Dân Việt

Huyện Vân Đồn của Quảng Ninh dồn lực chuyển đổi phao xốp nuôi trồng thủy sản trước 30/4

Thanh Tuyền 25/04/2023 13:18 GMT+7
Huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) đã thành lập các tổ xử lý phao xốp trên biển để hỗ trợ người dân cắt bỏ, thu gom phao xốp về nơi tập kết.

Vân Đồn dồn tổng lực để hoàn thành chuyển đổi phao xốp đúng hạn. 

Mỗi ngày, mỗi địa phương có từ 4-6 tổ công tác, mỗi tổ từ 6-8 người. Các tổ công tác phối hợp với UBND các xã, thị trấn thực hiện thu gom phao xốp trôi nổi trên biển.

Vân Đồn là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất tỉnh Quảng Ninh và chiếm đến gần 90% số phao xốp cần chuyển đổi sang phao nổi HDPE của toàn tỉnh. Theo thống kê, đến năm 2022, toàn huyện Vân Đồn có trên 4.000ha nuôi trồng thủy sản, với trên 1.300 cơ sở nuôi trồng thủy sản, trong đó có 971 tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản sử dụng phao xốp.

Từ đầu năm 2022, huyện Vân Đồn đã rà soát, kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi phao xốp sang phao nổi HDPE phù hợp quy chuẩn kỹ thuật địa phương, di chuyển, cắt giảm diện tích nuôi không phù hợp với quy hoạch.

Để thu gom, xử lý phao xốp trôi nổi trên biển, huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh)  - Ảnh 4.

Lãnh đạo huyện Vân Đồn kiểm tra việc thu gom phao xốp trên biển trong ngày 22/4. Ảnh: N.T

Trong những ngày này, Vân Đồn đang tổng huy động các lực lượng, phương tiện để giải tỏa hoạt động nuôi trồng thủy sản trái phép, đồng thời, đôn đốc và hỗ trợ người dân chuyển đổi, thay thế phao xốp sang vật liệu nổi phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật địa phương trong nuôi trồng thủy sản trước ngày 30/4.

Anh Vũ Văn Tình (xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, thực hiện chủ trương của huyện và của tỉnh, gia đình anh đã chuyển đổi số phao xốp để nuôi hàu sang phao nổi HDPE thân thiện với môi trường. Đến nay, nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cấp, ban, ngành, gia đình đã chuyển đổi được trên 90% số lượng phao xốp. Bên cạnh đó, anh Tình cũng bày tỏ mong muốn các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện cấp sổ mặt nước để người dân nuôi trồng ổn định, lâu dài.

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, nhìn chung, các hộ dân nuôi trồng thủy sản đều cơ bản đồng thuận với chủ trương chuyển đổi vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình di dời, tháo dỡ các lồng bè nuôi trồng thủy sản đã phát sinh một lượng lớn phao xốp, bè mảng... trôi nổi, làm ảnh hưởng đến môi trường biển.

Để thu gom, xử lý phao xốp trôi nổi trên biển, huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh)  - Ảnh 2.

Huyện Vân Đồn thành lập các tổ xử lý phao xốp trên biển để hỗ trợ người dân cắt bỏ, thu gom phao xốp về nơi tập kết. Ảnh: N.T

Mới đây, ngày 22/4, các lãnh đạo huyện Vân Đồn đã kiểm tra công tác thu gom phao xốp trên biển và tiến độ chuyển đổi phao xốp tại các xã Thắng Lợi, Đông Xá, Hạ Long...

Theo đó, lãnh đạo huyện Vân Đồn đề nghị, các lực lượng chức năng và các địa phương cần giám sát chặt chẽ việc thu hồi phao xốp, lồng bè thải bỏ trong quá trình tháo dỡ, di dời các lồng bè và trong quá trình thay thế phao xốp bằng phao nổi HDPE; Không để tình trạng xả rác thải, phao xốp từ hoạt động tháo dỡ lồng, bè ra biển làm ảnh hưởng đến môi trường và hoạt động du lịch trên vịnh Bái Tử Long; xử lý nghiêm các trường hợp xả vật liệu thải ra môi trường theo quy định.

Đồng thời, lãnh đạo Vân Đồn yêu cầu các địa phương cần tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tăng tốc thực hiện di dời, giải tỏa hoạt động nuôi trồng thủy sản trái phép, đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Để thu gom, xử lý phao xốp trôi nổi trên biển, huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh)  - Ảnh 5.

Các lực lượng bốc dỡ phao xốp vào điểm tập kết. Ảnh: N.T

Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho biết, từ năm 2022 đến những tháng đầu năm 2023, huyện đã đề ra lộ trình chuyển đổi phao xốp sang phao nổi HDPE phù hợp quy chuẩn kỹ thuật địa phương mỗi tháng 10%, hoặc tự cắt giảm 10% nếu không thay.

Năm 2021, Vân Đồn có 971 cơ sở nuôi trồng thủy sản, sử dụng trên 5 triệu quả phao xốp. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thời gian qua, đến nay, huyện Vân Đồn đã chuyển đổi được trên 90% phao xốp và hiện chỉ còn trên 300.000 quả phao xốp cần chuyển đổi.

Vân Đồn xác định từ nay đến ngày 30/4 sẽ hoàn thành việc cắt bỏ hoàn toàn phao xốp trong nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi phao xốp sang phao nổi HDPE trên tất cả diện tích đang nuôi trồng thủy sản.

Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian qua, huyện đã tổ chức nhiều đợt cao điểm, huy động nhiều lực lượng với con số lên đến hơn 400 người để hỗ trợ người dân để cắt bỏ phao xốp, thu gom phao xốp trôi nổi trên biển về các vị trí đã được bố trí, sắp xếp để xử lý theo đúng quy định.

Để thu gom, xử lý phao xốp trôi nổi trên biển, huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh)  - Ảnh 6.

Số phao xốp này được tập kết về bờ, rồi được vận chuyển và xử lý theo quy định. Ảnh: N.T

Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho biết thêm, huyện cũng thành lập các tổ xử lý phao xốp trên biển để hỗ trợ người dân cắt bỏ, thu gom phao xốp về nơi tập kết. Mỗi ngày, mỗi địa phương có từ 4-6 tổ công tác, mỗi tổ từ 6-8 người. Các tổ công tác phối hợp với UBND các xã, thị trấn thực hiện thu gom phao xốp trôi nổi trên biển, sau đó vận chuyển về nơi tập kết để xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, huyện cũng yêu cầu lãnh đạo các xã, thị trấn trực tiếp ra biển, giám sát việc cắt bỏ, thay thế phao xốp bằng phao nổi HDPE.