Bến thuyền Thạch Bích-Thung Nắng (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), phóng viên Dân Việt quan sát có hơn 100 chiếc thuyền nhỏ đậu sát vào nhau nằm xung quanh khu bến.
Clip: Nông dân Ninh Bình chèo đò bằng chân, hướng dẫn viên tại bến thuyền Thạch Bích-Thung Nắng
Trên bờ, từng tốp phụ nữ là nông dân ở độ tuổi trung niên đang ngồi đợi tới lượt để đưa khách đi tham quan. Khách ít, bến thuyền vắng người đi chơi nên những nữ chèo đò ở đây cũng bị "thất nghiệp".
Bà Nguyễn Thị Thông (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) tâm sự: "Tôi làm nghề chèo đò đưa khách đi tham quan tại bến thuyền Thạch Bích-Thung Nắng nhiều năm nay. Những người nông dân như tôi đây, sau khi thu hoạch mùa màng xong là đến đây xin chèo đò đưa khách tham quan, mỗi chuyến đi được trả gần 100.000 đồng".
"Nghề chèo đò đưa khách đi tham quan tuy vất vả nhưng bù lại có khách đều, là có thu nhập. Trước tôi chèo đò bằng tay sau thấy mỏi và chuyển sang chèo bằng đôi bàn chân, dùng chân điều khiển bánh chèo nên nhiều khách Tây thấy cũng rất thích thú", bà Thông kể.
Theo bà Thông, để phân chia hợp lý lượt đò chở khách, phía công ty quản lý đã chia đều lần lượt, hết người này mới đến số, lượt người khác. Ngày lễ tết khách đông may ra còn nhanh chuyến, chứ ngày thường phải chờ cả tuần mới tới lượt mình.
Bà Đào Thị Hồng (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) chia sẻ: "Tôi chèo đò đưa khách đi tham quan tại điểm du lịch Thạch Bích-Thung Nắng khoảng 30 năm. Sau khi thu hoạch mùa màng xong thì chúng tôi về chèo đò. Ở đây, những chiếc đò là tự chúng tôi đầu tư với kinh phí từ 8-12 triệu đồng".
"Hiện, nhà tôi đang làm 4 sào lúa, và chỉ làm 1 vụ/năm. Có đợt tôi đang đi gặt lúa ngoài đồng, đại diện phía Công ty TNHH dịch vụ du lịch Bích Động (điều hành, quản lý điểm du lịch Thạch Bích-Thung Nắng) gọi điện báo đến lượt về đưa khách đi tham quan, tôi để luôn lúa ngoài đồng về chở khách rồi quay lại gặt tiếp", bà Hồng nhớ.
Qua tìm hiểu, du khách đi tham quan điểm du lịch Thạch Bích-Thung Nắng cả đi và về khoảng 90 phút. Hầu hết, những người phụ nữ làm nghề chèo đò ở bến thuyền Thạch Bích-Thung Nắng đều là nông dân sống xung quanh khu du lịch.
Bà Đào Thị Hồng nói thêm: "Ở đây thanh niên trẻ thì đi làm ăn xa, làm công ty dưới thành phố. Lớp phụ nữ trung niên như chúng tôi không đi xa được, cũng chẳng biết làm nghề gì nên ra đây xin nghề chèo đò mong kiếm thêm đồng thu nhập nuôi gia đình".
"Làm cái nghề chèo đò này những ngày trời mát còn đỡ, chứ ngày nắng công việc chèo đò vất vả lắm. Thấy chị em chúng tôi cực nhọc, vất vả chèo đò, vị khách nào cảm thương thì "bo" thêm cho ít đồng uống cốc nước…", bà Hồng thổ lộ.
Để được chèo đò tại bến thuyền Thạch Bích-Thung Nắng, những người nông dân phải trải qua một lớp huấn luyện rồi thi kỹ năng, đạt tiêu chuẩn mới được hành nghề. Bên cạnh đó, những nữ lái đò ở đây cũng thường xuyên được trao dồi nghiệp vụ du lịch, kỹ năng giao tiếp.
Những người nông dân chèo đò đưa khách tham quan là hướng dẫn viên giới thiệu về các điểm đến, di tích nổi bật trong chuyến hành trình di chuyển. Đồng thời, là hướng dẫn viên đặc biệt góp phần làm nên sức hút tại điểm du lịch Thạch Bích-Thung Nắng (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).
"Mỗi du khách đến đây đều có điểm chung là muốn khám phá Thung Nắng. Chúng tôi chia sẻ về nghề với họ, chia sẻ về điểm đẹp của quê hương nên cũng cảm thấy vui. Đổi lại được họ chia sẻ về quê hương, nghề nghiệp, những nơi họ đã đi cũng bớt nhọc được phần nào sau mỗi chuyến đi", bà Nguyễn Thị Thông (xã Ninh Hải) kể.