Hát Xoan làng cổ, sản phẩm du lịch riêng có của Phú Thọ
Hát Xoan: Món ăn tinh thần độc đáo của Phú Thọ hấp dẫn du khách
Hoan Nguyễn
Thứ tư, ngày 30/11/2022 18:06 PM (GMT+7)
Hát Xoan đã trở thành món ăn tinh thần, sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo, riêng có của tỉnh Phú Thọ mà du khách trong nước và quốc tế không thể bỏ qua.
Hát Xoan Phú Thọ là loại hình dân ca lễ nghi phong tục hát thờ thần, thành hoàng với hình thức nghệ thuật đa yếu tố, có nhạc, hát, múa.
Khi xưa, hát Xoan vốn chỉ vang vọng nơi sân đình trong dịp lễ hội, nay đã vang vọng, lan tỏa, biểu diễn thuần thục đến cả người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và lan toả đến nhiều địa phương trong cả nước.
Cùng với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hát Xoan đang được trình diễn "lung linh" hơn và di sản này cũng được trao truyền khá hiệu quả.
Từ chỗ chỉ còn 7 nghệ nhân có khả năng truyền dạy di sản, nay toàn tỉnh Phú Thọ đã có cả 100 nghệ nhân hát Xoan có khả năng truyền dạy và hàng trăm nghệ nhân kế cận. Bên cạnh đó, câu lạc bộ hát Xoan xuất hiện khắp nơi với hàng ngàn người tham gia.
Từ năm 2013, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ đã xây dựng chương trình "Hát Xoan làng cổ" gắn với các tour - tuyến du lịch phục vụ các đoàn khách về tham dự Giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng hằng năm. Đây chính là tiền đề để xây dựng sản phẩm du lịch "Hát Xoan làng cổ" phát triển đến hiện nay.
Sản phẩm du lịch "Hát Xoan làng cổ" gắn liền với các di tích lịch sử văn hóa.
Nơi phát tích của hát Xoan và các ngôi đình cổ - là vùng lan tỏa diễn xướng hát Xoan như: Miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình An Thái, đình Hùng Lô… Chủ thể của chương trình biểu diễn là các nghệ nhân của 4 phường Xoan gốc: Phù Đức, Kim Đái, Thét và An Thái.
Chính tại không gian cổ kính, linh thiêng của các ngôi đình, kết hợp với lối biểu diễn thuần thục, nhuần nhuyễn từ tiếng trống phách, lời hát, tay múa, chân đưa của các nghệ nhân và đào - kép Xoan đã toát lên vẻ đẹp của sự uy nghiêm, thành kính mà hồn hậu, mộc mạc, sâu đậm làm du khách không thể nào quên.
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lịch - trùm phường Xoan An Thái (xã Phượng Lâu, TP.Việt Trì) chia sẻ, Phú Thọ có 4 phường Xoan gốc là thôn An Thái (xã Phượng Lâu), thôn Thét, thôn Phù Đức, thôn Kim Đái (xã Kim Đức, TP.Việt Trì).
Với mục đích bảo tồn, gìn giữ và quảng bá về di sản văn hóa hát Xoan, phường Xoan An Thái duy trì lịch sinh hoạt định kỳ vào thứ Bảy, Chủ Nhật hằng tuần, chia ca tập luyện với các đào Xoan, kép Xoan theo từng lứa tuổi.
Em Bùi Như Quỳnh (10 tuổi, phường Xoan An Thái) vui vẻ nói: "Từ nhỏ em đã được nghe bà hát Xoan và em rất thích thú. Cứ vào tối thứ Bảy, Chủ Nhật hằng tuần em lại theo bà đi tập luyện hát Xoan, đến nay em đã thuộc lòng gần 31 bài Xoan gốc."
Không gian diễn xướng là nét riêng của hát Xoan
Để giúp du khách thêm nhiều trải nghiệm về nét văn hóa của vùng Đất Tổ cội nguồn, trong chương trình du lịch "Hát Xoan làng cổ", du khách được thăm viếng Đền Hùng; tham quan, tìm hiểu về làng nghề truyền thống làm bánh chưng - bánh giầy trong truyền thuyết về Lang Liêu làm ra thứ bánh tượng trưng cho trời tròn, đất vuông, sau được truyền ngôi trở thành vua Hùng thứ bảy.
Bên cạnh đó, du khách còn được tham quan các ngôi nhà cổ và tìm hiểu đời sống sinh hoạt, phong tục, lễ nghi của cộng đồng dân cư các ngôi làng sống trong vùng ven kinh đô cổ Văn Lang cách ngày nay hàng ngàn năm… Tất cả những giá trị văn hóa đều giúp cho du khách có những ấn tượng sâu sắc về miền đất cố đô đầu tiên trong lịch sử nước Việt.
Chị Vũ Thị Ngọc Thanh (Hà Nam) chia sẻ, đến du lịch ở Phú Thọ, chị được thắp nén hương thơm tỏ lòng thành kính tri ân công đức Vua Hùng, được tham gia, trải nghiệm chương trình "Hát Xoan làng cổ" rất độc đáo, ý nghĩa.
"Tại sân đình Hùng Lô cổ kính, tôi được xem các nghệ nhân thể hiện các bài hát Xoan rất hay, có sự phối hợp nhịp nhàng, uyển chuyển giữa hát và múa. Đặc biệt có sự kết nối nhuần nhuyễn giữa thế hệ nghệ nhân cao tuổi và thế hệ trẻ trong phường Xoan. Sau khi nghe hát Xoan, tôi còn được tìm hiểu và thưởng thức nhiều đặc sản nổi tiếng của địa phương, thực sự ấn tượng, hấp dẫn. Và chắc chắn tôi sẽ trở lại Phú Thọ" - chị Thanh nói.
Đến nay, sản phẩm "Hát Xoan làng cổ" để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng du khách. Mỗi năm, các làng Xoan gốc đón và phục vụ hàng chục ngàn lượt khách về tham quan, công tác tổ chức biểu diễn và thuyết minh hướng dẫn đã sẵn sàng và chuyên nghiệp.
Ước tính, trung bình mỗi năm Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Phú Thọ thực hiện tư vấn, hỗ trợ thông tin, phục vụ đón tiếp, thuyết minh hướng dẫn tham quan du lịch Phú Thọ cho trên 500 đoàn khách, với tổng số trên 2 triệu lượt khách.
Trong đó, du khách lựa chọn chủ yếu các điểm tham quan, trải nghiệm như: Đình Hùng Lô, miếu Lãi Lèn (TP.Việt Trì), đình Do Nghĩa (huyện Lâm Thao), đình Đào Xá (huyện Thanh Thủy)...
Nhiều công ty lữ hành đã quan tâm xây dựng tour du lịch gắn với chương trình hát Xoan: Du lịch trải nghiệm Châu Á, Vietrantour, Saigontourist, Golden tour, Neworient tour, Newstar tour, Nam Thanh travel, Fivestar tour, Vinatour...
Hiện sản phẩm "Hát Xoan làng cổ" đã trở thành điểm du lịch không thể thiếu trong tour du lịch của các công ty lữ hành đón khách về Phú Thọ.
"Hát Xoan làng cổ" còn kết nối với các tour du lịch gắn với Thanh Thuỷ, Xuân Sơn và liên vùng Đông - Tây Bắc như Sapa, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng hay vùng đồng bằng sông Hồng như Hà Nội, Vĩnh Phúc.
Đặc biệt, các ngôi đền - không gian diễn xướng của hát Xoan được tu bổ, phục dựng. Đây là thành tựu lớn lao, mang lại niềm tự hào, niềm vui không kể xiết của nhân dân vùng bảo tồn đặc biệt của hát Xoan và của nhân dân trên toàn tỉnh Phú Thọ, chủ nhân của di sản quý báu của dân tộc.
Bằng những việc làm cụ thể và thiết thực, ngành du lịch nói riêng, tỉnh Phú Thọ nói chung đã đưa hát Xoan trở thành món ăn tinh thần, sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo, riêng có của tỉnh Phú Thọ mà du khách trong nước và quốc tế không thể bỏ qua. Đây chính là cơ sở để hát Xoan Phú Thọ - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được lưu truyền và quảng bá ra thế giới rộng hơn nữa.
Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch, hiện đây đó đã xuất hiện những bài Xoan mới, Xoan cải biên, bởi những người muốn làm mới cho hát Xoan nghĩ rằng, để những giai điệu Xoan sẽ bắt kịp với thời đại, cho dễ nghe hơn sẽ có nhiều khán giả hơn. Chính vì thế, nhiệm vụ cần thiết nhất hiện nay với di sản này là làm sao giữ được những làn điệu Xoan cổ.
"Dù hát Xoan đã đến được với nhân loại, nhưng công việc để bảo tồn và phát huy Xoan cần được các cấp quan tâm, dành nguồn lực đầu tư hơn nữa. Điều quan trọng nhất là chúng ta cần mạnh dạn loại bỏ những lai tạp và kiên quyết gạt bỏ hình thức sân khấu hóa, tạo mọi điều kiện để hát Xoan lan tỏa mạnh mẽ trong không gian văn hóa và môi trường diễn xướng đúng với nguyên bản" - nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.