Đối với người dân mưu sinh dựa vào con nước thì mùa nước nổi là thời điểm mong chờ nhất trong năm. Khi dòng nước mang theo phù sa từ thượng nguồn sắp đổ về An Giang, người dân sẵn sàng ngư cụ để đánh bắt sản vật thiên nhiên, với mong muốn có thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Có dịp ghé qua khu vực “tập kết” của bà con làm nghề giăng lưới ở ven tuyến đường tránh Quốc lộ 91 (thuộc ấp Bình Trung, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú), được nghe các chú, các anh chia sẻ về nghề giăng câu lưới mới thấy mùa nước nổi đối với họ quan trọng đến thế nào.
Là người có nhiều năm gắn bó với nghề giăng lưới bắt cá, ông Trần Văn Hải (ấp Bình Trung) chia sẻ: “Vào mùa khô, tôi giăng lưới bắt cá trên các đoạn sông, kênh, rạch thuộc địa bàn xã Bình Mỹ. Năm nay, ở khu vực này thực hiện xả lũ, ngưng trồng lúa vụ 3 nên nước lớn tràn đồng, tôi chuyển “địa bàn” giăng lưới đến đây. Mừng vì năm nay nước lớn nên cá bắt được cũng khá”.
Tháp tùng cùng ông Hải đi gỡ lưới cá, tôi hiểu rõ hơn về cuộc mưu sinh của người dân trong mùa nước nổi. Trên cánh đồng xả lũ, mỗi người tự chọn và phân chia khu vực giăng câu, thả lưới và cứ thế ngày ngày họ thực hiện cuộc mưu sinh nhờ vào con nước.
Trên chiếc xuồng máy nhỏ, ông Hải di chuyển đến khu vực thả lưới cách bờ hơn 1km, chỉ tay về phía những chiếc phao bồng bềnh trên mặt nước, ông Hải nói: “Anh em làm nghề giăng lưới nhờ những cái phao này để phân biệt lưới cá, tránh gỡ nhầm lưới của nhau. Tôi thả ở đây tổng số 22 tay lưới, mớ lưới này được thả từ trưa hôm qua, lẽ ra hồi khuya phải đi gỡ lưới nhưng do mưa lớn nên sáng nay mới đi gỡ được. Mùa nước nổi vậy mà dễ sống, nếu không giăng lưới, câu cá thì có thể đi bắt ốc hoặc hái rau. Mỗi ngày chịu khó đi 1 buổi là thu về được kha khá rau, cá, cua, ốc, bán cũng có tiền”.