Một loài bò sát "khổng lồ" đang đẻ nhiều Vườn Quốc gia nổi tiếng của Bà Rịa-Vũng Tàu, ghép đôi ngay mép nước

Chủ nhật, ngày 16/04/2023 18:54 PM (GMT+7)
Hằng năm, vào mùa sinh sản, loài Rùa xanh (Chelonia mydas) hay còn gọi là Vích, từ các đại dương xa xôi tìm về nơi sinh sản của chúng. Tại đây, chúng tiến hành ghép đôi giao phối và làm tổ đẻ trứng. Qua ghi nhận, vùng biển Vườn quốc gia Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) có 4 loài rùa biển...
Bình luận 0

Hằng năm, vào mùa sinh sản, loài Rùa xanh (Chelonia mydas) hay còn gọi là con Vích, từ các đại dương xa xôi tìm về nơi sinh sản của chúng. Tại đây, chúng tiến hành ghép đôi giao phối và làm tổ đẻ trứng.

Một loài bò sát "khổng lồ" đang đẻ nhiều Vườn Quốc gia nổi tiếng của Bà Rịa-Vũng Tàu, ghép đôi ngay mép nước - Ảnh 1.

Bản đồ các bãi rùa biển lên đẻ trứng tại Vườn Quốc gia Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) . Ảnh: TTXVN.

Qua ghi nhận, vùng biển Côn Đảo có 4 loài rùa biển: Rùa xanh (Chelonia mydas), Đồi mồi (Eretmochelys imbricata), Đồi mồi dứa (Lepidochelys olivacea), Rùa Quản đồng (Caretta caretta). 

Trong đó, quần thể Rùa xanh lên đẻ hàng năm tại đây có số lượng lớn nhất Việt Nam. 18 bãi cát được ghi nhận là bãi đẻ của rùa, trong đó 5 bãi cát được ghi nhận có hơn 150 lượt rùa mẹ lên đẻ hàng năm như: Bãi Cát Lớn - Hòn Bảy Cạnh, Bãi Dương - Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau, Hòn Tài và Hòn Tre Lớn.

Dựa vào số liệu theo dõi rùa mẹ di cư lên đẻ trứng tại các bãi biển, các nhà khoa học ước tính tuổi thọ trung bình chung của rùa biển là khoảng 50 năm. 

Một số loài có tuổi thọ cao như Rùa xanh, Quản đồng lên đến 70 - 80 năm. Các loài rùa biển đang trên bờ tuyệt chủng, có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Thế giới. Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm các hành vi săn, bắt, buôn bán, vận chuyển, sử dụng các loài rùa biển và sản phẩm của chúng.

Một loài bò sát "khổng lồ" đang đẻ nhiều Vườn Quốc gia nổi tiếng của Bà Rịa-Vũng Tàu, ghép đôi ngay mép nước - Ảnh 3.

Vườn Quốc gia Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã đeo máy định vị theo dõi đường di cư cho 10 cá thể rùa mẹ. Ảnh: TTXVN.

Các nghiên cứu của Phòng Bảo tồn và Hợp tác Quốc tế - Vườn Quốc gia Côn Đảo cho thấy, Rùa xanh có đường kính trung bình dài 93 cm, rộng 84 cm, trọng lượng 90 kg. Rùa xanh làm tổ quanh năm, cao điểm từ tháng 5 đến tháng 10. Đến mùa sinh sản, Rùa xanh di cư từ vùng kiếm ăn đến khu vực làm tổ.

Thời kỳ giao phối diễn ra từ 1-2 tháng, trên đường di cư và trước khi đến các bãi đẻ. Sau khi giao phối 2-4 tuần, rùa đực di cư về khu vực kiếm ăn, rùa cái lên bãi làm tổ đẻ lần đầu. 

Sau khoảng thời gian từ 11 - 13 ngày nghỉ tạo trứng, rùa mẹ tiếp tục đẻ lần 2. Một cá thể rùa mẹ trong mùa sinh sản bình quân đẻ 3 lần, chu kỳ sinh sản giữa 2 mùa là 1 - 5 năm. Ghi nhận tại Côn Đảo, có trường hợp đặc biệt, một cá thể rùa mẹ đẻ 11 tổ/năm và đạt số trứng kỷ lục là 993 trứng.

Một loài bò sát "khổng lồ" đang đẻ nhiều Vườn Quốc gia nổi tiếng của Bà Rịa-Vũng Tàu, ghép đôi ngay mép nước - Ảnh 4.

Bãi Cát Lớn-Hòn Bảy Cạnh, Vườn quốc gia Côn Đảo, nơi sinh sản của nhiều rùa mẹ trong mùa sinh sản hàng năm. Ảnh: TTXVN.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, rùa biển lên bãi đẻ thành công 50 tổ, 134 tổ (cộng dồn các tổ đẻ những tháng cuối năm 2022) được ấp nở. Lực lượng Kiểm lâm, tình nguyện viên, du khách thả về biển có kiểm soát hơn 8 nghìn cá thể rùa con.

Là nhân viên gắn bó nhiều năm với công tác bảo tồn Rùa biển tại Vườn Quốc gia Côn Đảo, ông Nguyễn Văn Vững, chuyên viên Phòng Bảo tồn và Hợp tác Quốc tế cho biết, Rùa xanh mất khoảng 2-3 giờ làm tổ, đẻ trứng. 

Rùa xanh lên bãi đẻ thường vào lúc thủy triều cao, chúng dùng hai bơi trước đào tổ phần trên, hai bơi sau đào tổ phần dưới, tổ rùa có độ sâu khoảng 60-70 cm. Khi đào tổ xong, rùa bắt đầu đẻ trứng (một trứng hay 2 - 4 trứng một lần), thời gian giữa các lần trứng rơi từ 30 giây đến 1 phút. 

Số lượng trứng trung bình mỗi tổ là 85, trứng có đường kính trung bình 5 cm và trọng lượng trung bình 56 gr. Sau thời gian nghỉ tạo trứng, rùa mẹ tiếp tục đẻ lần 2. Mỗi rùa mẹ bình quân đẻ 3 tổ năm, có chu kỳ sinh sản giữa hai mùa bình quân 3 năm.

Một loài bò sát "khổng lồ" đang đẻ nhiều Vườn Quốc gia nổi tiếng của Bà Rịa-Vũng Tàu, ghép đôi ngay mép nước - Ảnh 6.

Đồi mồi được ghi nhận tại vùng biển Côn Đảo. Ảnh: TTXVN.

Ông Nguyễn Văn Vững cho biết thêm, từ lúc trứng được đẻ ra, 6 giờ tiếp theo là thời gian phôi tạm dừng phát triển, trứng có thể chịu đựng được sự va chạm nhẹ và xáo trộn. 

Thời gian này, những tổ trứng không an toàn ngoài bãi được di dời lên hồ ấp trứng nhân tạo được thiết kế giống tổ rùa mẹ đẻ ngoài bãi tự nhiên. Trong tổ trứng rùa, nếu nhiệt độ từ <26 độ C, tỷ lệ nở ra con đực cao hơn con cái; nhiệt độ cao từ >30 độ C, con cái nhiều hơn con đực. Nhiệt độ tổ trứng từ 26-30 độ C, tỷ lệ đực, cái là 50/50. Thời gian rùa con nở bình quân 55 ngày, trứng nở đạt 83%.

Một loài bò sát &quot;khổng lồ&quot; đang đẻ nhiều Vườn Quốc gia nổi tiếng của Bà Rịa-Vũng Tàu, ghép đôi ngay mép nước - Ảnh 7.

Rùa lên Bãi Cát Lớn-Hòn Bảy Cạnh, Vườn Quốc gia Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đẻ trứng. Ảnh: TTXVN.

Một loài bò sát &quot;khổng lồ&quot; đang đẻ nhiều Vườn Quốc gia nổi tiếng của Bà Rịa-Vũng Tàu, ghép đôi ngay mép nước - Ảnh 8.

Thống kê của Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết, từ năm 1993-2022, có 11.643 rùa mẹ lên bãi làm tổ đẻ trứng, trong đó cứu hộ, di dời thành công 31.400 tổ rùa với tổng số trứng là 2.898.640 trứng, ấp nở thả về biển 2.238.597 cá thể rùa con; tỷ lệ rùa nở và thả về biển đạt 80,71 %. Ảnh: TTXVN.

Sau khi nở 2-3 ngày, rùa con sẽ tự ngoi lên mặt đất (chủ yếu vào ban đêm, lúc trời mát, thủy triều lên cao) và bò xuống bãi, hướng thẳng ra đại dương. 

Rùa con bơi liên tục 1-2 ngày trong trạng thái được gọi là “bơi trong mê” để càng xa bờ càng tốt. Sau đó, rùa con trôi nổi như sinh vật phù du trong đại dương vài năm rồi chúng di chuyển từ vùng nước sâu ở đại dương vào các vùng nước nông có thảm cỏ biển, rạn san hô, rừng ngập mặn để kiếm mồi. 

Sau 25 - 30 năm, rùa đạt độ tuổi trưởng thành và có chuyến di cư đầu tiên đến các khu vực giao phối, làm tổ nơi chúng được sinh ra. Hết mùa giao phối, con đực bơi về vùng kiếm ăn, con cái lên bãi đẻ trứng. Hết mùa đẻ trứng, chúng bơi về vùng kiếm ăn lúc đầu. Cứ như vậy, vòng đời rùa biển tiếp diễn theo thời gian.

Thống kê của Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết, từ 1993 - 2022 có 11.643 rùa mẹ lên bãi làm tổ đẻ trứng, trong đó 31.400 tổ rùa với 2.898.640 trứng được cứu hộ, di dời, ấp nở thành công và 2.238.597 cá thể rùa con được thả về biển. Tỷ lệ rùa nở và được thả về biển đạt hơn 80%.

Một loài bò sát &quot;khổng lồ&quot; đang đẻ nhiều Vườn Quốc gia nổi tiếng của Bà Rịa-Vũng Tàu, ghép đôi ngay mép nước - Ảnh 10.

Cận cảnh quá trình Rùa biển ghép đôi giao phối gần bờ tại Bãi Cát Lớn-Hòn Bảy Cạnh, Vườn quốc gia Côn Đảo. Ảnh: TTXVN.

Vườn Quốc gia Côn Đảo đã đeo máy định vị theo dõi đường di cư cho 10 cá thể rùa mẹ. Kết quả ghi nhận vùng kiếm ăn của loài Rùa xanh về đẻ trứng tại Côn Đảo là các vùng biển xung quanh đảo Phú Quý, đảo Trường Sa (Việt Nam); vùng biển đảo Palawan (Philippines); vùng biển Sihanoukvillele (Campuchia); vùng biển phía Đông bang Pahang (Malaysia) và vùng biển quanh đảo Natuna, phía Đông tỉnh Riau(Indonesia).

Ngoài ra, Vườn Quốc gia Côn Đảo tiến hành đeo thẻ theo dõi đặc tính sinh học, hình thái học cho hơn 5.750 cá thể rùa mẹ lên bãi làm tổ. Kết quả ghi nhận bình quân mỗi mùa rùa mẹ đẻ 3 tổ; sau 3 năm rùa mẹ quay về Côn Đảo đẻ một lần; bình quân 90 trứng mỗi tổ và sau 55 ngày ấp tự nhiên thì rùa con sẽ nở.

Một loài bò sát &quot;khổng lồ&quot; đang đẻ nhiều Vườn Quốc gia nổi tiếng của Bà Rịa-Vũng Tàu, ghép đôi ngay mép nước - Ảnh 11.

Sau khi rùa nở, 2–3 ngày rùa con nằm ở dưới tổ, rùa con sẽ tự ngoi lên khỏi mặt đất chủ yếu vào ban đêm, lúc trời mát và thủy triều lên cao bò xuống bãi và hướng thẳng ra đại dương bằng cách cảm nhận ánh sáng các vì sao, thủy triều và từ trường Trái đất. Rùa con bơi liên tục trong 1-2 ngày trong trạng thái được gọi là “bơi trong mê” để càng xa bờ càng tốt. Ảnh: TTXVN.

Hiện, Côn Đảo có 18 bãi cát có rùa mẹ lên đẻ trứng với chiều dài khoảng 3,5 km, diện tích mặt bãi 24 ha. Hằng đêm, các bãi đẻ của rùa biển có lực lượng Kiểm lâm thường trực, tuần tra, bảo vệ. Các bãi này thường xuyên được vệ sinh, san lấp tạo điều kiện thuận lợi cho rùa mẹ đẻ trứng. 

Các tổ trứng sau khi rùa đẻ đều được di chuyển, di dời vào hồ ấp nhằm đảm bảo tỷ lệ nở cao, tránh hao hụt do bất lợi từ thiên nhiên và con người. Vòng đời của rùa biển, từ khi được sinh ra đến lúc trưởng thành đều gặp rất nhiều mối đe dọa từ thiên nhiên cũng như con người.

Vườn Quốc gia Côn Đảo là nơi đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công chương trình bảo tồn rùa biển. Mỗi năm có khoảng 450 cá thể rùa mẹ lên bãi đẻ và hơn 150.000 rùa con được thả về biển. Tháng 12/2022, Vườn Quốc gia Côn Đảo vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong công tác bảo tồn rùa biển. Tháng 1/2009, Vườn được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Nơi nuôi ấp và thả rùa con về biển nhiều nhất Việt Nam”.

Huỳnh Sơn (TTXVN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem