Thời gian đầu, cây gạo phát triển tự nhiên và mọi người coi như là cây chung của cả làng, bến đò Hạ Lát (Bắc Giang). Tuy nhiên, một số người dân thường đi đẽo vỏ cây để về làm thuốc nên ông Xuân cho xây một bức tường lửng thấp bao chắn phần gốc cây gạo
Cây gạo vốn xưa kia ở phần đất rìa làng, sau này được một người nông dân mua đất làm nhà và dành sở hữu cho gia đình với mong muốn giữ gìn nét đẹp của làng quê Việt.
Vào mùa này, đi dọc sông Cầu, chúng ta sẽ thấy nhiều cây gạo đang bung nở những chùm hoa đỏ rực trong tiết trời còn vương vấn mùa xuân tươi đẹp. Đứng từ xa, bên này sông Cầu đã nhìn thấy rõ một cây gạo cổ thụ ở ngay bến đò Hạ Lát (Bắc Giang), còn gọi là bến đò Đồng Bún (Bắc Ninh).
Cây gạo này thuộc sở hữu của một gia đình nông dân, không phải như những cây đa, cây gạo khác là cây chung của làng, xã.
Ông Dương Văn Xuân là chủ sở hữu của cây gạo ở cuối làng, nơi bờ sông nối xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang với xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Ông Xuân năm nay gần 60 tuổi. Theo lời kể từ lúc còn nhỏ, ông Xuân đã thấy có cây gạo này. Ông hỏi cha mẹ thì được biết là từ thời ông bà đã thấy cây được trồng ở ven đê. Vì vậy, căn cứ vào những câu chuyện truyền lại thì những cụ cao niên ở địa phương ước đoán cây gạo có tuổi đời khoảng 120 năm.
Xưa kia, phần đất này vốn ở rìa làng, xung quanh là sông nước và ruộng đồng, không có người ở. Sau này, địa phương giãn dân nên một số hộ ra đây mở rộng làng xóm, vỡ đất trồng trọt. Nhà ông Xuân mua đất xây nhà, làm vườn và mua cả phần đất có cây gạo cổ.
Hoa gạo nở rộ. Cây gạo của gia đình ông Dương Văn Xuân, ngay bến đò Đồng Bún, nơi bờ sông nối xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang với xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Thời gian đầu, cây gạo phát triển tự nhiên và mọi người coi như là cây chung của cả làng. Tuy nhiên, một số người dân thường đi đẽo vỏ cây để về làm thuốc nên ông Xuân cho xây một bức tường lửng thấp bao chắn phần gốc cây gạo.
Phần gốc cây xù xì, có chu vi lớn hơn hai vòng tay người ôm. Các nhánh cây khỏe mạnh và bung nở vô vàn những chùm hoa lớn, đỏ rực.
Ông Xuân coi cây gạo như một thứ tài sản quý của gia đình và cộng đồng nên thường xuyên chú ý việc phòng, chống sâu bệnh để cho cây được trường tồn.
Mỗi buổi chiều người dân đi làm về qua sông, hoặc đi dạo quanh con đường này họ thường ghé vào ngồi nghỉ uống nước ngay dưới gốc cây gạo thân quen. Năm nay đặc biệt nhuận tháng hai âm lịch nên hoa gạo nở được lâu hơn, kéo dài thêm mùa xuân ở lại với đất trời.