Nghề thêu, may trang phục dân tộc ở Nậm Pồ của Điện Biên tạo thêm việc làm, thu nhập cho nông dân
Nghề thêu, may trang phục dân tộc ở Nậm Pồ của Điện Biên tạo thêm việc làm, thu nhập cho nông dân
Thu Hường
Chủ nhật, ngày 12/02/2023 12:41 PM (GMT+7)
Tại xã Nà Bủng (Nậm Pồ, Điện Biên), có gần 100% đồng bào Mông sinh sống. Phụ nữ trong xã đã thành lập mô hình thêu may trang phục dân tộc Mông, tạo ra sản phẩm dân tộc độc đáo; vừa có thêm thu nhập; vừa duy trì, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của dân tộc.
Clip: Bảo tồn và phát huy nghề thêu may trang phục thổ cẩm của người Mông ở Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
Thổ cẩm của người Mông ở Nậm Pồ rất cầu kì
Để tạo ra những bộ trang phục truyền thống, những người phụ nữ dân tộc Mông với bàn tay khéo léo phải trải qua nhiều công đoạn từ việc tạo hoa văn bằng sáp ong, nhuộm chàm, thêu may họa tiết, đính cườm…Những bộ trang phục phải đảm bảo bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện trong từng đường nét hoa văn thổ cẩm.
Chị Cháng Thị Cầu, xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên nói: Với chị em phụ nữ người Mông, thêu được cái áo, cái váy bán đi không chỉ có tiền phục vụ cho gia đình góp phần xóa đói, giảm nghèo. Điều quan trọng là đã giúp người Mông chúng tôi lấy lại bản sắc dân tộc mà ngày xưa ông bà để lại cho. Chúng tôi làm, dậy cho con cháu cùng làm để duy trì và phát huy nghề truyền thống của dân tộc mình.
Những họa tiết thổ cẩm là do chị em mình tự tay vẽ mẫu bằng sáp ong xong thì mang đi nhuộm, nhuộm xong mang đi khâu. Trên thị trường có rất nhiều váy in máy, váy cách điệu nhưng không phải là thổ cẩm, không phải trang phục truyền thống của dân tộc.
Những sản phẩm thổ cẩm của chúng mình giờ đây đã bán sang Lào với lại Thái Lan.
Chị Sùng Thị Chư, xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ, Điện Biên nói: Chúng tôi được các bà, các mẹ dậy cho cách vẽ, cách thêu. Bây giờ chúng tôi lại dậy lại cho con cháu mình. Không truyền dậy thì chúng nó không biết làm. Váy áo mua ở chợ cũng đẹp nhưng không đúng với trang phục của dân tộc chúng tôi. Cứ mặc như vậy thì ít lâu nữa thôi là không còn trang phục truyền thống ông bà để lại nữa.
Nghề thêu may trang phục thổ cẩm này chị em vừa may vừa đi làm nông được, chị em có thể làm thêm vào buổi tối. Chị em không đi làm ăn xa để ở nhà vừa chăm sóc con cái vừa phát triển kinh tế gia đình nâng cao nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống.
Duy trì và phát triển nghề thổ cẩm ở Nậm Pồ
Sau gần 2 năm thành lập, mô hình thêu may trang phục dân tộc Mông ở Nà Bủng đã có hơn 30 hội viên tham gia, đều là những chị em đã có kinh nghiệm trong thêu may trang phục truyền thống. Hiện các sản phẩm trang phục dân tộc Mông ở Nà Bủng được quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ ở trong nước và nước ngoài như Lào, Thái Lan thông qua nhiều kênh bán hàng. Nhờ vậy các sản phẩm thổ cẩm này được nhiều người ưa chuộng biết đến.
Ông Mùa Chớ Sùng, Bí thư Đảng ủy xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cho biết: Thời gian tới, Cấp ủy, chính quyền địa phương đang tiếp tục vận động chị em sẽ tăng thêm thành viên vì ở đây chị em vốn dĩ không có công ăn việc làm, rất khó khăn nên đang muốn vận động chị em tăng thêm thành viên để sản xuất ra số lượng sản phẩm nhiều hơn đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo nguồn thu nhập cho chị em.
Theo định hướng của huyện Nậm Pồ sẽ phấn đấu đưa nghề may trang phục đồng bào dân tộc Mông trở thành sản phẩm du lịch của địa phương. Việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần, khích lệ người dân thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, mà còn được huyện Nậm Pồ khai thác, mở ra những cơ hội phát triển mới cho địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.