Dân Việt

Trữ nước trong hồ bạt, nông dân Ea Khăl bớt nỗi lo thiếu nước tưới mùa khô hạn

Thư Anh 18/04/2023 18:11 GMT+7
Để chủ động chống hạn cho cây trồng, đặc biệt là cây cà phê trong mùa khô, thời gian qua mô hình hồ trữ nước bằng hồ bạt đang được đông đảo bà con xã Ea Khăl, huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk áp dụng cho vườn cây nhà.

Ea Khăl là xã thuần nông của huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk. Toàn xã có gần 9.000 ha cây trồng, chủ yếu là cây cà phê, hồ tiêu, cao su... 

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, nguồn nước ngầm suy giảm mạnh gây khó khăn cho người dân trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với địa hình đồi dốc nên tình trạng thiếu nước, khô hạn cục bộ thường xuyên xảy ra tại địa phương.

Bà con nông dân xã Ea Khăl đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp ứng phó với tình trạng khô hạn, trong đó sáng kiến trữ nước chống hạn bằng hồ nổi đang đem lại hiệu quả.

Trữ nước trong hồ bạt, nông dân Ea Khăl bớt nỗi lo thiếu nước tưới mùa khô hạn - Ảnh 1.

Mô hình hồ bạt trữ nước giúp nhiều bà con nông dân ở xã Ea Khăl, huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk an tâm sản xuất mùa khô hạn. Ảnh: T.Anh

Người đầu tiên áp dụng mô hình này là anh Bùi Ngọc Dực, hiện là Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Khăl. Nhận thấy việc bơm tưới cho vườn cà phê nhà gặp không ít khó khăn, nhất là vào các đợt tưới cuối vụ do thiếu nguồn nước, năm 2007, học tập "mô hình nuôi tôm trên cát" bằng hồ nổi ở miền Tây Nam Bộ về, anh Dực mạnh dạn áp dụng cho 2 ha diện tích cà phê của gia đình.

Đầu tiên, anh Dực chọn mặt bằng gần vườn cây, thuê máy múc đào hồ lót bạt có chiều dài 20m, rộng 22 m, độ sâu 4 m, với 750 m bạt nhựa PE có độ bền cao phủ trên thể tích hồ gần 2.000m3. Sau đó lấp đất chèn chặt các cạnh tấm bạt hoặc xây một hàng gạch bao quanh bờ hồ để tránh nước mưa len lỏi vào vách ao gây xói lở bờ. Với gần 1.500m3 nước được bơm từ giếng lên hồ nổi vào thời điểm mạch nước dồi dào trong mùa mưa đã giúp anh Dực bảo đảm được nước tưới cho 1.000 cây cà phê trong cả mùa khô. 

Trữ nước trong hồ bạt, nông dân Ea Khăl bớt nỗi lo thiếu nước tưới mùa khô hạn - Ảnh 2.

Ngoài công năng trữ nước tưới, các hồ bạt còn được bà con nông dân tận dụng để nuôi cá. Ảnh: T.Anh

Cũng cách làm này, ông Bùi Ngọc Giang (thôn 8, xã Ea Khăl) đào hồ lót bạt đắp bờ bao xung quanh với thể tích 1.200m3 (chiều dài 20m, rộng 15m, sâu 4m). Ngoài lượng nước bơm từ giếng, ông còn tận dụng nước mưa từ trên mái nhà bắc đường ống dẫn vào hồ để trữ nước.

Ông Giang chia sẻ, những năm mùa khô kéo dài, nhưng nhờ cách làm này gia đình ông vẫn đủ lượng nước tưới cho hơn 2.000 cây cà phê xen tiêu trong đợt tưới cuối. Ngoài công năng trữ nước, ông Giang còn thả cá giống trong hồ để diệt lăng quăng cũng như tạo thêm nguồn thực phẩm sử dụng hằng ngày cho gia đình.

Trữ nước trong hồ bạt, nông dân Ea Khăl bớt nỗi lo thiếu nước tưới mùa khô hạn - Ảnh 3.

Vườn cây của gia đình anh Bùi Ngọc Dực (xã Ea Khăl, huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk) phát triển xanh tốt nhờ cung cấp đủ lượng nước cho cây. Ảnh: T.Anh

Hay như gia đình ông Lê Bá Trung (thôn 8, xã Ea Khăl) canh tác 2 ha các loại cây ăn trái. Để chủ động lượng nước tưới liên tục cho vườn cây trong mùa khô, ông Trung cũng thuê máy múc đào hồ, lót bạt chống thấm và cố định bằng hàng gạch bao quanh hồ. Với lượng nước tích trữ gần 1.500m3 nên cây trồng của ông không lo bị thiếu nước trong cả mùa khô.

Ông Trung phấn khởi: "Mùa khô năm nay kéo dài, nhưng vườn cây của gia đình tôi vẫn đủ nước tưới, phát triển xanh tốt. Ngoài cung cấp nước tưới cho vườn cây, tôi còn thiết kế hệ thống máy phun tạo ô xy trong lòng hồ để kết hợp nuôi cá cảnh, tăng thêm thu nhập cho gia đình".

Trữ nước trong hồ bạt, nông dân Ea Khăl bớt nỗi lo thiếu nước tưới mùa khô hạn - Ảnh 4.

Dù đang vào cao điểm của mùa khô hạn nhưng các nhà vườn ở xã Ea Khăl, huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk vẫn đủ nước tưới cho cây trồng nhờ áp dụng trữ nước bằng hồ bạt. Ảnh: T.Anh

Hiện trên địa bàn xã Ea Khăl đã có hơn 150 hộ áp dụng mô hình này với thể tích hồ lớn nhỏ khác nhau tùy theo nhu cầu sử dụng nước để canh tác của từng hộ.

Từ hiệu quả mô hình hồ trữ nước ở Ea Khăl, nhiều nông dân các địa phương khác trong tỉnh Đắk Lắk (các khu vực thường khô hạn, thiếu nước) cũng mạnh dạn áp dụng mô hình này vào canh tác nhằm giảm thiểu thiệt hại do nắng hạn gây ra.

Với những ưu điểm như dễ dàng thực hiện, kinh phí xây dựng khoảng 20 - 30 triệu đồng, bạt dùng để lót hồ sử dụng được 7 - 10 năm, mô hình hồ bạt trữ nước đã giúp nông dân giải quyết được tình trạng thiếu nước trong sản xuất, nhất là vào các đợt tưới cuối mùa khô.