Tối 21/4, chương trình khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023; Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với chủ đề "Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương" đã diễn ra hoành tráng, sống động tại quảng trường Hùng Vương (TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới sự nghiệp chấn hưng và phát triển văn hóa, trong đó có việc gìn giữ, phát huy và tôn vinh các giá trị di sản văn hóa.
"Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa có ý nghĩa đặc biệt, góp phần phát triển, làm gia tăng giá trị và trách nhiệm với văn hóa của nhân loại. Qua đó, gìn giữ truyền thống lịch sử, vun đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào và góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của Đất nước" - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023, Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể lần này đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Đây là dịp để khẳng định những nỗ lực, cố gắng trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị 15 di sản được UNESCO ghi danh. Đồng thời, khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong quá trình thực hiện Công ước.
Tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang khẳng định, Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày để cả dân tộc tưởng nhớ về tổ tông; biết ơn các bậc tiền nhân đã có công khơi mạch nguồn dân tộc, xây nền độc lập, gìn giữ non sông; bồi đắp bản sắc, ý chí dân tộc con người Việt Nam.
"Hôm nay, di sản văn hóa phi vật thể tại Phú Thọ là hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, cùng với 13 di sản của cả nước được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã tụ hội về miền Đất Tổ.
Đây cũng là dịp các nghệ nhân dân gian trình diễn, thực hành, tôn vinh các tinh hoa di sản qua sự dàn dựng sáng tạo, bằng thiết kế của nghệ thuật, hình ảnh, âm thanh, phối khí... mang lại nhiều hiệu ứng làm tôn vinh các vùng, miền di sản nổi tiếng.
Điều quan trọng nhất là khán giả sẽ cảm nhận được giá trị của di sản gốc một cách tốt nhất, từ đó thêm tình yêu, niềm tự hào về những giá trị văn hóa đã được cha ông ta dựng xây, vun đắp và trao truyền qua nhiều thế hệ" - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nói.
Ông Chritian Hanhart – Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh, di sản hóa phi vật thể là một phần không thể thiếu trong đời sống con người trên toàn thế giới. Di sản văn hóa phi vật thể có tầm quan trọng rất lớn về cả xã hội lẫn kinh tế.
Năm 2005, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Từ đó đến nay, Việt Nam đã 2 lần trúng cử vào Ủy ban liên Chính phủ Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (nhiệm kỳ 2006 - 2010 và 2022 - 2026).
Điều này cho thấy những đóng góp của Việt Nam về bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được công nhận; thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp, năng lực điều hành của nước ta tại các thể chế đa phương toàn cầu.
Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam diễn ra trong không gian văn hóa đậm chất di sản. Qua đây, các giá trị độc đáo, đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh sẽ được lan tỏa rộng rãi đến bạn bè quốc tế.
Chương trình khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023, Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO gồm 3 phần: Linh thiêng nguồn cội - Đất tổ Hùng Vương; Tinh hoa di sản; Khát vọng Lạc Hồng, với sự tham gia của 400 diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng, cùng đông đảo nghệ nhân dân gian đã mang đến bữa tiệc nghệ thuật di sản đầy màu sắc cho khán giả, du khách về trẩy hội Đền Hùng.
Trong đó, du khách đặc biệt ấn tượng với những màn biểu diễn các di sản văn hóa nổi tiếng của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh đó là: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hát Xoan, hát Then, ca trù, nghệ thuật Xòe Thái, dân ca quan họ Bắc Ninh, dân ca ví - giặm Nghệ Tĩnh, Nhã nhạc cung đình Huế, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, nghệ thuật Bài Chòi, Đờn ca tài tử, không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên…
Bà Lê Thị Cúc (TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) vui mừng chia sẻ: "Tôi và mọi người trong gia đình ra quảng trường từ rất sớm. Thực sự sau mấy năm ảnh hưởng dịch Covid-19, đây là chương trình hoành tráng nhất mà bà con được thưởng thức.
Đây là lần đầu tiên tôi được xem trực tiếp trình diễn đầy đủ 15 di sản văn hóa của Việt Nam, rất đặc sắc, ấn tượng. Qua các tiết mục, thấy được sức sống mãnh liệt giá trị của những di sản; sự độc đáo của di sản, giao thoa và lan tỏa của các di sản với nhau. Tất cả, thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc, mỗi người Việt Nam đều là con cháu Vua Hùng".