Khi mới làm quen với việc điều khiển xe ôtô, người lái sẽ được yêu cầu tiếp xúc và ghi nhớ về các bộ phận quan trọng trên xe, trong đó có vị trí chân ga. Theo đó một chiếc xe muốn đi chuyển, tăng tốc trên đường hoặc trên địa hình khúc khuỷu thì chân ga chính là bộ phận được sử dụng để thực hiện hoạt động ấy.
Tuy nhiên, ở xe số sàn và xe số tự động, khu vực bố trí chân ga/phanh có sự khác biệt dẫn đến những yêu cầu khác nhau về thao tác chân:
Ở xe số sàn: Chân ga ôtô nằm ở khu vực để chân của tài xế. Vị trí để theo thứ tự là chân côn, chân phanh (ở giữa) và cuối cùng là chân ga.
Ở xe số tự động: Do không có chân côn nên chỉ còn chân phanh và chân ga nằm song song với nhau theo vị trí chân ga trước, chân phanh sau tính từ phía bên phải của người ngồi lái.
Trước khi khởi động xe, tài xế nên điều chỉnh vị trí ghế ngồi sao cho thoải mái nhất, tránh tình trạng tư thế lúng túng, khó chịu mà xử lý không linh hoạt, dẫn đến sự cố đạp nhầm chân ga.
Một trong những thói quen tốt giúp người lái tránh mắc lỗi đạp nhầm chân ga là quy tắc “Rời chân ga - Rà chân phanh”. Cụ thể quy tắc có thể diễn giải cơ bản như sau:
Tài xế đặt chân ngay sát chân phanh.
Tì gót chân lên sàn xe và coi đây như điểm tựa. Chỉ xoay gót phải để điều khiển ga/phanh và nhanh chóng chuyển sang rà phanh mỗi khi bỏ chân ga.
Luôn đặt gót chân phải thẳng hoặc gần với bàn đạp phanh để tạo tư thế thuận tiện dễ dàng nhấn phanh khi cần thiết.
Khi lái xe số tự động các lái xe nên tập thói quen “giải phóng chân trái” - tức để cho chân trái được rảnh rỗi, chỉ sử dụng chân phải, tì gót chân lên sàn xe tạo tư thế thoải mái để chuyển đổi tư thế giữ ga, phanh theo hình chữ V. Đây là kỹ năng quan trọng nhất mà tài xế nên ghi nhớ và duy trì xuyên suốt trong quá trình di chuyển.
Có nhiều nguyên nhân khiến người điều khiển ôtô đạp nhầm chân ga khiến xe mất kiểm soát và gây tai nạn. Bên cạnh thao tác lúng túng vì mới lái xe hay đổi sang xe khác thì còn một nguyên nhân nữa, đó là do sự chủ quan.
Với xe số tự động, nhiều người lái vẫn có thói quen để cần số ở nấc D, trong khi chân nhấn nhẹ bàn phanh để giữ xe đứng yên trong trường hợp không cần xuống xe và đi ngay.
Tuy nhiên, khi tập trung làm việc gì đó, vô tình lái xe rời chân ra khỏi bàn đạp mà quên rằng mình vẫn cần phải giữ chân phanh. Khi nhận ra, do lúng túng, lái xe có thể đạp nhầm chân ga gây ra hậu quả đáng tiếc.
Để tránh sự cố trên, nhà sản xuất khuyên các chủ xe khi dừng đỗ nên trả số về N và kéo phanh tay khi dừng xe tạm thời, trả số về P khi dừng xe lâu kết hợp kéo phanh tay để đảm bảo an toàn.
Thao tác trên sẽ chỉ mất từ 5-10 giây, vì thế người lái nên thực hiện thao tác này mỗi khi dừng xe và duy trì thường xuyên để tạo thành thói quen điều khiển xe an toàn.
Giày dép cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng điều khiển xe của người lái. Nếu đi chân trần sẽ khiến người lái đau chân khi phải lái xe trong một thời gian dài.
Trường hợp đi giày cao gót, giày có đế dày sẽ khiến chân bị cứng và khó di chuyển nên thực hiện các thao tác chân không linh hoạt. Nếu chủ xe có thói quen đi boot hoặc giày cao gót thì nên chuẩn bị sẵn trong xe một đôi giày/dép đế mỏng để sử dụng khi lái xe.
Trên thực tế, trường hợp đạp nhầm chân ga, biến chiếc xe của mình thành “xe điên” gây tai nạn nghiêm trọng không hề hiếm. Ai cũng có thể rơi vào tình huống này nếu sơ ý và hậu quả là không thể lường trước được.
Do vậy, người điều khiển xe nên nâng cao cảnh giác, thực hiện những hướng dẫn ở trên để giảm tối đa nguy cơ đạp nhầm chân phanh thành chân ga.