chị Hai cùng với gần 500 phụ nữ thuộc các xã Minh Hòa, Vĩnh Hòa Phú, Giục Tượng, Bình An và thị trấn Minh Lương được các bác sĩ thuộc Đoàn y bác sĩ thiện nguyện TP.HCM tận tình tư vấn, khám bệnh phụ khoa, siêu âm tổng quát, đo huyết áp, xét nghiệm, thử đường huyết, tầm soát ung thư và cấp phát thuốc miễn phí.

Hoạt động với kinh phí 100 triệu đồng này thuộc chương trình phối hợp giữa Ban Dân tộc và Hội Nông dân tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Hội Nông dân-Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang: Chung tay phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 4.

Mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Danh Đẹp, dân tộc Kh'mer ở ấp Cái Nước Ngọn, xã Đông Yên (huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) cho hiệu quả cao. Ảnh: NQ.

Ông Danh Phúc - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, cho biết: "Phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sống ở nông thôn, nghề nghiệp chính là làm nông, tiếp xúc nhiều với nước ao hồ, ruộng đồng. Đa số chị em có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí ngại không đi khám sức khỏe định kỳ. Chương trình khám sức khỏe và tầm soát ung thư dành cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai nhằm giúp chị em có điều kiện kiểm tra sức khỏe, để cùng gia đình chăm lo phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống". 

Tỉnh Kiên Giang có hơn 13% dân số là đồng bào dân tộc Khmer trong tổng số hơn 1,7 triệu người. Đồng bào dân tộc Kh'mer ở Kiên Giang ập trung nhiều ở các huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Giang Thành, thành phố Hà Tiên…

Những năm qua, tỉnh Kiên Giang đã huy động các nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình, dự án để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc Khmer. Đến nay, 100% số xã trong vùng đồng bào dân tộc Khmer có đường giao thông nông thôn đến trung tâm xã, có trạm y tế; số hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt hơn 99%, số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt hơn 83%;...