Trong Tam Quốc, dù có khởi đầu muộn và nhiều trắc trở hơn so với Tào Tháo và Tôn Quyền, nhưng Lưu Bị lại may mắn chiêu mộ được nhiều mưu sĩ, anh hùng, hào kiệt lúc bây giờ. Đặc biệt, vị quân chủ này sở hữu những võ tướng vang danh Tam Quốc như Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân...
Ngoài Quan Vũ, nếu so sánh thực lực giữa Trương Phi và Triệu Vân thì ai sẽ mạnh hơn? Trương Phi và Triệu Vân đều là những dũng tướng dưới trướng của Lưu Bị. Nếu Trương Phi từng đánh với Lã Bố trăm hiệp mà bất phân thắng bại, thì Triệu Vân từng một mình phá vỡ vòng vây của đại quân Tào để cứu A Đẩu trong trận Trường Bản năm 208.
Vậy, khi đặt lên bàn cân, đặc biệt trong một trận đơn đả độc đấu, Trương Phi hay Triệu Vân mạnh hơn? Trên thực tế, theo Tam Quốc diễn nghĩa, câu hỏi này từng được Lưu Bị trả lời thông qua hai lần nhận xét võ công của Trương Phi và Triệu Vân.
Lần đầu tiên,Lưu Bị từng đánh giá võ công của Triệu Vân là tại trận Trường Bản. Theo đó, sau khi chịu thất bại trước đại quân Tào, quân của Lưu Bị thua chạy tan tác. Lưu Bị trên đường tháo chạy thậm chí còn bỏ rơi cả vợ con.
Lúc bấy giờ, My Phương, một viên quan dưới trướng Lưu Bị chạy đến báo tin rằng Triệu Vân đã hàng Tào Tháo. Lưu Bị ngay lập tức nổi giận mắng: "Triệu Vân là bạn cũ của ta, không thể có chuyện phản bội". Vị quân chủ này còn nói rằng Triệu Vân theo ông trong cơn hoạn nạn, lòng như sắt đá, phú quý không thể lung lạc được.
Điều này cho thấy Lưu Bị rất tin tưởng Triệu Vân. Tuy nhiên, Trương Phi lại tin lời của My Phương và định xin đi tìm Triệu Vân, nếu gặp chỉ đâm cho một nhát kích là xong đời.
Lưu Bị lúc bấy giờ tuy rất coi trọng lời nói của Trương Phi nhưng đã khuyên võ tướng này không nên bốc đồng. Lưu Bị nhắc lại chuyện Quan Vũ giết Nhan Lương, Văn Xú và cho rằng Triệu Vân bỏ đi ắt có rủi ro gì đấy. Ông chắc chắn rằng Triệu Vân không thể nào bỏ mình.
Lưu Bị cố ý nhắc lại việc Quan Vũ có thể dễ dàng giết Nhan Lương, Văn Xú để so sánh với việc Trương Phi có ý dùng một nhát kích để kết liễu Triệu Vân. Theo đánh giá của Lưu Bị, võ công của Trương Phi lúc bấy giờ đúng là có năng lực có thể giết chết Triệu Vân.
Minh chứng là trong trận Bàn Hà, Triệu Vân cứu Công Tôn Toản và đánh bất phân thắng bại hơn 50 hiệp với Văn Xú, danh tướng Hà Bắc của Viên Thiệu. Trong khi đó, tại hồi 26 trong Tam Quốc diễn nghĩa, Văn Xú đánh với Quan Vũ chưa được 3 hiệp thì đã núng thế liền quay ngựa chạy. Quan Vũ đuổi kịp đưa một nhát đao giết chết Văn Xú.
Trương Phi có thực lực tương đương với Quan Vũ. Do đó, nhận định của Lưu Bị cho rằng Trương Phi mạnh hơn Triệu Vân dường như cũng có cơ sở.
Lần thứ hai, Lưu Bị đánh giá võ công của Trương Phi và Triệu Vân là khi phong 5 võ tướng mạnh nhất dưới trướng làm Ngũ hổ tướng của Thục Hán.
Cụ thể, sau khi thắng trận Hán Trung, Lưu Bị đã xếp thứ hạng trong Ngũ hổ tướng như sau: Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu và Hoàng Trung. Rõ ràng, nhìn vào danh sách trên, có thể thấy rằng, đối với Lưu Bị, võ công của Quan Vũ là mạnh nhất, tiếp đến là Trương Phi, sau đó là Triệu Vân, Mã Siêu và Hoàng Trung.
Mặc dù Triệu Vân lập được vô số chiến công, thậm chí còn vang danh Tam Quốc trong nhiều trận đánh lớn, nhưng Lưu Bị vẫn cho rằng võ công của Trương Phi cao hơn võ tướng này.
Tuy nhiên, Gia Cát Lượng lại có đáp án hoàn toàn khác hẳn.
Tương tự như Lưu Bị, trong Tam Quốc diễn nghĩa, Gia Cát Lượng cũng từng 2 lần đánh giá võ công của Trương Phi và Triệu Vân. Lần đầu tiên là trong trận chiến ở ải Hà Manh vào năm 214.
Khi đó, Lưu Bị đưa quân vào Tây Xuyên đe dọa cơ nghiệp của Thứ sử Ích Châu Lưu Chương. Do đó, Lưu Chương buộc phải cầu cứu và nhờ Trương Lỗ. Ngay sau đó, Trương Lỗ giao 2 vạn quân cho Mã Siêu tiến đánh Lưu Bị để giải vây cho Lưu Chương.
Nhận được tin này, Lưu Bị và Gia Cát Lượng đã bàn cách để đối phó với cuộc tấn công của Mã Siêu ở ải Hà Manh. Muốn chống được Mã Siêu chỉ có thể dùng tướng mạnh như Trương Phi, Triệu Vân. Cuối cùng, Lưu Bị và Gia Cát Lượng đã chọn Trương Phi. Tuy nhiên, ngay trước khi hạ lệnh, Gia Cát Lượng đã đưa ra một quyết định khác, đó là dùng kế khích tướng Trương Phi.
Hiếm có ai nghi ngờ về sức mạnh chiến đấu của Trương Phi. Bởi võ tướng này từng đơn đấu với Lã Bố trong 100 hiệp mà vẫn bất phân thắng bại. Tuy nhiên, lần này Gia Cát Lượng lại bất ngờ khích tướng Trương Phi bằng lời nói.
Gia Cát Lượng nói rằng, Mã Siêu là võ tướng kiêu hùng, thiên hạ ai cũng biết. Võ tướng này từng làm cho Tào Tháo phải cắt râu, cởi áo, suýt nữa mất mạng khi bị truy đuổi sau thất bại tại trận Đồng Quan. Sức lực này không phải tầm thường và dẫu đến Quan Vũ cũng còn e không địch nổi.
Trương Phi nghe vậy liền xin đi và cam kết nếu không đánh nổi Mã Siêu thì xin chịu tội chết. Tuy nhiên, Gia Cát Lượng vẫn nói với Lưu rằng: "Xin chúa công đích thân đi cho một chuyến, để Lượng ở nhà giữ Miên Trúc, đợi Tử Long về rồi sẽ liệu".
Gia Cát Lượng sau khi khích tướng để Trương Phi bộc lộ 100% sức chiến đấu, liền khuyên Lưu Bị đích thân xuất trận. Ông nhấn mạnh đợi Tử Long (tức Triệu Vân) trở về thì sẽ bàn bạc xem có cần Triệu Vân tham chiến hay không. Gia Cát Lượng cố ý nói câu này rõ ràng theo ông thì Triệu Vân mạnh hơn Trương Phi.
Trương Phi đơn đấu với Mã Siêu từ trưa đến chiều tối mà vẫn chưa phân thắng bại. Thấy Lưu Bị nhiều lần phải thốt lên về khả năng chiến đấu của Mã Siêu, Gia Cát Lượng bèn dùng kế sách khiến võ tướng này phải bỏ giáp đầu hàng. Sau này, Mã Siêu trở thành Ngũ hổ tướng của Lưu Bị và nhà Thục Hán.
Chính vì Mã Siêu tự nguyện đầu hàng nên Trương Phi không đánh bại Mã Siêu ở ải Hà Manh.
Lần thứ hai Gia Cát Lượng đánh giá võ công của Trương Phi và Triệu Vân là khi ông xoa dịu Quan Vũ. Khi đó, Quan Vũ nghe nói Trương Phi khó phân cao thấp với Mã Siêu nên viết thư cho Lưu Bị. Danh tướng này nói với Lưu Bị rằng ông muốn đơn đấu để xem Mã Siêu tài giỏi đến đâu.
Quan Vũ lúc bấy giờ là tướng trấn giữ Kinh Châu, làm sao có thể dễ dàng rời đi. Do đó, Lưu Bị nhờ Gia Cát Lượng viết thư để xoa dịu Quan Vũ như sau: "Tôi nghe tướng quân muốn thi đọ cao thấp với Mã Mạnh Khởi (tức Mã Siêu). Tôi thấy Mạnh Khởi tuy hùng dũng hơn người, nhưng chẳng qua cũng được như đệ tử của Anh Bố và Bành Việt (hai võ tướng đầu thời nhà Hán, chỉ có thể tỉ thí với Dực Đức (Trương Phi) thì được, còn sao có thể so sánh được với Mỹ Nhiêm Công (ông râu dài đẹp). Nay tướng quân phục mệnh trấn thủ Kinh Châu là một việc lớn. Xin tướng quân hãy thận trọng!".
Quan Vũ xem xong thư liền vuốt râu cười mà nói rằng: "Quân sư hiểu lòng ta lắm!". Ông đưa thư cho các thuộc hạ xem và không có ý định vào Tây Xuyên nữa.
Ý tứ trong bức thư của Gia Cát Lượng là Mã Siêu tuy mạnh nhưng cũng chỉ ngang với Trương Phi, không bằng Quan Vũ. Vậy, câu hỏi đặt ra rằng tại sao Gia Cát Lượng không nói rằng Mã Siêu ngang cơ với Triệu Vân?
Theo lý giải của Gia Cát Lượng, ông nhận thấy Triệu Vân mạnh hơn Trương Phi. Hơn nữa, trước tình huống trên, nếu so sánh Mã Siêu với Triệu Vân thì làm sao một người nóng tính và kiêu ngạo như Quan Vũ có thể nguôi ngoai?
Từ những phân tích trên có thể thấy rằng, nhận định của Lưu Bị và Gia Cát Lượng về võ công của Trương Phi, Triệu Vân đều có phần đúng. Bởi lẽ, xét trong những khoảng thời gian khác nhau thì trình độ võ công của hai người quả thực khác biệt.
Trước trận Trường Bản, võ công của Trương Phi thực sự mạnh hơn Triệu Vân. Tuy nhiên, sau trận đánh vang danh Tam Quốc này, Triệu Vân quả thực bước vào thời kỳ đỉnh cao, năng lực chiến đấu và võ công đều được đánh giá rất cao. Trong khi đó, hiệu quả chiến đấu của Trương Phi dần bước vào thời kỳ suy giảm.
Đương nhiên, nếu có một trận đơn đấu diễn ra, chắc chắn Triệu Vân và Trương Phi cũng phải giao đấu ít nhất hơn 100 hiệp.