Theo Tổng cục thống kế vừa công bố, lần đầu tiên trong cả nước, các quý I từ trước đến nay, số doanh nghiệp đóng cửa, rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, trong đó có Đà Nẵng.
Tại thành phố Đà Nẵng, sau đại dịch Covid-19, khả năng chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn nên nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn giải pháp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể, khiến cho số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có xu hướng gia tăng trong những tháng đầu năm 2023.
"Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể chủ yếu ở quy mô nhỏ. Số lượng lao động từ 5-30 người, không kham nổi chi phí thuê mặt bằng và trả lương nhân viên. Lĩnh vực tạm ngừng, giải thể tập trung chủ yếu các nhóm ngành: Buôn bán, bán lẻ; xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ lưu trú, ăn uống; tư vấn, thiết kế, quảng cáo; các dịch vụ khác", đại diện Sở KH&ĐT TP.Đà Nẵng cho biết.
Bên cạnh đó, Sở KH&ĐT TP.Đà Nẵng còn cho hay, khó khăn về dòng tiền đang ảnh hưởng không nhỏ tới việc duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng với việc dòng vốn lại đang cạn kiệt, lãi xuất tăng cao, khả năng tiếp cận vốn khó khăn, sức ép lạm phát, tăng chi phí sản xuất khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, một nguyên nhân nữa khiến doanh nghiệp trên thị trường Đà Nẵng gặp khó khăn là bởi nguồn cung khan hiếm, nguồn cầu sụt giảm nhất là doanh nghiệp phụ thuộc xuất khẩu và nhập khẩu, các doanh nghiệp nhỏ lệ thuộc phần lớn vào nguồn vốn vay.
Tuy nhiên, Sở KH&ĐT TP.Đà Nẵng cho hay, trong bức tranh khó khăn chung của nền kinh tế thì Đà Nẵng vẫn có một số điểm sáng trong phát triển.
Cụ thể, ở lĩnh vực hoạt động du lịch tiếp tục có sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ khi doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 5.897 tỷ đồng, tăng 89,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Ở lĩnh vực hoạt động thông tin - truyền thông phát triển khá với tổng doanh thu toàn ngành ước đạt 9.051 tỷ đồng, đạt 25% kế hoạch, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 36,5 triệu USD, đạt 25% so với kế hoạch, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải, dịch vụ bưu chính và chuyển phát 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 7.933 tỷ đồng, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, còn một số lĩnh vực đóng góp cho tăng trưởng quý I/2023 như tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 3/2023 ước tính 5.247,4 tỷ đồng, lũy kế 33 tháng ước đạt 15.566 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022.
Hay một số ngành công nghiệp lấy được đà tăng trưởng trở lại như sản xuất chế biến thực phẩm tăng 17,8%; sản xuất đồ uống tăng 36,2%; sản xuất gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng 33,0%; sản xuất xe có động cơ tăng 25,6%...