Cổ vật chùa Giàu ở Hà Nam, bia đá khắc họa chân dung Ngọc Hoàng sớm nhất lịch sử nghệ thuật Đại Việt

Thứ bảy, ngày 15/04/2023 14:37 PM (GMT+7)
Bia đá chùa Giàu (xã Đinh Xá, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) khắc họa chân dung vua Trần/Ngọc Hoàng Thượng Đế sớm nhất hiện biết trong lịch sử nghệ thuật Đại Việt.
Bình luận 0
Bia đá chùa Giàu ở Hà Nam khắc khọa chân dung Ngọc Hoàng Thượng Đế là minh chứng cho bàn tay chạm khắc điêu luyện của người thợ xưa, là một trong những bảo vật quốc gia của Việt Nam, có giá trị văn hóa và lịch sử đặc biệt.

Chùa Giàu có tên chữ là “Khánh Long Tự” ở thôn 2, xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Trong năm 2021, chúng tôi phối hợp với đoàn nghiên cứu của Bảo tàng tỉnh Hà Nam tiến hành tổ chức nghiên cứu, in rập kĩ lưỡng hệ thống thác bản văn bia chùa Giàu (huyện Bình Lục - Hà Nam) trong đó, có tấm bia bằng đá xanh xám chạm nổi phù điêu hình tượng vua/Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Tấm bia quý thời nhà Trần

Tấm bia đá bị vỡ làm 3 mảnh đã được gắn chắn lại bằng xi măng, cao 96 cm, rộng 60 cm, dày 12 cm. Mặt trước có phần trán cao 13 cm chạm một đôi rồng chầu vào bốn chữ viết thảo thành hai hàng dọc và hai hàng ngang (mỗi hàng đều chỉ có hai chữ) “Đại Phúc Thông Minh” (tôn quý cụ thể cái phúc lớn, sáng sủa, minh bạch).

Cổ vật chùa Giàu ở Hà Nam, bia đá khắc họa chân dung vua Ngọc Hoàng sớm nhất lịch sử nghệ thuật Đại Việt - Ảnh 1.

Bia đá chùa Giàu được phục chế bằng nét vẽ mực Chu Sa khắc họa chân dung vua/Ngọc Hoàng Thượng Đế sớm nhất hiện biết trong lịch sử nghệ thuật Đại Việt. Ảnh: Đào Xuân Ngọc

Bố cục trán bia là đôi rồng chầu vào mảng chữ tên bia “Đại Phúc Thông Minh” ở chính giữa trán. 

Lối bố cục này phổ biến trên nhiều bia thời Lý và bia thời Trần, từ thời Lê về sau rất hiếm gặp mà mảng ô chữ được thay bằng hình mặt trời, còn tên bia được chuyển sang viết thành một hàng ngang dưới trán bia.

Con rồng ở trán bia uốn khúc đều đặn, răng nanh quyện lấy môi trên kéo dài ra thành cái mào giống rồng thời Lý nhưng tù hơn và có khi biến thành cái dấu hỏi to (ở đầu rồng tay ngai). 

Rồng có tai và sừng chạc. Hình tượng rồng trên tấm bia mang điển hình cho rồng nửa sau thời Trần. Hai bên thành và trán bia được viền bằng dải hoa dây cách điệu, mềm mại. Viền quanh bia là hai dây hoa uốn sóng đều đặn theo hình sin từ chân bia bốc lên rồi ngoắc ngọn vào nhau ở đỉnh bia, trong mỗi khúc uốn lại trổ ra một bông hoa lấp kín tạo bởi những guột móc toả về hai bên.

Mặt sau bia không có trang trí. Bài văn khắc trên bia, phần chính văn gồm 7 dòng, mỗi dòng gồm 19 chữ. Tiêu đề “Ngô Gia Thị bi” nghĩa là Văn bia họ Ngô, khắc phía trên bên phải bia. 

Theo PGS.TS Chu Quang Trứ, bia đá cho biết: “Tại tiểu am thôn Mai, kinh (...), lộ Lợi Nhân, nguyên có người ở Ông Xá đã mất, họ Ngô, được ban hiệu là Ngộ Không cư sĩ. Ngày 10 tháng 8 năm Mậu Tuất, niên hiệu Hưng Long 6 (năm 1298) nhà vua (Ngự lãm) ở Vân Am, đích thân ông họ Ngô (...) dâng tấu xin đem đất vườn để dựng chùa. 

Khi ấy có vị Viên Tịch đại sa môn đã dâng tấu xin đem đất vườn để dựng chùa. Khi ấy có vị Viên Tịch đại sa môn đã dâng tấu xin phật Tam Thế cho về ở tiểu am thôn Mai, đến năm Hưng Long thứ 13 (1305) thì mất. Ngày 25 tháng 8 Ngộ Không quyết (định mai) táng. Vì lẽ đó dựng nhà tại đây.

Năm Bính Ngọ niên hiệu Đại Trị (năm 1366), nguyên Nhập nội (...) (hiệu) đạo sĩ ẩn dấu công lao phù thuỷ vốn có (đi) khuyên giáo khắp nơi cúng ruộng làm chùa, khắc bia mới (để mọi người) được thụ trì kinh Ngọc Đế và kinh Đại Bi”.

Khái lược thì bia cho biết, ở Mai thôn xã Đinh Xá lộ Lợi Nhân có ông Ngô Lãm được vua ban cho hiệu là Ngộ Không cư sĩ, vào năm Mậu Tuất niên hiệu Hưng Long thứ 6 (1298) đã cúng ruộng tiền để xây dựng Vân Am ở địa phương; đến năm Hưng Long thứ 12 (1304) Viên Tịch đại sa môn ở đây mất, Ngộ Không quyết định an táng tại địa phương. Năm 1366, khắc bia đá để ghi công đức. Phần tiếp theo ghi việc một số người cúng tiền, ruộng để tu sửa Vân Am.

Như vậy, tấm bia chùa Giàu thực sự là một hiện vật quý có giá trị về mặt tư liệu và mĩ thuật, soi sáng nhiều vấn đề của lịch sử thời nhà Trần. 

Hình thức chạm khắc trong lòng bia rất độc đáo (thường thì bia chỉ trang trí ở trên trán và diềm, chân bệ). Cho đến nay chưa phát hiện được tấm bia nào ở các thời kì sau có hình thức trang trí này.

Sách Hà Nam di tích và danh thắng còn cho biết, bia chùa Giàu đã bổ sung thêm tên một lộ còn thiếu của thời nhà Trần. 

Lộ là đơn vị hành chính thời Lý, Trần. Nhưng các sách sử thời xưa lại ghi chép không rõ ràng. Lý Công Uẩn lên ngôi chia cả nước làm 24 lộ. Đại Việt sử kí Toàn thư và Khâm định Việt sử Thông giám cương mục chỉ ghi chép tên 12 lộ (thiếu một nửa).

Sử chép nhà Trần đổi 24 lộ thời nhà Lý thành 12 lộ, nhưng không chép rõ danh sách các lộ đó. Việc tìm kiếm một lộ còn thiếu rất được các nhà khảo cứu quan tâm, nhưng chưa biết kê cứu vào đâu. 

Rõ ràng văn bia chùa Giàu đã ghi “Lợi Nhân Lộ” chỉ vị trí dựng bia là đơn vị lộ đã tồn tại thời Trần. Địa giới của lộ Lợi Nhân hẹp hơn hay trùng hợp, hoặc rộng hơn đất đai của phủ Lý Nhân ở các thời sau cần phải khảo cứu thêm.

Cổ vật chùa Giàu ở Hà Nam, bia đá khắc họa chân dung vua Ngọc Hoàng sớm nhất lịch sử nghệ thuật Đại Việt - Ảnh 4.

Bản dập trán bia chùa Giàu, thôn 2, xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Đào Xuân Ngọc

Hình tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế trong bia đá chùa Giàu

Bia đá chùa Giàu là hiện vật gốc, độc bản duy nhất khắc họa chân dung vua/Ngọc Hoàng Thượng Đế quyền quý và uy nghi với mũ bình thiên, áo vương phục và ngai rồng. 

PGS.TS Tống Trung Tín trong cuốn sách “Nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thời Lý và thời Trần” (XI-XIV) cho biết: Kín trong lòng bia là hình chạm một người đàn ông đã luống tuổi đang ngồi trên ghế dựa (tay ghế chạm rồng), khuôn mặt béo tốt, phương phi, mắt dài, mày xếch, sống mũi thẳng, ria mép dài, mồm rộng, hai bàn tay vòng ngay ngắn trước ngực, hai chân buông thẳng, mũi bàn chân quay về hai phía, dáng vẻ quắc thước.

Phục sức gồm có áo choàng rộng nhiều nếp lớn phủ kín từ vai đến chân, ống tay áo rộng xòe ra che kín trước bụng, phía dưới các ống tay áo xuất hiện ba dải dây lưng có tua tròn. 

Mũ đội kiểu “bình thiên” có hai phần: Phần dưới ôm khít đầu, phần trên loe rộng, đỉnh mũ bằng phẳng có trang trí các hình tròn và đường vạch chéo. Cổ đeo một vòng lớn có đính hạt ngọc (chấm tròn) và các tua dài. Phía bên dưới có hàng cánh sen.

Đây không thể là một nhân vật tầm thường, PGS.TS Chu Quang Trứ cho biết: nếu nhân vật chỉ có thân phận là một vương công hay một cư sĩ hoặc có công xây dựng chùa thôi thì làm sao được ngồi ngai rồng, hai tay cầm hốt, đầu đội mũ “bình thiên” và mặc áo như kiểu long bào, thậm chí phía sau đầu còn toả vòng hào quang và toàn thể lại ở trên một tòa sen? 

Luật lệ phong kiến xưa chỉ dành những thứ trên cho thần, thánh hay ít ra là vua; người dân bình thường hay quan chức mà lạm dụng những thứ đó thì chắc chắn sẽ bị ghép tội rất nặng.

Sau hơn 2 năm, từ quá trình tập hợp tư liệu và tổ chức nghiên cứu so sánh trên nhiều di tích và di vật đồng đại, có cùng chất liệu. 

Đối chứng với tượng đã biết có hình thức tương tự bức chạm trên, chúng tôi thấy có hai nhân vật: vua ở cõi Trần và Ngọc Hoàng là vua ở cõi Trời được khắc họa cùng theo một cách thức thể hiện ở tư thế và trang phục như được khắc họa trên bia đá chùa Giàu.

PGS.TS Chu Quang Trứ cho rằng, có thể đó là chân dung vua Trần Nhân Tông thực sự, ghi lại hình ảnh và sự kiện năm 1298 vua Trần Nhân Tông đã ngự giá về đây, và nhờ đó Vân Am có thêm đất của cư sĩ Ngộ Không dâng làm chùa. 

Các hình Ngọc Hoàng thường không thấy có hào quang ở đầu và càng không ở trên đài sen, những thứ đó thường gắn với Phật. Vua Trần Nhân Tông là Tổ của Thiền phái Trúc Lâm, tức Vua đã hoá Phật, hay là Phật tái thế, do đó bức chân dung chùa Giàu có tư thế và trang phục vua, có đài sen và hào quang của Phật là hoàn toàn thích hợp.

Có thể nói, tấm bia đá chùa Giàu mang nhiều giá trị về nghệ thuật điêu khắc Việt Nam. Đây là chân dung một tôn thần duy nhất còn sót lại của mĩ thuật tôn giáo thời nhà Trần, cho phép chúng ta có những hình dung về phương thức bài trí đồ tượng trong không gian thờ tối linh, nhiệm màu của Thần điện.

Hiện tượng bề mặt của tấm phù điêu được mài nhẵn, bóng thì nhiều khả năng vào thời Trần là có tô phủ, vẽ, dát vàng... chăng? 

Quá trình xây dựng hình tượng nhà vua Trần Nhân Tông hay Ngọc Hoàng ở tấm phù điêu này, nhiều khả năng đã được Họa sư đương thời lấy ý tưởng khắc họa từ chân dung của một vị vua hội tụ cả 3 hệ tư tưởng “Vua - Phật - Đạo” và có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tôn giáo thời Trần.

Nguyễn Hữu Mạnh-Đào Xuân Ngọc (Báo Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem