Phú Thọ lên "kịch bản" dẹp nạn chặt chém, tránh “vỡ trận” trong Giỗ Tổ Hùng Vương như thế nào?

Hà Tùng Long Thứ năm, ngày 13/04/2023 13:56 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Đắc Thủy – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ cho biết, tỉnh cam kết sẽ không có nạn chặt chém và huy động tối đa nhân sự để phân luồng tránh việc “vỡ trận” trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương.
Bình luận 0

Ngày 13/4, Bộ VHTTDL cùng UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức họp báo, thông tin về Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa – Du lịch đất Tổ. Theo đó, các hoạt động sẽ diễn ra từ ngày 21-28/4 tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, góp phần tích cực tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam, thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam. 

Đây cũng sẽ là ngày hội chung của dân tộc, nhân dân trong và ngoài nước thắp hương lễ Tổ, tham gia vào các hoạt động văn hóa hấp dẫn, đặc sắc, thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước, các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.

Phú Thọ sẽ dẹp nạn chặt chém, tránh “vỡ trận” trong Giỗ Tổ Hùng Vương như thế nào? - Ảnh 1.

Toàn cảnh họp báo công bố thông tin về Lễ hội Đền Hùng, Tuần văn hóa du lịch đất Tổ... Ảnh: Nam Nguyễn.

BTC cho biết, Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ và các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam gồm 5 sự kiện, hoạt động chính. Trong đó, tỉnh Phú Thọ chủ trì thực hiện Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023 tại Quảng trường Hùng Vương, Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ từ ngày 21-28/4.

Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ cho biết, để chuẩn bị tốt cho các sự kiện lớn này, UBND tỉnh Phú Thọ đã họp bàn và có nhiều phương án về an ninh, phòng dịch, lưu trú. Phú Thọ dự đoán sẽ đón khoảng 8 triệu lượt khách trong dịp này, riêng những ngày qua đã có khoảng 2,5 triệu lượt khách đến tham quan. Do đây là năm đầu tiên tổ chức cùng lúc nhiều sự kiện văn hóa, lại trùng với dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 nên lượng khách đổ về sẽ đông hơn những dịp khác. BTC đã rà soát các cơ sở lưu trú để có phương án phân luồng, tránh quá tải cục bộ.

Ngoài ra, Phú Thọ cũng cam kết sẽ không có nạn chặt chém và phân luồng để tránh tình trạng "vỡ trận". Các tiểu ban về an ninh, y tế, giao thông... cũng đã lên các phương án để chuẩn bị tốt nhất cho các sự kiện lớn.

Bộ VHTTDL sẽ cùng UBND tỉnh Phú Thọ đồng chủ trì tổ chức Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh từ ngày 21 - 24/4. Liên hoan có sự tham gia của các nghệ nhân, người thực hành, cộng đồng chủ thể di sản văn hoá phi vật thể thuộc các tỉnh, thành phố có di sản văn hóa phi vật thể.

Phú Thọ sẽ dẹp nạn chặt chém, tránh “vỡ trận” trong Giỗ Tổ Hùng Vương như thế nào? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ chia sẻ thông tin trong họp báo. Ảnh: Nam Nguyễn.

Đặc biệt, Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Phú Thọ, Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ Kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Việc tổ chức lễ kỷ niệm nằm trong Kế hoạch triển khai các hoạt động của Thành viên Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026 của Việt Nam, góp phần tăng cường phối hợp với UNESCO và các cơ quan, tổ chức, các quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy việc thực hiện Công ước, nâng cao năng lực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Đây là hoạt động thiết thực nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Việt Nam trong vai trò là Thành viên Uỷ ban Liên Chính phủ đã được quy định tại Công ước 2003; thực hiện các cam kết của Việt Nam khi tham gia ứng cử vào Ủy ban này; thực hiện Chương trình Hành động quốc gia đã được cam kết với UNESCO đối với di sản sau khi được ghi danh.

Lễ kỷ niệm này cũng một lần nữa nhấn mạnh sự  nỗ lực, vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết khi tham gia Công ước 2003 của UNESCO đối với việc nghiên cứu, kiểm kê, nhận diện, thực hành, truyền dạy, quảng bá và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể sau khi được UNESCO ghi danh, để thể hiện trong các Báo cáo định kỳ quốc gia. Qua đó, Ban Tổ chức cũng khẳng định vai trò quan trọng của Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đánh giá hiệu quả công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa phi vật thể và hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản sau khi được UNESCO ghi danh.

Cùng với đó là Hội nghị - Hội thảo "Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch". Sự kiện này hướng đến không gian khoa học để các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, học giả, nhà khoa học và những bên liên quan cùng trao đổi, thảo luận về vai trò của di sản văn hóa trong phát triển du lịch bền vững. 

Đồng thời, các đại biểu trao đổi, thảo luận về việc xây dựng chiến lược định vị thương hiệu địa phương trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế cũng như cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh du lịch có trách nhiệm, phát triển kinh tế địa phương; tăng cường phối hợp các bên liên quan, kết nối vùng miền để xây dựng hệ sinh thái du lịch di sản bền vững.

Triển lãm di sản văn hóa, du lịch các vùng kinh đô Việt Nam diễn ra từ ngày 21-29/4 nhằm thiết thực giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa, góp phần nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam. Các hình ảnh cũng sẽ góp phần nêu lên đánh giá hiệu quả công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa phi vật thể và hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản sau khi được UNESCO ghi danh; thể hiện sự nỗ lực, vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết khi tham gia Công ước 2003 của UNESCO đối với việc nghiên cứu, kiểm kê, nhận diện, thực hành, truyền dạy, quảng bá và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể sau khi được UNESCO ghi danh. Các hình ảnh này cũng được thể hiện trong các Báo cáo định kỳ quốc gia; khẳng định vai trò quan trọng của Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem