Cây rau móp quen sống nơi sông rạch nước chảy, nhưng phải sạch không ô nhiễm, không cần phân bón, vun trồng… vẫn phát triển tốt và mang lại nguồn thu kinh tế cho người dân nơi đây.
Rau móp là loại cây hoang dã thường mọc nơi vườn rậm, bờ bãi ven sông, chỗ đất ẩm thấp, nhiều nhất ở các triền sông Đông Nam Bộ, đã là món ăn truyền thống của bà con huyện Củ Chi và hiện đang là món rau đặc sản được thực khách tại TP HCM và các tỉnh lân cận rất ưa chuộng.
Theo chia sẻ của ông No, hàng năm doanh thu từ rau móp của gia đình ông khoảng gần 500 triệu đồng. Từ hiệu quả của việc trồng rau móp, bà con nơi đây bắt đầu mở rộng diện tích trồng và thuê nhân công thu hái mỗi ngày, từ đó tạo thêm việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.
Do là rau hoang dại, trồng tự nhiên, lại dễ chăm sóc, thu nhập khá nên cả xã đã có nhiều hộ nông dân trồng rau móp. Ban đầu chỉ vài hộ trồng hiện nay đã phát triển ra khoảng 250 hộ, rau móp đã đem đến cho nông dân địa phương một nguồn thu ổn định.
Do thị trường rất hút loại rau này nên các thành viên trong Tổ hợp tác trồng rau móp không bị ép giá vì sản lượng rau chỉ có thể thu hoạch 2 – 3 tấn/ngày.
Ông Võ Văn No, xã Trung An, (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) bên vườn rau móp.
Ông No cho biết: “Chỉ cần có ít diện tích đất và mặt nước trồng rau, tự bỏ công thu hoạch tuần vài lần là có thu nhập, nếu được mang đi ủ chua rau thì giá bán cao gần gấp đôi rau tươi. Do sản lượng chưa nhiều và nhu cầu cao nên bà con thường bán rau tươi, rau vừa hái lên là bà con trong tổ sơ chế, chia bó và bán xong ngay trong buổi sáng. Rau móp có thể ăn kèm cá kho, thịt kho, nước mắm đều rất đưa cơm”.
Lá rau móp phát triển nhanh nên ngày nào cũng phải hái để không bị già và khi hái rau thì người hái lúc nào cũng phải mặc quần áo dài tay chân, đeo bao tay để không bị gai rau móp cào xước. Hiện nay, thu nhập người dân hái rau thuê từ 300 – 400 ngàn đồng/ngày, nên mọi người thường nói, rau móp đã trở thành cây nuôi sống người dân xã Trung An.
Trước đây, rau móp là loài cây dại còn khá xa lạ với người dân TP HCM nhưng nay đã được nhiều người biết đến và ưa thích, nên rau móp đang trở thành nguồn thu chính, xóa đói giảm nghèo cho rất nhiều hộ gia đình tại xã Trung An, huyện Củ Chi.
Với địa hình đặc thù nằm dọc theo sông Sài Gòn, khu vực xã Trung An là nơi lý tưởng cho rau móp sinh sôi và phát triển. Lá và đọt non của cây rau móp thường được người dân thu hái để chế biến các món ăn. Đọt non của cây rau móp có thể được dùng để chế biến thành nhiều món như ăn sống, bóp gỏi, luộc, xào, nấu canh chua, nhúng lẩu…
Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ hiện nay chủ yếu trên địa bàn huyện và vùng lân cận ven TP.HCM, chưa phát triển rộng trên toàn thành phố và các tỉnh thành khác do sản lượng cung không đủ cầu. Ngoài ra, quy mô trồng và sản xuất rau móp còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có sự tập trung và liên kết của người trồng ở nhiều vùng riêng lẻ tại địa phương.
Rau móp muối chua – đặc sản huyện Củ Chi (TP HCM) được nhiều người yêu thích
Để trồng rau móp, người dân thường đào mương rộng dẫn nước từ kênh rạch vào. Cách trồng đơn giản là cắm cây con xuống rồi để chúng tự phát triển, không cần chăm sóc nhiều, sau một năm trồng thì có thể thu hoạch được. Đến nay, khi ngày càng có nhiều người biết đến, ưa chuộng, loài rau dại này và đưa vào các nhà hàng, thì người dân trong khu vực đã đào mương, xen canh rau móp cùng các loại cây ăn trái, hoặc chuyển hẳn sang canh tác chính loại rau này.
Thông thường, người trồng dùng phần đường mương thoát nước bỏ không, cải tạo lại, trồng rau móp để tăng thêm thu nhập. Theo ông No, rau móp không cần chăm sóc, tưới, bón phân hằng ngày nên công bỏ ra rất ít, lại được thương lái đến tận nhà thu mua với giá trung bình 30.000 – 40.000đồng/kg. Cứ vài ngày thu lại hoạch một lần, mỗi lần khoảng 50 – 70 kg, thu nhập được vài chục triệu mỗi tháng.
Một số lưu ý khi trồng rau móp là phải nắm được các kỹ thuật chăm sóc cơ bản, vì rau móp rất dễ sống nhưng vào mùa mưa, sâu bệnh sinh sôi nảy nở, một số người vẫn chưa biết cách xử lý, chỉ biết xịt thuốc trừ sâu, cách ly đúng thời hạn như với các loại cây công nghiệp khác. Các yếu tố trên đã làm giảm thu hoạch sản lượng rau móp. Từ thực tiễn trên, chính quyền địa phương đã giúp nông dân, hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn cách trồng để tránh dịch bệnh.
Ngoài ra, còn giúp người dân thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau móp, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm, xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất, tiêu chuẩn cơ sở, đào tạo, tập huấn cho nông dân về ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rau móp. Trên cơ sở đó kết nối với các doanh nghiệp để hỗ trợ nông dân mở rộng thị trường, thu hút nhiều nhà đầu tư để phát triển sản xuất và kinh doanh.
Hiện xã Trung An có 32ha trồng rau móp, được thu hoạch liên tục, giá cả ổn định, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại TP. HCM và các vùng lân cận như Bình Dương, Tây Ninh, Long An… Thời gian qua, chính quyền địa phương đã xúc tiến làm việc với các chợ đầu mối, nhiều nơi tiêu thụ, các nhà bán lẻ để bảo đảm đầu ra ổn định vì cây rau móp đang được nông dân mở rộng diện tích trồng.
“Việc thành lập Tổ hợp tác và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu riêng cho rau móp, đưa vào hệ thống các siêu thị, nhà hàng lớn tại thành phố, để rau móp trở thành thương hiệu, đặc sản của Củ Chi là hướng đi đúng mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân và tạo ra việc làm cho lao động địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo nơi đây”, ông Đặng Văn Kên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung An, huyện Củ Chi (TP HCM) nói.