Dân Việt

Tình huống pháp lý trong vụ con gái sát hại người tình của cha ở Bình Dương

Quang Trung 16/04/2023 10:57 GMT+7
Về vụ con gái sát hại người tình của cha ở Bình Dương, chuyên gia đã nêu một số tình huống pháp lý mà nghi phạm có thể đối mặt.

Lời khai nghi phạm sát hại người tình của cha

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương cho biết đơn vị này đang tạm giữ Nguyễn Thị Mỹ Ch. (38 tuổi, quê Vĩnh Long) để điều tra làm rõ hành vi giết người.

Tại cơ quan điều tra, bước đầu, Ch. thừa nhận là người sát hại bà N.T.N (60 tuổi, quê Đắk Lắk) tại nhà trọ bên đường D9, phường Phú Tân, TP Thủ Dầu Một.

Tình huống pháp lý trong vụ con gái sát hại người tình của cha ở Bình Dương - Ảnh 1.

Bước đầu, Nguyễn Thị Mỹ Ch. thừa nhận sát hại bà N. Ảnh: CACC

Theo lời khai của Ch., sau khi gây án, nghi phạm gọi điện thoại thông báo cho cha và chờ công an đến đưa đi. Nghi phạm khai không có mâu thuẫn với nạn nhân trước khi xảy ra án mạng.

Tại cơ quan công an, Ch. có lúc tỉnh táo, khi lại không bình thường, có dấu hiệu của bệnh trầm cảm.

Sáng 14/4, Công an TP Thủ Dầu Một phong tỏa đường D9 ở phường Phú Tân để khám nghiệm hiện trường vụ bà N.T.N bị sát hại tại nhà trọ.

Cha của nghi phạm Nguyễn Thị Mỹ Ch. có quan hệ tình cảm với bà N. nên thuê nhà trọ để sống chung. Ngày 13/4, Ch. từ tỉnh Vĩnh Long đến nhà trọ của cha ở Bình Dương rồi ở lại qua đêm.

Đêm 13/4, cha ruột của Ch. đi trực bảo vệ công ty. Đến sáng 14/4, người đàn ông này nhận được hung tin.

Các tình huống pháp lý có thể xảy ra

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi, xác định khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của nghi phạm để xem xét xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Đồng thời, sẽ tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thu thập các dấu vết chứng cứ và lấy lời khai của nghi phạm, lời khai của những người làm chứng để xác định sự thật.

Theo ông Cường, trường hợp kết quả xác minh cho thấy nạn nhân tử vong là do hành vi trái pháp luật của nghi phạm gây ra, việc tiếp theo là sẽ làm rõ khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của nghi phạm khi thực hiện hành vi để làm rõ mặt chủ quan của tội phạm, trong đó có các yếu tố lỗi, động cơ, mục đích.

Trường hợp mặt chủ quan và mặt khách quan của tội phạm thể hiện nghi phạm đã thực hiện hành vi giết người, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự.

Trường hợp kết quả xác minh, điều tra ban đầu cho thấy nghi phạm đã thực hiện hành vi sát hại nạn nhân, tuy nhiên có biểu hiện bệnh lý tâm thần, cơ quan điều tra sẽ tiến hành trưng cầu giám định để xác định năng lực hành vi dân sự của nghi phạm.

Trường hợp kết quả giám định tâm thần cho thấy tại thời điểm thực hiện hành vi sát hại nạn nhân, nghi phạm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên sẽ bị áp dụng biện pháp hành chính là bắt buộc chữa bệnh.

"Còn nếu quả giám định tâm thần cho thấy tại thời điểm thực hiện hành vi sát hại nạn nhân, nghi phạm chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi do yếu tố bệnh lý, nghi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên yếu tố bệnh lý tác động khiến nghi phạm thực hiện hành vi phạm tội, đây có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự" – vị chuyên gia nêu quan điểm.