Một phụ huynh có tên P.N ở Nghệ An mới đây đã vô cùng hoảng hốt khi tận mắt chứng kiến món ăn yêu thích của con ở cổng trường bị mốc đen.
Chị P.N kể lại: "Con tôi thích ăn món chân gà. Tôi cấm nhiều lần mà không được. Hôm đó đón con đi học về, con cứ đòi mua chân gà ăn. Tôi không cho nhưng con nói bạn S., bạn N. cũng mua. Tôi đành dừng xe lại cho con mua. Tôi có việc nên nói con ngồi ghế ăn đợi mẹ".
Sau đó con trai chị P.N bóc gói chân gà ra ăn thì bất ngờ hỏi sao chân gà lại đen xì (vừa đen vừa mốc trắng lại nát). Phụ huynh này hoảng hốt cấm con không được ăn. Chị P.N cũng đã mang đồ ăn này lên trường nhờ thầy giáo nhắc nhở học sinh, đồng thời vào quán ở cổng trường trả lại.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Vũ Kim Loan, hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Kết, quận Hà Đông, Hà Nội cho hay, nhà trường luôn nhắc nhở học sinh không mua đồ ăn không rõ nguồn gốc, không nhận đồ từ người lạ… đồng thời cũng nhắn với phụ huynh không cho con mang theo tiền để tránh tình trạng các con mua những đồ ăn không đảm bảo.
"Đây là vấn đề rất quan trọng và được nhà trường quán triệt, nhắc nhở thường xuyên", cô Loan chia sẻ.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, học sinh mua ăn những thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ dễ gây ra các nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Các em có thể bị các triệu chứng cấp tính tức thời như: đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm… Về lâu dài sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể và dễ gây ra các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì… Đặc biệt, các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng… còn tồn dư trong các loại thực phẩm không nguồn gốc sẽ từ từ ngấm vào cơ thể, sau đó tích tụ lại gây bệnh ung thư.
Trước đó, các gói trà đào trân châu không nguồn gốc xuất xứ là "quà tặng" học sinh ở trước cổng trường Hà Nội cũng khiến nhiều người lo lắng.
Cụ thể, trước cổng một số trường ở quận Long Biên xuất hiện một nhóm người lạ tiếp xúc và phát cho học sinh các gói trà đào trân châu với danh nghĩa "quà tặng". Một số em đã nhận quà rồi pha uống. Sau khi uống, một học sinh trong số đó xuất hiện triệu chứng đau bụng.
Bà Nguyễn Thị Soan, Hiệu trưởng Trường THCS Đức Giang cho hay xuất hiện một nhóm 4-5 người lạ, chở thùng catton hàng là những gói trà đào trân châu đến phát cho học sinh nói là "hàng khuyến mại".
"Khi thầy cô giáo trong trường và bảo vệ đi ra đón học sinh, nhóm người này tản đi rất nhanh. Các thầy cô đã nhanh chóng kiểm tra, thu hết các gói trà mà nhóm người lạ phát cho học sinh, nhắc nhở các em không nhận đồ từ người lạ, đồng thời báo sự việc lên Công an phường Đức Giang", Hiệu trưởng Trường THCS Đức Giang cho biết.
Dù nguyên nhân của hiện tượng đau bụng chưa được xác định rõ nhưng nhận thấy nhiều nguy cơ tiềm ẩn với học sinh khi các sản phẩm do nhóm người lạ phát đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, dễ bị ngộ độc thực phẩm, phía nhà trường không rõ mục đích của các đối tượng khi tặng quà cho học sinh là gì, vì thế, nhà trường đề nghị các thầy, cô giáo quan tâm, nhắc nhở học sinh không nhận bất cứ các món quà, các sản phẩm từ người lạ phát tặng.
Ngay sau đó, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội cũng gửi thông báo về hiện tượng này. Ngoài quán triệt thầy cô tuyên truyền, nhắc nhở học sinh, Trường THCS Sài Đồng (quận Long Biên) còn mong phụ huynh lưu ý các con không nhận bất cứ quà hay sản phẩm nào từ người lạ.
Đồ ăn không nguồn gốc, không có xuất xứ trước cổng trường cùng với những chiêu thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lôi kéo sử dụng chất cấm... lâu nay vẫn luôn là nỗi lo sợ của các bậc phụ huynh. Trước tình hình phức tạp này, Công an TP.Hà Nội đã gửi khuyến cáo người dân, các bậc phụ huynh cần trang bị kiến thức, đề cao cảnh giác cho con em mình. Ban giám hiệu các nhà trường thông tin đến tất cả lớp học để học sinh cảnh giác, đồng thời duy trì thường xuyên kênh liên lạc giữa nhà trường và phụ huynh, kịp thời trao đổi thông tin khi cần thiết.
Hiện các đơn vị thuộc Công an TP.Hà Nội đã và đang phối hợp các nhà trường tổ chức tập huấn cho học sinh về cách đối phó với các trường hợp nguy hiểm, đột xuất; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh trong nhận diện tội phạm để giúp học sinh tăng kỹ năng tự bảo vệ mình trước mọi hành vi lừa đảo.