“Những bằng đại học vô dụng nhất”: Tấm bằng đại học có đang mất dần giá trị?

Giang-My-Minh-Thư Chủ nhật, ngày 16/04/2023 07:06 AM (GMT+7)
Theo chuyên gia, điểm số và bằng đại học không phải là những chỉ số có thể phản ánh đầy đủ năng lực của một ứng viên. Nếu chỉ tuyển dụng dựa trên bằng cấp và điểm số có thể sẽ bỏ lỡ những ứng viên có nhiều kỹ năng mềm.
Bình luận 0

Những ngày qua, nhiều video trên ứng dụng TikTok mang chủ đề "hướng nghiệp" đề cập tới "những bằng đại học vô dụng nhất" thu hút một lượng tương tác lớn tới từ các bạn trẻ. Những ngành học được các tiktoker nhắc tới trong các video như: Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Marketing, Quản trị nhân sự, đồng thời chủ nhân của những video này cũng khuyên các bạn trẻ không nên đăng ký vào các ngành học trên.

Những video clip "hướng nghiệp" như trên xuất hiện vào thời điểm thời điểm các sĩ tử lớp 12 đang chuẩn bị chọn nguyện vọng thi đại học, gây hoang mang cho các em.

Trước những tranh cãi, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) để nghe ông chia sẻ về vấn đề xoay quanh câu chuyện trên.

“Những bằng đại học vô dụng nhất”: Tấm bằng đại học có đang mất dần giá trị? - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC

Tấm bằng đại học có đang mất dần giá trị?

Thưa ông, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay không còn đặt tiêu chí điểm số và tấm bằng đại học của sinh viên lên hàng đầu nữa, ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?

- Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và trí thông minh nhân tạo, những kiến thức và kỹ năng một sinh viên đại học thu nhận được trong quá trình học tập rất nhanh bị lỗi thời. Đó là chưa kể nếu các chương trình đào tạo đại học không đổi mới liên tục để bắt kịp thực tế thị trường công việc mà chỉ là những lý thuyết hàn lâm thì sinh viên, dẫu có tốt nghiệp điểm cao, bằng giỏi cũng không thể sẵn sàng gia nhập thị trường lao động.

Hơn nữa điểm số và bằng đại học không phải là những chỉ số có thể phản ánh đầy đủ năng lực của một ứng viên. Nếu chỉ tuyển dụng dựa trên bằng cấp và điểm số có thể sẽ bỏ lỡ những ứng viên có nhiều kỹ năng mềm và có khả năng hoàn thành công việc một cách tốt nhất.

Chính vì vậy, trong những năm qua, nhà lao động có thể vẫn chú ý đến bằng đại học và điểm số khi học đại học nhưng trọng số của nó để đánh giá hồ sơ chỉ ở mức 1/6 trong thang 6 điểm với 1 là ít quan trọng và 6 là rất quan trọng, trong khi đó, những năng lực mà nhà tuyển dụng quan tâm nhiều hơn ở mức 5/6 gồm khả năng giao tiếp ấn tượng bằng lời và bằng văn bản; năng lực làm việc nhóm, năng lực lên kế hoạch và tổ chức triển khai công việc, năng lực tự học… Tất cả những kỹ năng này quan trọng hơn vì giúp cho cá nhân có thể nhanh chóng bắt kịp sự thay đổi liên tục của yêu cầu công việc.

Vậy theo ông, liệu có phải tấm bằng đại học đang mất dần giá trị?

- Không phải bằng đại học mất dần đi giá trị trong xã hội hiện đại mà cách chúng ta quan niệm về bằng đại học đã thay đổi. Nếu như trước đây, tấm bằng đại học được coi là một yếu tố quan trọng để xác định sự thành công, xác định địa vị xã hội và là yếu tố duy nhất để thay đổi thân phận một con người thì ngày nay, khi nhận thức về vai trò của hướng nghiệp trong cộng đồng đã tốt lên, người ta nhận thấy học đại học không còn là con đường duy nhất để thành công nữa. Rất nhiều người đi học nghề, đi xuất khẩu lao động về cũng có sự nghiệp, lại sớm giúp đỡ được gia đình, xây dựng nhà cửa và đóng góp cho quê hương. Như vậy, có nhiều con đường để thành công và thay đổi thân phận của một con người.

Trong khi đó, một số thanh niên có thể do định hướng không tốt, vào học đại học kiểu học đại, nên tốt nghiệp ra trường vẫn thất nghiệp, phải cất bằng đại học, đi làm shipper dẫn đến những người khác cũng nghi ngờ về giá trị của bằng đại học.

Tuy nhiên, phải khẳng định tấm bằng đại học vẫn rất có giá trị với những ngành nghề đòi hỏi kiến thức chuyên môn cao như ngành y, ngành luật, nhà tâm lý, một số ngành khoa học cơ bản khác… thì bằng đại học vẫn là một công cụ quan trọng để đo lường năng lực và kiến thức cơ bản của một người nếu tuyển dụng họ vào lĩnh vực chuyên biệt

Việc các doanh nghiệp không còn quá coi trọng tấm bằng đại học của ứng viên dẫn đến nhiều sinh viên đại học mất đi động lực học tập, sĩ tử lớp 12 thì suy nghĩ "học đại một trường đại học nào đó vì sau này đằng nào cũng làm trái ngành". Vậy theo ông, với việc này thì trách nhiệm thuộc về HSSV, doanh nghiệp hay những người làm định hướng giáo dục? Vì sao?

- Trách nhiệm cho việc này phải thuộc về nhiều bên.

Đầu tiên là trách nhiệm thuộc về người học, các em cần phải xác định rằng một ngôi trường đại học chỉ là một trong những phương tiện để giúp chúng ta đạt mục tiêu thành công trong cuộc đời thôi. Không thể chỉ dựa vào những kiến thức cứng được chương trình đào tạo đại học cung cấp là đủ mà không quan tâm rèn luyện các kỹ năng mềm, kỹ năng hội nhập nghề nghiệp.

Các em phải ý thức rằng nếu các em có năng lực học đại học mà chỉ vì động cơ kinh tế, chọn đi học nghề hoặc đi xuất khẩu lao động sẽ gây lãng phí cơ hội cho cả bản thân và xã hội. Trong kỷ nguyên công nghệ này, những nghề nghiệp chỉ dựa vào kỹ năng thao tác thể chất và tư duy bậc thấp sẽ sớm bị máy móc thay thế. Và nếu không muốn bị thất nghiệp ở độ tuổi 35, 40 thì chắc chắn các em sẽ phải tìm các cơ hội để học cao lên hơn.

Các trường đại học cũng phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng giáo dục các chương trình đào tạo của nhà trường, để người học tốt nghiệp có đầy đủ các năng lực phẩm chất để hội nhập ngay vào thị trường lao động. Như vậy, mỗi nhà trường cần phải thay đổi phương thức đào tạo kết hợp giữa doanh nghiệp và trường đại học để tăng thời gian hội nhập nghề nghiệp, rèn nghề cho người học. Việc rèn những kỹ năng thực chiến phải bằng những lãnh đạo thực chiến chứ không phải những bách khoa thư lý luận.

Có quan điểm cho rằng "Tình trạng này sẽ ảnh hưởng tới chất lượng đầu ra của các trường đại học/cao đẳng và khiến cho Việt Nam thiếu đi nguồn nhân lực chất lượng cao". Ông đánh giá như thế nào về quan điểm này?

- Nếu nhìn theo hướng nguy cơ, dường như giới trẻ hiện nay đang định hướng nghề nghiệp đặt nặng vấn đề kinh tế hơn là hướng nghiệp theo năng lực và sở thích. Nếu định hướng nghề nghiệp theo hướng thực dụng, chỉ nghĩ đến cái lợi gần trước mắt (kiếm được tiền ngay) mà không nghĩ đến tương lai nghề nghiệp bền vững thì sẽ có thể phải đối diện với thất nghiệp khi công nghệ và thế giới việc làm thay đổi.

Ngay cả đối với học đại học, ta hướng nghiệp thế nào để cho những trí tuệ giỏi nhất toàn đi vào ngành kinh doanh và kinh tế (tỉ lệ sinh viên chọn ngành rất cao, cạnh tranh rất khốc liệt) trong khi các ngành Khoa học tự nhiên, Khoa học sự sống, Khoa học môi trường, Toán và thống kê thì chẳng ai theo học. Không thu hút trí tuệ tốt nhất vào các ngành khoa học cơ bản thì làm sao mà "make in Việt Nam" được, làm sao mà chúng ta sở hữu được công nghệ lõi mà phát triển đất nước…. Hướng nghiệp như thế cũng là sự lãng phí với đất nước.

Cần tăng cường công tác hướng nghiệp từ sớm

Dưới góc nhìn của một người làm giáo dục, ông nghĩ cần có những hướng giải quyết như thế nào để cải thiện tình trạng này?

- Tôi cho rằng cần tăng cường hướng nghiệp cho các em từ sớm. Công tác hướng nghiệp phải được triển khai đồng bộ bao gồm cả giáo dục nghề nghiệp (giúp các em hiểu mình, hiểu nghề, hiểu trường và các chương trình đào tạo); trải nghiệm hướng nghiệp (tăng cường các hoạt động thực tế, liên kết với các doanh nghiệp) và tư vấn hướng nghiệp cho các em ở thời điểm bước ngoặt.

Chúng ta phải gia tăng các chính sách phát hiện, thu hút và bồi dưỡng nhân tài, phải có các học bổng để hỗ trợ những học sinh có năng lực chuyên môn, có tư duy sáng tạo, có nghị lực ý chí và khát khao cống hiến vào học những ngành khoa học cơ bản phù hợp để trở thành những tài năng vượt trội tạo ra các giá trị tích cực cho xã hội.

Là một nhà giáo, ông có lời khuyên nào gửi đến những sĩ tử đang chuẩn bị bước chân vào cánh cửa đại học không?

- Mấy năm qua có khoảng 1,1 triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT nhưng chỉ có khoảng 600.000 em đăng ký xét tuyển vào các trường đại học thôi. Và mới đây, tôi mới đọc tin ở Nghệ An, có những lớp 100% học sinh không xét tuyển đại học/cao đẳng. Tỉ lệ này không phải cá biệt và đang có xu thế tăng lên ở các địa phương.

Qua đó, tôi muốn nói với các em rằng, thanh xuân chỉ có một lần. Nếu các em quyết định đi học nghề để kiếm tiền thì cũng phải nỗ lực chăm chỉ thì mới có thể thành công… và sẽ không có chuyện cứ lo tiền trước rồi đến lúc nào cần thì đi học đại học đâu.

Để có thể thành công trong một lĩnh vực nghề nghiệp, các em cần biến công việc của bạn thành nghệ thuật. Uống trà – thành nghệ thuật trà đạo; dấp giấy thành nghệ thuật Origami; cắm hoa thành nghệ thuật Ikebana. Để đảm bảo cho vấn đề này, các em phải định hướng từ đam mê thực sự chứ không phải là đi học nghề vì tiền. Nếu các em có đủ năng lực học đại học và mong muốn cống hiến, đừng bỏ phí cơ hội học lên cao của mình.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem