Dân Việt

Nuôi heo, nuôi gà cho chí nuôi bò đều buồn, giá bán thấp lè tè, nông dân Long An nợ một đống tiền mua cám

Bùi Tùng 16/04/2023 15:20 GMT+7
Thời gian qua, giá gia súc, gia cầm, giá heo hơi, giá gà, giá bò hơi liên tục ở mức thấp, trong khi chi phí đầu vào tăng cao. Điều này khiến người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Long An thua lỗ, nhiều người thậm chí phải “treo chuồng”.

Người nuôi không có lãi

Từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 đến nay, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) và giá cả bấp bênh, người nuôi heo trên địa bàn tỉnh rơi vào hoàn cảnh khó khăn. 

Ông Nguyễn Văn Dễ (thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) cho biết, gia đình ông nuôi gần 20 con heo thịt, vừa được thương lái báo giá heo hơi 5,1 triệu đồng/tạ. 

Với giá heo hơi này, ông không có lãi, thậm chí là thua lỗ nếu heo không đạt trọng lượng. Ông Dễ chia sẻ: “Thức ăn cho heo lúc trước chỉ khoảng 200.000 đồng/bao, bây giờ lên trên 300.000 đồng/bao. Với giá heo hơi thấp như hiện nay, có thể tôi sẽ không tái đàn”.

Nuôi heo, nuôi gà cho chí nuôi bò đều buồn, giá bán thấp lè tè, nông dân Long An nợ một đống tiền mua cám - Ảnh 1.

Người chăn nuôi heo ở Long An lao đao vì dịch bệnh, giá thức ăn tăng cao, giá heo hơi thấp.

Cũng như ông Dễ, ông Nguyễn Văn Bảy (xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đang cân nhắc việc tái đàn heo, do giá heo giống cao trong khi giá heo thịt lại liên tục giảm. 

“Chi phí cho một con heo từ lúc thả nuôi cho đến xuất chuồng khoảng 5 triệu đồng. Trong đó, chưa tính công chăm sóc, khấu hao chuồng trại, điện, nước. Với giá heo hơi như hiện tại thì người nuôi heo cầm chắc phần lỗ” - ông Bảy nói. 

Cùng chung khó khăn với người nuôi heo, các hộ chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh Long An cũng đang gặp nhiều khó khăn vì giá bán ra thấp. Theo ghi nhận, hiện giá gà thịt khoảng 60.000 đồng/kg.

Nuôi heo, nuôi gà cho chí nuôi bò đều buồn, giá bán thấp lè tè, nông dân Long An nợ một đống tiền mua cám - Ảnh 2.

Giá gà thịt đang dần được cải thiện nhưng vẫn còn khá thấp trên địa bàn tỉnh Long An.

Ông Đặng Chí Phương (xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) cho biết: “Vụ tết, gia đình tôi lỗ hơn 100 triệu đồng do giá gà xuống thấp. Những ngày qua, giá gà thịt cũng đã cải thiện, tăng lên mức trên 60.000 đồng/kg. 

Nếu giá gà nằm ở mức giá 70.000 đồng/kg trở lên mà nuôi đạt thì người nuôi có lời ít, còn không thì sẽ lỗ do giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y tăng quá cao. Hy vọng những ngày tới, giá gà thịt tiếp tục được cải thiện”.

Thông thường, khi trọng lượng gà đạt khoảng 2kg/con, người nuôi sẽ xuất bán và chuẩn bị nuôi lứa tiếp theo. Tuy nhiên, do giá gà đang thấp nên nhiều hộ chưa muốn bán. Song, gà có trọng lượng lớn hơn lại không được thương lái lựa chọn, sức cạnh tranh trên thị trường giảm. 

Không chỉ vậy, người nuôi gà còn gặp phải cạnh tranh từ các công ty lớn, bởi hiện nay, đa phần các công ty này đều xây dựng mô hình chăn nuôi riêng, sử dụng nguồn thức ăn tự sản xuất nên giá gia cầm bán ra rẻ hơn so với các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ.

Nuôi heo, nuôi gà cho chí nuôi bò đều buồn, giá bán thấp lè tè, nông dân Long An nợ một đống tiền mua cám - Ảnh 3.

Giá bò hơi liên tục giảm suốt 2 năm qua trên địa bàn tỉnh Long An.

Không chỉ người nuôi heo, gà gặp khó, người nuôi bò trên địa bàn tỉnh cũng đang trải qua giai đoạn khó khăn. Khoảng 2 năm nay, giá bò liên tục ở mức thấp. 

Theo chị Huỳnh Thị Ngọc Tâm (xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), gia đình chị hiện nuôi gần 10 con bò. Thời điểm năm 2019, chị mua 2 con bò giống với giá 40 triệu đồng. Tuy nhiên, bò sinh sản cũng như bò thịt đều đang giảm giá mạnh, giảm gần 1/2 so với trước. Nếu trừ chi phí thức ăn chăn nuôi, công cắt cỏ,… thì người nuôi có lợi nhuận rất thấp.

Mong chi phí chăn nuôi ổn định

Chi phí thức ăn chiếm từ 65-70% trong cơ cấu giá thành sản xuất. Từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. Nếu không có giải pháp giảm giá thức ăn, các hộ chăn nuôi sẽ khó có thể tiếp tục tái đàn hay tăng đàn. 

Theo ông Trần Văn Bình (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An), đang nuôi gần 30 con heo thịt, ông vay ngân hàng và người thân gần 400 triệu đồng để đầu tư trang trại và chăn nuôi nhưng giá heo xuống thấp. Thời gian qua, ông phải “gồng mình” chống chọi. 

“Thời gian tới, tôi mong muốn giá thức ăn chăn nuôi giảm xuống và bình ổn để người chăn nuôi bớt khó khăn” - ông Bình bày tỏ.

Đa phần hộ chăn nuôi sử dụng vốn vay ngân hàng để đầu tư sản xuất hoặc “gối đầu” thức ăn chăn nuôi của đại lý. 

Tuy nhiên, nợ “gối đầu” cũng được các đại lý cân nhắc rất kỹ, tùy mức độ thân quen, uy tín và tiềm lực kinh tế. Khi thua lỗ kéo dài, nguồn vốn ngày càng cạn kiệt, người chăn nuôi khó chuyển đổi sang các mô hình kinh tế khác. Do đó, giải pháp trước hết mà các hộ chăn nuôi mong muốn chính là ổn định chi phí đầu vào để có thể tiếp tục sản xuất.

Về phía ngành Nông nghiệp tỉnh, trước biến động về giá thức ăn chăn nuôi, chi phí đầu vào tăng cao, ngành khuyến cáo người chăn nuôi cẩn trọng tái đàn, bảo đảm sự phát triển ổn định. Ngoài ra, cần tăng cường chuyển đổi sang hướng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao.