Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Clip: Lễ mát nhà – nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mường, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.
Đồng bào dân tộc Mường huyện Phù Yên (Sơn La) chiếm 40,46 % dân số trong toàn huyện. Từ bao đời nay, cộng đồng người Mường của huyện Phù Yên luôn sống đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, phát huy nội lực, vươn lên xóa đói giảm nghèo; đặc biệt, bà con luôn lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc và được truyền từ đời này sang đời khác, trong đó có Lễ mát nhà, nét văn hóa truyền thống độc đáo và mang ý nghĩa rất nhân văn.
Ông Đinh Văn Giờ, thầy mo lâu năm ở bản Cù 1 (Huy Tân, Phù Yên, Sơn La) chia sẻ: Lễ mát nhà của đồng bào dân tộc Mường đã có từ bao đời nay và có ý nghĩa về mặt tinh thần, cầu mong mang lại sự may mắn, bình an cho các thành viên trong gia đình.
Đây là Lễ cúng tế được người Mường thực hiện để mở tiệc dâng các ngài, sau đó nhờ các ngài giúp đỡ xua đuổi, hóa giải những xui xẻo trong năm cũ, cầu cho mọi người trong gia đình luôn luôn mạnh khỏe, may mắn trong năm mới; cầu cho mưa thuận gió hòa, cây trồng, vật nuôi phát triển tốt tươi.
Lễ mát nhà thường được bà con dân tộc Mường ở Phù Yên (Sơn La) tổ chức vào đầu năm hoặc cuối năm, nhưng hầu hết các gia đình ở huyện Phù Yên tổ chức vào tháng 2 âm lịch. Đây là thời điểm bắt tay vào lao động sản xuất, triển khai những công việc quan trọng trong năm. Tuy nhiên, cũng có những gia đình gặp điều không may thì tiến hành làm Lễ mát nhà vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Lễ Mát nhà của đồng bào dân tộc Mường hay gọi như người Kinh là Lễ giải hạn.
Theo phong tục của người Mường huyện Phù Yên (Sơn La), mâm cỗ cúng trong Lễ mát nhà được gia chủ chuẩn bị gồm: 1 con chó hoặc một con vịt và một con gà luộc chín để nguyên con, một gói cơm nhỏ, một bát nước sạch, một nhúm cỏ xước và cỏ thài lài, dao, thớt, rượu trắng, một vài súc vải thổ cẩm, trầu, cau...
Bên cạnh những mâm cỗ dành cho các vị thần, gia chủ cũng chuẩn bị những mâm cỗ cúng tà ma, những mâm cỗ này được đặt ở vị trí gần cửa chính nhất với quan niệm những chuyện xấu xảy ra là do tà ma quấy nhiễu, do vậy sẽ cho ma ăn một bữa thật no rồi xua đuổi ra khỏi nhà theo cửa chính, làm phép để tà ma không quay lại nữa.
\Tất cả những lễ vật trong mâm cỗ cúng phải mang những ý nghĩa quan trọng trong đời sống người Mường và không thể thiếu trong Lễ mát nhà. Ngày nay, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện kinh tế của từng gia đình mà tổ chức lễ cúng, bày biện sao cho phù hợp.
Khi được gia chủ mời về làm lễ, thầy mo sẽ chuẩn bị các đồ vật cần thiết sử dụng trong các nghi lễ gồm: túi khót, quẻ âm dương, khăn mặt và đặc biệt là chiếc quạt giấy, đồ vật không thể thiếu của thầy mo. Theo quan niệm của người Mường, chiếc quạt trên tay thầy mo là nghi lễ quạt đi những khí xấu, lấy lại những khí tốt đẹp, khí mát cho gia chủ. Nghi lễ này có ý nghĩa rất quan trọng bởi người Mường quan niệm, quyền năng từ chiếc quạt mà thầy mo sử dụng có sức mạnh tối thượng chống lại tà ma.
Để lễ mát nhà được theo đúng ý nguyện của gia chủ, thầy mo sẽ ngồi tại vị trí người có chức vị cao nhất trong nhà. Bắt đầu bài cúng, thầy mo mời thần hoàng bản thổ, thổ công bản địa, sau đó mời thỉnh các vị thần thánh anh em (hay còn gọi là các vị thần nông nghiệp) từ Mường Trời về.
Lễ mát nhà là mở tiệc dâng các ngài, mời các ngài về thụ hưởng lễ vật và sau đó nhờ các ngài giúp đỡ xua đuổi tà ma. Tiếp đến, thầy mo xin âm dương, nghi thức nhằm cầu mong các vị thần thánh phù hộ cho gia chủ được bình an, làm ăn khấm khá, con cháu khỏe mạnh, đất Mường mưa thuận gió hoà, cây trồng, vật nuôi phát triển tốt tươi.
Sau cùng, thầy mo sẽ nhúng cỏ xước và cỏ thài lài vào bát nước, vẩy nước vào mâm cỗ, quanh nhà gia chủ để làm mát nhà cùng với những lời chú nguyện mang điều may mắn đến với gia chủ. Bởi vì người Mường huyện Phù Yên (Sơn La) quan niệm, nước tượng trưng cho những điều mát lành, xua đi những điều xui xẻo, mang những điều may mắn trở lại.
"Bài khấn là kể về sự tích người Mường, có các đấng bề trên chia đôi không gian thành trời và đất, sinh ra vạn vật, thời gian, sinh ra cái thiện - cái ác. Các câu mo trong Lễ mát nhà phản ánh thế giới quan, kinh nghiệm sống, tri thức, đời sống tâm linh, tinh thần của người Mường", thầy mo Đinh Văn Giờ cho biết thêm.
Anh Đinh Văn Quảng, bản Cù 1 (Huy Tân, Phù Yên, Sơn La) cho biết: Năm nào nhà tôi cũng làm Lễ mát nhà vào tháng 2 âm lịch nhằm xua đuổi, hóa giải những điều xấu, cầu cho mọi người trong gia đình khỏe mạnh, làm ăn gặp mưa thuận gió hòa, cây trồng, vật nuôi phát triển tốt. Sau mỗi lần làm Lễ mát nhà, các thành viên trong gia đình tôi đều cảm thấy thoải mái, phấn chấn về tinh thần, từ đó yên tâm lao động sản xuất.
"Lễ mát nhà cũng là thời điểm trong năm tôi làm vài mâm cơm mời anh em họ hàng, bạn bè thân thiết đến cùng chung vui niềm vui trong năm mới", anh Quảng nói.
Trao đổi với phóng viên báo Dân Việt, anh Đinh Văn Duân, Phó Chủ tịch UBND xã Huy Tân (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) cho biết: Xã Huy Tân có 7/10 bản là đồng bào dân tộc Mường sinh sống, chiếm trên 60% dân số toàn xã.
Cộng đồng người Mường xã Huy Tân vẫn bảo tồn và gìn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc, từ lễ hội đến những phong tục tập quán, nếp ăn ở hàng ngày... trong đó có Lễ mát nhà là một nét văn hóa đặc trưng riêng biệt.
Trải qua từ đời này sang đời khác, đến nay, Lễ mát nhà vẫn được các thế hệ con cháu gìn giữ và lưu truyền, trở thành nét đẹp văn hóa của người Mường nơi đây, mang tính nhân văn cao cả, mang lại sự bình yên, may mắn, tai qua nạn khỏi, ấm no hạnh phúc cho mỗi gia đình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.