Giáo viên tự ý đăng hình ảnh học sinh lên Tiktok là đúng hay sai?

Quang Trung Thứ bảy, ngày 15/04/2023 19:08 PM (GMT+7)
Theo luật sư, việc tự ý đăng tải hình ảnh của học sinh lên mạng xã hội khi chưa được phép, tùy tính chất mức độ mà người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Bình luận 0

Thời gian gần đây, báo chí phản ánh có hiện tượng nhiều giáo viên thường xuyên đăng tải hình ảnh học sinh lên mạng xã hội như Facebook, TikTok.

Giáo viên tự ý đăng hình ảnh học sinh lên Tiktok là đúng hay sai? - Ảnh 1.

Nhiều giáo viên “vô tư” đưa hình ảnh học sinh lên mạng xã hội. Ảnh: Báo Lao động

Những video do giáo viên đăng tải thu hút hàng nghìn cho đến cả triệu lượt xem. Điều đáng nói, mặc dù học sinh cố gắng che mặt, không muốn xuất hiện trong video, nhưng một số giáo viên vẫn cố gắng quay bằng được khuôn mặt của học sinh.

Một số thầy cô giáo khác thì rủ học sinh nhảy nhót, công khai danh tính, gia cảnh của gia đình học sinh.

Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, hành vi như trên của giáo viên có vi phạm pháp luật?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên (Trưởng Văn phòng luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định, việc sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác phải có sự đồng ý của họ. Nếu không, đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Vị luật sư cho rằng, việc giáo viên chụp ảnh lại những giây phút học tập, trải nghiệm học tập của thầy trò là điều bình thường, còn việc sử dụng hình ảnh đó để đăng tải với mục đích nào mới là vấn đề cần quan tâm.

Nếu giáo viên đăng tải nhằm mục đích vui nhộn thì hoàn toàn bình thường, còn nếu sử dụng cho mục đích xấu như bôi nhọ, xúc phạm, mạt sát, đây là hành vi đáng lên án.

Dưới góc độ pháp lý, theo luật sư Khuyên, pháp luật quy định nếu thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân mà không được sự đồng ý hoặc sử dụng sai mục đích, người sử dụng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính Phủ, mức phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.

Quyền hình ảnh của cá nhân cũng được quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể: Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại, phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Luật sư Khuyên nhấn mạnh, trường hợp sử dụng hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, đưa ra những thông tin không có thật về người người khác, người có hành vi vi phạm tùy tính chất, mức độ và hậu quả mà có thể sẽ bị xử lý về tội "Vu khống" quy định tại Điều 156 hoặc tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015.

"Nếu giáo viên là người đăng tải hình ảnh của học sinh lên mạng, trước tiên cần xem xét trên góc độ giáo dục, sau đó mới xét về góc độ pháp lý để có biện pháp xử lý phù hợp, tránh việc vô tình làm tổn thương quan hệ thầy trò tốt đẹp" – vị chuyên gia nêu quan điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem