Trách nhiệm hình sự vụ cựu đội trưởng Trại tạm giam Long Tuyền bị bắt
Trách nhiệm hình sự vụ cựu đội trưởng Trại tạm giam Long Tuyền bị bắt
Quang Trung
Thứ bảy, ngày 15/04/2023 14:24 PM (GMT+7)
Theo chuyên gia pháp lý, hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ quản giáo sẽ khiến cho việc thi hành pháp luật hình sự thiếu tôn nghiêm, làm giảm hiệu quả trong công tác giáo dục phạm nhân.
Chiều 14/4, tại họp báo quý I của UBND TP Cần Thơ, đại tá Hồ Trung Lập, Phó giám đốc Công an TP Cần Thơ, thông tin về vụ nguyên đội trưởng Trại tạm giam Long Tuyền bị cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao khởi tố về hành vi Lạm quyền trong khi thi hành công vụ.
Theo đại tá Hồ Trung Lập, qua công tác thanh tra, công an thành phố phát hiện cán bộ Trại tạm giam Long Tuyền có dấu hiệu vi phạm quy định trong giam giữ, lạm quyền trong khi thi hành công vụ. Công an TP Cần Thơ đã bàn bạc với Viện KSND cùng cấp để điều tra, làm rõ.
"Vụ việc này thuộc thẩm quyền của Viện KSND Tối cao. Ngày 12/4, cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã khởi tố bị can, bắt tạm giam thiếu tá Đỗ Tiến Dũng, nguyên Đội trưởng Đội quản giáo, đồng thời khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với thượng úy Nguyễn Duy Đạt, cán bộ Đội Cảnh sát bảo vệ Trại tạm giam về hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ".
Theo thông tin ban đầu, cả hai người trên bị cáo buộc hành vi tạo điều kiện cho người bị tạm giam sử dụng điện thoại liên lạc với bên ngoài trái quy định, có dấu hiệu để trục lợi.
Chuyên gia pháp lý nói gì?
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, lạm quyền trong khi thi hành công vụ là một trong những tội danh thuộc nhóm tội phạm về tham nhũng và chức vụ theo quy định của Bộ luật hình sự.
Người thực hiện hành vi phạm tội là người có chức vụ quyền hạn nhưng đã vượt quá giới hạn quyền lực của mình gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân, thiệt hại đến uy tín của nhà nước.
Như vậy, trường hợp kết quả điều tra cho thấy các bị can đã có hành vi vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10 đến dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì bị xử lý về tội danh trên.
Với tội danh này, mức hình phạt thấp nhất là một năm tù và mức hình phạt cao nhất tới 20 năm tù nếu gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên.
Theo ông Cường, trong vụ án này, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã khởi tố hai bị can, cơ quan điều tra sẽ làm rõ ngoài các bị can đã khởi tố, còn cá nhân nào có hành vi vi phạm pháp luật với vai trò đồng phạm hay không để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án này là hành vi gì, hành vi này đã gây thiệt hại đến tài sản của ai và có yêu tố vụ lợi hay không.
Trường hợp hành vi là vụ lợi, phải làm rõ số tiền bao nhiêu, tài sản gì và sẽ làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đồng thời, cơ quan điều tra cũng sẽ đánh giá tính chất mức độ của hành vi vi phạm và làm rõ nguyên nhân điều kiện phạm tội để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.
Vị chuyên gia cho biết thêm, giam giữ là hoạt động có tính chất đặc thù thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật trong việc cách ly bị can, bị cáo, người phải chấp hành hình phạt tù với đời sống xã hội.
Người thực hiện nhiệm vụ quản lý phạm nhân gọi là quản giáo, là người giáo dục pháp luật và đạo đức cho phạm nhân, để phạm nhân nhận thức được sai phạm của mình, trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội.
Trường hợp quản giáo, cán bộ làm nhiệm vụ ở các cơ sở giam giữ mà không tuân thủ quy định pháp luật, rất dễ khiến phạm nhân trốn trại, phá rối, xâm phạm tính mạng sức khỏe của người khác, tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội hoặc mua chuộc cán bộ khiến cho việc cải tạo giáo dục không mang lại hiệu quả và ý nghĩa tích cực.
Hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ quản giáo sẽ khiến cho việc thi hành pháp luật hình sự thiếu tôn nghiêm, làm giảm hiệu quả trong công tác giáo dục phạm nhân.
Chính vì vậy vấn đề duy trì kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ quản giáo là điều hết sức quan trọng, để đảm bảo tính nghiêm túc trong thực thi công vụ và thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, làm cơ sở để công tác thi hành án hình sự đạt hiệu quả cao nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.