Dân Việt

Người đấm vào mặt đại úy công an ở Bắc Giang có thể bị xử lý thế nào?

Quang Trung 15/04/2023 19:12 GMT+7
Trong lúc lực lượng chức năng giải thích, Đông đấm vào mặt một đại úy công an. Với hành vi này, đối tượng có thể bị xử lý thế nào?

Đấm vào mặt đại úy công an khi đang được giải thích

Cơ quan CSĐT Công an huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang vừa tạm giữ hình sự Đỗ Văn Đông (trú xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam) để điều tra hành vi chống người thi hành công vụ.

Theo điều tra, tối 12/4, Đông và vợ xô xát tại nhà riêng. Khi đó, người dân gọi điện báo công an.

Người đấm vào mặt đại úy công an ở Bắc Giang có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Đỗ Văn Đông tại cơ quan công an. Ảnh: CACC

Khi đến nhà nghi phạm, đại úy N.V.H. và một cán bộ Công an xã Huyền Sơn bị Đông đẩy ra khỏi nhà. Trong lúc anh H. giải thích, Đông đấm vào mặt cán bộ này.

Lực lượng chức năng cùng người dân đã bắt giữ Đông, bàn giao cho Công an huyện Lục Nam.

Có thể bị xử lý hình sự khi nào?

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo thông tin ban đầu, thấy hành vi của đối tượng là coi thường pháp luật, coi thường người thi hành công vụ.

Vì vậy, việc cơ quan công an khống chế, tạm giữ hình sự đối với đối tượng về hành vi chống người thi hành công vụ là hoàn toàn có căn cứ, đúng quy định pháp luật.

Vị luật sư cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP, hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao.

Người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội theo quy định khoản 1 Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP.

Trong vụ việc này, luât sư Đồng nêu quan điểm, nếu hành vi chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đối tượng sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, với tiền từ 6 đến 8 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm buộc xin lỗi công khai đối với người thi hành công vụ đó.

Trường hợp hành vi đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể đối tượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Chống người thi hành công vụ quy" định tại Điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015 và có thể đối mặt với mức phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Vị luật sư nói thêm, hành vi chống người thi hành công vụ xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người đang thi hành công vụ và thông qua đó xâm phạm đến hoạt động của Nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công.

Đối tượng tác động của tội phạm này là người đang thi hành công vụ. Người thi hành công vụ là người được Nhà nước hoặc xã hội giao cho những nhiệm vụ, quyền hạn nhất định trong quản lý lĩnh vực hành chính Nhà nước nhất định.

Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp. Nghĩa là biết mình đang cản trở người thi hành công vụ hoặc cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện hành vi.

Hành vi chống người thi hành công vụ nếu gây thương tích hoặc làm chết cán bộ thi hành công vụ, người phạm tội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội như cố ý gây thương tích, giết người.