Đây là hang đá đẹp như phim, thơ mộng, huyền bí nhất Kiên Giang đang có nhiều người đến xem
Đây là hang đá đẹp như phim, thơ mộng, huyền bí nhất Kiên Giang đang hút khách đến xem
Thứ sáu, ngày 24/02/2023 05:31 AM (GMT+7)
Di tích lịch sử và thắng cảnh hang Mo So thuộc ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) được ví như một pho sử vàng, lưu giữ nhiều chiến tích của cha anh. Không những thế, hang đá Mo So còn thu hút du khách với chuỗi hang động đẹp, huyền bí và thơ mộng.
Mo So tiếng Khmer nghĩa là núi vôi, hay đá trắng. Ngọn núi này có diện tích 23,5ha, nằm cách trung tâm huyện Kiên Lương của tỉnh Kiên Giang khoảng 3km về phía Tây Bắc.
Mo So được xếp hạng Di tích lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia theo Quyết định số 188-QĐ/BT, ngày 13/2/1995 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Khí phách Mo So
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Kiên Lương, Lâm Văn Giàu, thời chống Pháp, Mo So là nơi đóng quân của Công binh xưởng Quân khu 9, Công binh xưởng 18 chế tạo, sửa chữa vũ khí, cung cấp cho quân ta ở chiến trường Tây Nam Bộ.
Những năm 1950, địch mở nhiều cuộc càn quét vào hậu cứ vùng giải phóng, trong đó có Mo So nhằm cắt nguồn hậu cần, làm suy yếu sức mạnh tiến công của quân, dân ta.
Sáng ngày 4/3/1951, địch đánh Mo So. Pháo từ biển bắn vào tới tấp, binh khí hỏa lực từ máy bay trút xuống. Mo So rền vang trong cơn mưa đạn, không gian bao trùm một màu ảm đạm. Lực lượng ta chỉ 60 đồng chí, chiến đấu anh dũng. Trưa cùng ngày, đồng đội nghiêng mình vĩnh biệt anh Thạch Xiêm, người Khmer đã anh dũng hy sinh để bảo vệ đồng đội và Công binh xưởng 18.
Lật lại lịch sử Mo So, Thiếu tá Nguyễn Tấn Liệt, nguyên Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự huyện Hà Tiên (nay đã tách thành ba địa danh gồm: thành phố Hà Tiên, huyện Giang Thành, huyện Kiên Lương, thuộc tỉnh Kiên Giang), người từng chiến đấu ở Mo So cho biết: kháng chiến chống Mỹ, Mo So tiếp tục là căn cứ vững chắc của Huyện ủy Hà Tiên.
Du khách tham quan hang Mo So, ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: TRƯƠNG MINH ĐIỀN
Đây cũng là điểm chốt quan trọng trên tuyến đường 1C chi viện vũ khí từ bắc vào nam, thông qua tỉnh Kampốt (Vương quốc Campuchia) về vùng U Minh Thượng. “Giữa tháng 7/1969, các cơ quan của Hà Tiên chuyển về Mo So. Tháng 7/1970, địch bao vây miệng núi
Mo So. Chúng rải chất hóa học, Mo So từ một mầu xanh của núi rừng chỉ còn trơ đá. Nhiều đồng đội của tôi hy sinh phải mang ra chân núi Mo So chôn cất”, Thiếu tá Nguyễn Tấn Liệt kể.
Không lùi bước trước quân thù, ý chí của lực lượng ta khi ấy như ngọn núi Mo So, sừng sững, hiên ngang. Từ tháng 7/1969 đến tháng 4/1970, tại chiến trường Mo So, quân ta tiêu diệt hơn 4.000 tên địch, phá hủy 80 xe tăng, bắn rơi 10 máy bay. Chiến thắng Mo So góp phần cùng thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Giữ gìn kỳ tích thiên nhiên
Theo các nhà khảo cổ học Việt Nam, núi Mo So có hơn 20 hang lớn nhỏ, có những hang rất lớn chứa hàng nghìn người. Nhìn từ trên cao xuống, Mo So như hòn non bộ, có lạch nước chảy qua ngoằn ngoèo như bức tranh sơn thủy hữu tình.
Từ xa nhìn vào, Mo So tựa dáng một con voi trắng khổng lồ hiền hòa nằm nghỉ ngơi bên hồ nước lớn. Theo tư liệu khảo cổ học Việt Nam, Mo So và nhiều núi đá vôi khác ở huyện Kiên Lương được hình thành vào khoảng 240 triệu năm trước. Phần chân núi còn để lại dấu ngấn nước biển lõm sâu vào vách đá, là dấu tích khoảng 4.000-5.000 năm trước Công nguyên.
Có hơn 23 năm làm “hướng dẫn viên du lịch” không chuyên, ông Phan Văn Hữu, 59 tuổi, ngụ ấp Ba Núi, xã Bình An hiểu mọi ngõ ngách của Mo So. Được ông Hữu dẫn đường, chúng tôi chiêm ngưỡng một hệ thống hang động tuyệt đẹp, kỳ thú và đầy bí hiểm với các hang lớn nhỏ như: Huyện ủy, Huyện đội, Công Binh, Điện Đài, Cây Me…. “Tên gọi này được đặt theo các đơn vị ta trú đóng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”, ông Hữu giải thích.
Đi theo ông qua đường mòn phía tây, chúng tôi đến hang Quân y - Kinh Tài. Đầu là hang Quân y, cuối là hang Kinh Tài có chiều sâu hơn 100m và có xu hướng mở rộng dần. Giới thiệu về hang Quân y, ông Hữu nói: “Thời kháng chiến chống Mỹ, đây là bệnh viện dã chiến của ta để chữa trị cho thương bệnh binh.
Toàn bộ hang thông lên đỉnh núi theo đường gấp khúc giúp thu nhận được ánh sáng, không khí vào hang. Trời nắng, thời tiết bên ngoài càng nóng thì trong hang càng mát. Mùa đông, bên ngoài lạnh bên trong vẫn ấm áp”. In hằn trên vách hang Quân y là những khẩu hiệu do bộ đội ta viết: “Anh dũng tuyệt vời”, “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”…
Qua hang Hai Vòi Rồng 5m, chúng tôi thấy hai khối thạch nhũ to lớn như hình chiếc vòi rồng khổng lồ từ trên cao thả dài xuống, hình hài uốn lượn. Giữa tâm của Mo So là một lòng chảo lớn, bằng phẳng, lồng lộng trời mây, vách núi lô nhô bao bọc.
Nhìn về phía đông, thấy hang Cây Me có đường xuyên qua hang Huyện ủy và hang Huyện đội… Cạnh chân núi Mo So có bàn thờ bên vách núi, ông Phan Văn Hữu giải thích: “Trước đây, người dân đào phát hiện hài cốt của liệt sĩ, sau đó báo Ban Chỉ huy quân sự huyện Kiên Lương cất bốc, đưa về an táng. Người dân ở đây lập bàn thờ, hằng ngày đốt nhang tưởng niệm”.
Đến tham quan hang Mo So từ thành phố Cần Thơ, chị Phạm Kiều Tiên (40 tuổi) nhận xét: “Mo So tuyệt đẹp. Nơi đây có núi rừng hoang dã, hang động kỳ thú. Đến đây không chỉ được ngắm cảnh đẹp mà còn hiểu thêm về một chiến tích mà cha ông để lại”.
Cảnh quan thiên nhiên Kiên Lương có sự kết hợp khá hài hòa giữa núi đồi, biển cả, hang động và các cụm đảo ven bờ. Nếu như Mo So huyền bí, gắn với biết bao chiến tích lẫy lừng thời kháng chiến thì thắng cảnh Chùa Hang - Hòn Phụ Tử lại hiền hòa, thơ mộng.
Trong khi Ba Hòn Đầm sóng biển rì rào va vào vách đá, thì Hòn Nghệ dịu êm, lung linh về đêm… Nhiều du khách từng đến và trải nghiệm du lịch ở Kiên Lương đều có chung nhận xét, Kiên Lương giống như Vịnh Hạ Long của phương nam.
Chị Phạm Thị Bích, 40 tuổi, du khách tỉnh Tiền Giang, cho biết: Kiên Lương có nhiều cảnh đẹp hữu tình. Nơi đây có cả đồng bằng, núi, hang động, biển và rừng ven biển. Kiên Lương còn có chùa (ở xã Bình An) và tượng phật Quan Âm (ở xã Hòn Nghệ), giúp cho nhiều du khách đến đây có được cảm giác bình an, thanh tịnh.
Ông Nguyễn Anh Minh (67 tuổi, ngụ ở tỉnh Vĩnh Long) vừa được con cháu chở đi du lịch Kiên Lương rất thích thú; đặc biệt là ấn tượng về lịch sử thắng cảnh Mo So, về quá trình chiến đấu đầy gian khổ nhưng rất đỗi tự hào, qua đó giáo dục con cháu về tình yêu quê hương đất nước.
Mo So tuyệt đẹp và thơ mộng. Bảo vệ, tôn tạo và phát triển du lịch Di tích lịch sử và thắng cảnh Mo So không chỉ là bảo vệ cảnh sắc thiên nhiên, sự phát triển bền vững của một hệ sinh thái núi đá vôi, hang động, mà còn là bảo vệ chiến tích của cha anh. Nơi đã từng bao bọc, che chở những người con anh dũng đã góp phần làm nên lịch sử.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.