Dân Việt

Nông dân đầu tiên nuôi mực ống lồng bè ở Phú Quốc của Kiên Giang, thu 150 triệu/tháng, ai cũng muốn xem

Quốc Bình 13/04/2023 18:42 GMT+7
Nhận thấy nguồn cá mực ống ngoài tự nhiên ngày càng khan hiếm, một người nông dân ở đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã mạnh dạn thí điểm nuôi mực ống trong lồng bè, vốn thường được dùng để nuôi cá. Kết quả bước đầu, mô hình nuôi mực ống thành công ngoài dự kiến.

Nông dân đầu tiên nuôi mực ống trong lồng bè trên biển là ông Võ Văn Quang (52 tuổi, ngụ phường An Thới, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). 

Ông Quang cho biết, từ trước tới nay, gia đình mình sinh sống bằng nghề câu mực. Từ năm 2002 trở đi, ngư trường bắt đầu cạn kiệt dần loài mực ống. Nhiều đêm, số mực ống câu được không đủ bù chi phí tiền dầu chạy ghe câu, thậm chí có đêm không câu được con cá mực nào.

Nông dân đầu tiên nuôi mực ống lồng bè ở Phú Quốc của Kiên Giang, thu 150 triệu/tháng, ai cũng muốn xem - Ảnh 1.

Mực ống nhỏ sau 1 tháng nuôi trong lồng bè sẽ đạt trọng lượng 14-15 con/kg, giá bán mực ống tại chỗ lên tới 500.000 đồng/kg. Mô hình nuôi mực ống trong lồng bè của ông Quang ở địa chỉ phường An Thới, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Ảnh: CTV

Nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ của du khách tới đảo Phú Quốc tăng cao. Ngư dân địa phương và cả dân nhập cư từ đất liền ra liên tục “càn quét” vùng biển nên mực không kịp sinh sản tái tạo đàn. “Nhiều người còn có sở thích ăn mực trứng, và chính sở thích này khiến ngày càng ít mực còn khả năng sinh sản”, ông Quang nói.

Để duy trì sinh kế, gia đình ông Quang chuyển sang xin thuê mặt biển để nuôi cá lồng bè. Trong quá trình nuôi cá, ông Quang vẫn nhớ về con mực ống – một loại đặc sản của vùng biển Phú Quốc.

Suốt hàng chục năm gắn bó với con mực, ông Quang nhận thấy mực ống tuy khó nuôi nhưng nếu chịu để ý, tích lũy kinh nghiệm cũng sẽ làm được. 

Trước tiên, phải chuẩn bị và vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ. Sau đó, mua mực của ngư dân đánh bắt ngoài biển về (loại 18-20 con/kg), nuôi thuần dưỡng với mật độ khoảng 10-15 kg/lồng nuôi (diện tích 16m2). Thức ăn cho mực phải là cá tươi sống. Ban đêm, lồng nuôi phải bố trí đèn đủ sáng để mực không ăn thịt lẫn nhau.

Ông Quang chia sẻ thêm, vượt qua tuần đầu tiên sau khi thả nuôi coi như khỏe, tỷ lệ hao hụt rất thấp, dưới 10% số mực ban đầu. 

Sau thời gian bình quân khoảng 1 tháng là có thể xuất bán ra thị trường. Với 3 lồng nuôi, mỗi tháng, ông Quang thu hoạch gần 1 tấn mực ống cỡ 14-15 con/kg, giá bán tại lồng cho thương lái thu mua là 500.000 đồng/kg. Sau khi trừ tất cả chi phí, số tiền lời thu được khoảng 150 triệu đồng/tháng.

“Tôi dự tính sẽ mở rộng diện tích nuôi mực. Và đương nhiên, nếu các ngành chức năng hỗ trợ vốn, hỗ trợ khoanh vùng bảo vệ để mực sinh sản tự nhiên nữa thì nguồn lợi thủy sản này sẽ không bao giờ cạn kiệt”, ông Quang nói.

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang cho hay, mô hình của ông Quang là lần đầu tiên ghi nhận trên vùng biển của địa phương này. Mực là loài có tốc độ sinh sản rất nhanh, vấn đề là phải bảo tồn sinh cảnh để cho việc sinh sản của mực diễn ra suôn sẻ. Sắp tới, ngành nông nghiệp sẽ đi sâu, tìm hiểu thêm về mô hình thuần dưỡng mực ống này.