Theo gia phả và các nguồn thư tịch cổ, Trạng nguyên Nguyễn Đức Chính quê ở xã Phù Chuẩn, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh sinh vào ngày mùng 1 tháng Tám năm Mậu Tý niên hiệu Quang Hưng thứ 11 đời vua Lê Thế Tông (1588) trong một gia đình có truyền thống thi lễ và gia giáo.
Năm 3 tuổi, bố mất sớm, gia đình thiếu thốn, mẹ thường phải bán rượu để nuôi dưỡng con ăn học. Năm 13 tuổi, thi Hương lần đầu, trúng Tam trường, năm 16 tuổi, đỗ đầu cả Tứ trường, lĩnh giải Nguyên đệ nhất. Năm 19 tuổi, học trường Quốc Tử giám.
Năm 24 tuổi, cụ theo học ông Sài Tư, hiệu Niêm Hoành. Tại trường học, Nguyễn Đức Chính dốc chí học hành ngày đêm, miệt mài sách sử, phân tích câu chữ không lúc nào nghỉ ngơi, văn chương trở nên tinh vi thuần thục hơn hẳn, danh tiếng ngày thêm rộng mở, sỹ tử trong trường gọi là “Nho Cháy”.
Sau khi thầy Sài Tư vào kinh, Nguyễn Đức Chính tiếp tục theo học quan Thừa sứ, người làng Tháp. Học được 3 tháng, ông về dựng nhà ra Đường Chim dạy học.
Năm 37 tuổi, Nguyễn Đức Chính thi trúng khoa Sĩ vọng, được triều đình bổ làm Huấn đạo phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Nam Định). Hai năm sau, ông xin từ quan về nhà dạy học, đợi thi lại.
Từ khoa Bính Thìn (1616), năm ông 29 tuổi đến khoa thi Tân Dậu (1631), khi đã 44 tuổi, liên tục 6 khoá đi thi Hội cũng chỉ trúng Tam trường, bị đánh hỏng ở kỳ “Văn sách”. Tính đến năm 44 tuổi, ông 9 lần đi thi với ý chí bền bỉ, kiên định.
Năm 47 tuổi, Nguyễn Xuân Chính dạy học tại quê nhà. Học trò theo học rất đông, có nhiều người đỗ đạt cao ra làm quan.
Đỗ ở tuổi 50 - Nguyễn Xuân Chính trở thành Trạng nguyên lớn tuổi nhất trong lịch sử khoa bảng.
Đỗ ở tuổi 50 - Nguyễn Xuân Chính trở thành Trạng nguyên lớn tuổi nhất trong lịch sử khoa bảng. Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính quê ở xã Phù Chuẩn, huyện Đông Ngàn, nay là xã Phù Chuẩn, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Đến khoa thi năm Đinh Sửu, niên hiệu Dương Hòa thứ 3 (1637) đời vua Lê Thần Tông, Nguyễn Đức Chính khi đó đã 50 tuổi đi thi. Sách Lịch triều hiến chương loại chí viết: năm Dương Hoà thứ ba (1637), khoa Đinh Sửu, lấy đỗ Tiến sĩ 20 người. Hội nguyên, Đình nguyên, Trạng Nguyên: Nguyễn Xuân Chính, người xã Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, thi Hội, thi Đình, bài ứng chế đều đỗ đầu.
Sau khi đỗ Trạng nguyên, vua Lê Thần Tông thấy Nguyễn Đức Chính tuổi cao đã ban cho chữ “Xuân”, gọi là Nguyễn Xuân Chính, được phong “Tam nguyên Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu Khai quốc Trạng nguyên”. Cũng từ đây mà có dòng họ Nguyễn Xuân ở làng Phù Chẩn.
Gia phả dòng họ Nguyễn Đức làng Phù Chẩn cho chúng ta biết, nghiệp học của họ Nguyễn Đức được khai mở từ đời thứ 5 với cụ tổ Nguyễn Đức Hải, tự Nghiêm Giới.
Cụ thi đỗ Hương cống, được vào học trường Quốc Tử Giám, giữ chức Giảng luận tại Nội điện, được tặng phong Thái bộc Tự khanh, Thái Bảo. Sinh thời cụ là người tính khí lạc quan, thấm nhuần đạo đức Thánh hiền, văn chương thuần nhã, học rộng, dạy giỏi nên có rất đông học trò gần xa theo học.
Đến đời thứ 6 là cụ Nguyễn Đức Trinh, tự Mặc Hội, là người quyết định chuyển từ thôn Rích sang định cư tại thôn Sóc. Thời nhà Mạc mở khoa thi Hương tại Kiều Giang (làng Viềng), cụ đậu Giải nguyên, được tặng phong Tự khanh, Thái Bảo.
Cụ là người cẩn trọng, thẳng thắn, đọc nhiều sách, đông người theo học. Truyền thống hiếu học của cha ông trên đây chắc chắn có tác động rất lớn đến quyết tâm theo đuổi nghiệp học đến cùng của Nguyễn Xuân Chính.
Song song với sự kế tục được truyền thống dòng họ, Nguyễn Xuân Chính còn phát huy được truyền thống khoa bảng của làng. Các sách đăng khoa lục cho chúng ta biết, làng Phù Chẩn trước đó đã có những vị đỗ Tiến sĩ (TS) như: Nguyễn Sao, sinh năm 1465, đỗ TS năm 1490, làm quan đến chức Thừa Chính sứ; Nguyễn Kỳ Phùng, đỗ TS năm 1508, làm quan đến chức Hiến sứ; Nguyễn Niệm (1496-1576), đỗ TS năm 1538, làm quan đến chức Hữu Thị lang bộ Công…
Noi theo tấm gương của vị Trạng nguyên của làng, sau khi Nguyễn Xuân Chính thi đỗ, làng Phù Chẩn xuất hiện nhiều tấm gương khoa bảng sáng ngời.
Đó là các vị TS: Nguyễn Đình Bảng, sinh năm 1648, đỗ TS năm 1670, làm quan đến chức Giám sát ngự sử; Nguyễn Xuân Đỉnh, sinh năm 1648, đỗ TS năm 1676 làm quan đến chức Hiến sát sứ; Nguyễn Công Hãng: (1680-1732), đỗ TS năm 1700, làm quan đến chức Thượng thư bộ Lại…
Sinh thời, rất có thể Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính trước tác nhiều, nhưng chắc chắn đã thất lạc không ít. Hiện nay, chúng tôi được biết, ông từng biên soạn một số văn bia: Trấn Quốc tự bi ký/Đại công đức trường thuyên, soạn năm Dương Hoà thứ 5 (1639); Bái Giang kiều bi (dựng năm Dương Hoà thứ 7 (1641); Bia Tu tạo Vĩnh Thái tự ở Hưng Yên (1641); Dịch Lư kiều bi (dựng vào tháng 5 năm Phúc Thái thứ 4 (1646); Hạ Trùm trưởng bi (dựng năm Khánh Đức nguyên niên (1649); Văn tế và Văn mục lục làng Phù Chẩn. Đây là nguồn tư liệu rất quý, là căn cứ giúp chúng ta tìm hiểu tư tưởng của Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính về thời đại, về xã hội, về Phật giáo…
Có thể nói, Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính là một trong những nhà khoa bảng tiêu biểu có nhiều đóng góp về việc xây dựng truyền thống hiếu học cho dòng họ, quê hương Bắc Ninh.
Nhằm tiếp tục giữ gìn, giáo dục, phát huy truyền thống hiếu học của các bậc tiền bối, trong đó có Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính, chúng ta cần tiếp tục sưu tầm, khai thác, truyền bá những tác phẩm của Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính và những danh nhân tiêu biểu của tỉnh ta trong lịch sử.