Dân Việt

"Vườn vàng" ở Lâm Đồng đang bảo tồn thứ cây đầu dòng, nhiều nơi dân đang muốn trồng

Diệp Quỳnh 12/04/2023 13:11 GMT+7
Trà hoa vàng, loài trà mang tính chất dược liệu quý, một loài cây đặc hữu của núi rừng Lâm Đồng đang được phát triển tại một số vùng như Đạ Huoai, Đà Lạt, bắt đầu hé lộ khả năng cung cấp một loại thức uống - dược liệu.

Và, một khu vườn đầu trồng những cây đầu dòng trà hoa vàng vừa được công nhận ở Lâm Đồng, góp phần giúp người trồng có những cây trà hoa vàng giống đạt chuẩn.

Ông Nguyễn Văn Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, người rất tha thiết với cây trà hoa vàng chia sẻ, trà hoa vàng (Camellia.spp) được người Pháp phát hiện ở Việt Nam từ năm 1910. 

Với Lâm Đồng, rất may mắn có nhiều chủng trà hoa vàng, được xem là nguồn gen tự nhiên quý. Và nông dân cũng như nhiều tổ chức, doanh nghiệp tại Lâm Đồng đã và đang trồng, chế biến trà hoa vàng thành nhiều sản phẩm thương mại như trà túi lọc, trà hoa vàng sấy thăng hoa, bột matcha trà hoa vàng… 

Mục tiêu của tỉnh Lâm Đồng cũng là phát triển rộng và chế biến sâu sản phẩm trà hoa vàng như một sản phẩm dược liệu đặc hữu. 

Và cũng từ mục tiêu ấy, Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong trồng một số loài trà hoa vàng phục vụ sản xuất trà túi lọc ở Lâm Đồng”, với vườn trà đầu dòng vừa được ngành nông nghiệp công nhận.

"Vườn vàng" ở Lâm Đồng đang bảo tồn thứ cây đầu dòng, nhiều nơi dân đang muốn trồng - Ảnh 1.

Kỹ thuật viên chăm sóc trà mi bạc trong vườn trà hoa vàng đầu dòng ở Lâm Đồng.

Trồng và chế biến trà hoa vàng bắt đầu từ phải trồng được cây trà có chất lượng tốt. Là loài cây có tốc độ sinh trưởng rất chậm, từ 4-6 năm mới thành thục, trà hoa vàng được xếp vào loại dược liệu “khó trồng, khó chăm”. 

Vì vậy, khi xây dựng vườn trà đầu dòng, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Ứng dụng đã phải đầu tư nhiều công sức. 

Sau khi xem xét, đánh giá tính chất, sức sống cũng như khả năng ứng dụng, đội ngũ thực hiện dự án đã chọn nhân giống 3 loài trà hoa vàng phổ biến, đó là trà hoa vàng Đà Lạt, trà hoa vàng Di Linh và trà mi bạc. 

Ông Nguyễn Văn Quang chia sẻ: “Cả nước có trên 40 loài trà hoa vàng, Lâm Đồng có 5 loài, trong đó có 3 loài có khả năng nhân rộng. Chúng tôi lựa chọn nguồn giống rất kỹ vì đây là cơ sở đầu tiên để có những cây trà khỏe mạnh. Khác với nhiều vườn trà đã trồng chủ yếu do di thực cây từ rừng về, sắp tới, cây trà chủ yếu được nhân giống bằng phương pháp giâm hom. Vì vậy, chúng tôi phải đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên nhân giống trà hoa vàng thành thạo để có những cây trà giống tốt nhất”.

Vườn trà hoa vàng đầu dòng được trồng tại Trạm thực nghiệm của Trung tâm, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương với xấp xỉ 100 gốc trà thuộc 3 loài. Những cây trà được chăm sóc tốt, sống và phát triển khá mạnh dưới giàn lưới đen che bớt ánh sáng. 

Ông Quang cho biết, vườn đầu dòng đã được ngành nông nghiệp công nhận, đã thu được gần 5 ngàn hom giống đảm bảo chất lượng giống chuẩn. Hom giống được chuyển ra vườn nhân giống, ươm được gần 4 ngàn cây giống đạt tiêu chuẩn. Đã có một số nông hộ lấy giống từ vườn đầu dòng để trồng như nông dân Đà Lạt vừa triển khai trên diện tích 3 ha tại xã Trạm Hành.

Ngoài vườn trà đầu dòng, dự án còn xây dựng 3 mô hình trồng trà hoa vàng tại 3 nông hộ thuộc 3 vùng sinh cảnh của cây trà. Một vườn trồng trà mi bạc tại xã Đạ Tồn, huyện Đạ Huoai, vườn trồng trà Di Linh tại xã Hoà Bắc, huyện Di Linh và mô hình trồng trà Đà Lạt tại thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương. 

Được chuyển giao kỹ thuật chăm sóc tốt, sau gần 2 năm, tỷ lệ sống của các cây trà đều đạt trên 85%, cây phát triển với tốc độ bình thường. Riêng trà mi bạc phát triển tốt, tỷ lệ sống cao với 96%, đã sắp sửa cho thu hoạch lá lứa đầu. Kết quả đem lại này rất đáng mừng khi đưa cây trà hoa vàng từ vườn ươm ra trồng thương phẩm.

Đây là dự án được triển khai từ một công trình khoa học của Trường Đại học Đà Lạt nghiên cứu về cây trà hoa vàng từ nhiều năm, ông Nguyễn Văn Quang chia sẻ. Từ công trình nghiên cứu khoa học được hiện thực hoá thành những vườn trà, không chỉ là công trình trên giấy mà chính là sự hợp sức của nhiều người. 

Tiến sỹ Lương Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đa dạng sinh học và Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Đà Lạt, người đã nhiều năm gắn bó với nghiên cứu cây trà hoa vàng đã rất gắn bó với dự án, mong mỏi đem cây trà trồng và chế biến rộng rãi, phát huy được dược chất có trong trà hoa vàng, mang lại sức khỏe cho con người và mở rộng diện tích loài cây quý.